Cảnh sát Pháp xem những hình ảnh do video giám sát ghi lại tại Nice - Ảnh: REUTERS |
Theo The Verge, Surveillance Industry Index (SII) là tên của cơ sở dữ liệu đặc biệt này. Đây là sản phẩm của Tổ chức giám sát Privacy International có trụ sở tại thủ đô London (Anh) và phần mềm mã nguồn mở Transparency Toolkit. SII bao gồm thông tin của hơn 520 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực do thám thông tin cùng các sản phẩm công nghệ họ đã bán cho các cơ quan chính phủ và các công ty viễn thông trên toàn thế giới.
Vấn đề thời đại
“Quá trình thu thập thông tin của chính phủ là một trong những vấn đề quan trọng và gây chia rẽ quan điểm nhiều nhất ở thời đại chúng ta, dù vậy do tính bí mật của nó mà cho tới nay đó vẫn là một cuộc tranh luận thiếu những cơ sở lập luận đáng tin cậy” - ông Edin Omanovic, cán bộ nghiên cứu tại Privacy International, nhận định.
Theo ông Edin Omanovic, “việc hiểu rõ vai trò của ngành công nghiệp do thám cùng cách thức những công nghệ do thám được mua bán và sử dụng như thế nào trên toàn thế giới không chỉ rất quan trọng trong việc giúp mọi người hiểu được cuộc tranh luận này, mà còn góp phần tăng cường trách nhiệm và phát triển các biện pháp phòng vệ toàn diện cũng như hoạch định chính sách hiệu quả”.
SII thu thập thông tin về 520 công ty do thám từ hơn 1.500 tài liệu giới thiệu doanh nghiệp và sản phẩm, các báo cáo điều tra và báo cáo do truyền thông cung cấp. Các danh mục 600 sản phẩm công nghệ xuất khẩu đã được liệt kê trong những biên bản công khai và cả dữ liệu cấp phép xuất khẩu của các nước.
Theo đó, Mỹ là nước đứng đầu thế giới về số công ty do thám hoạt động trên lãnh thổ nước này với 122 doanh nghiệp. Tiếp đó là Vương quốc Anh với 104 công ty, Pháp (45), Đức (41) và Israel (27). Theo SII, trong số các loại sản phẩm công nghệ do thám các công ty này bán ra, chiếm đa số là thiết bị thu thập thông tin liên lạc, phần mềm gián điệp và các công cụ giám sát mạng Internet.
Báo cáo của Privacy International cũng bao gồm những nghiên cứu trường hợp tiến hành với các nhà xuất khẩu công nghệ do thám ở Mỹ và Israel, hai quốc gia có số lượng công ty do thám lớn nhất thế giới nếu tính theo tỉ lệ đầu người.
Theo đó, các công ty Israel đã bán thiết bị do thám cho cảnh sát ngầm ở Uzbekistan và Kazakhstan. Còn hai công ty Packet Forensics và SS8 của Mỹ đã bán công nghệ do thám cho các cơ quan chính phủ của cả Mỹ lẫn các chính phủ nước ngoài.
Minh bạch để trách nhiệm hơn
Ông Joshua Franco, nhà nghiên cứu về công nghệ và nhân quyền thuộc Tổ chức Ân xá quốc tế, cho rằng SII thực sự “là một nguồn tài nguyên vô cùng giá trị và là một sáng kiến to lớn”. Cơ sở dữ liệu này sẽ giúp Tổ chức Ân xá quốc tế cũng như nhiều tổ chức nhân quyền khác có thể tiến hành các nghiên cứu chủ động hơn về ngành công nghiệp do thám.
“Chúng ta thường chỉ biết về một vài hoạt động xuất khẩu công nghệ do thám tai tiếng sau khi báo chí hay các nhà nghiên cứu phanh phui ra một vài bê bối. Các chính phủ cần phải đảm bảo về sự minh bạch hơn trong vấn đề cấp phép và xuất khẩu công nghệ do thám” - ông Joshua Franco nói.
Ông Edin Omanovic cho biết Privacy International sẽ tiếp tục cập nhật thông tin cho SII và hi vọng sẽ góp phần soi rọi được phần nào đó trong thế giới mù mờ lâu nay của hoạt động do thám thông tin.
Ông nói: “Chúng tôi đang tìm cách tăng cường tính minh bạch trong toàn bộ lĩnh vực này để một mặt giúp chúng ta hiểu hơn về ngành công nghiệp do thám, mặt khác giúp các doanh nghiệp cũng như các chính phủ trở nên có trách nhiệm hơn trong hoạt động do thám thông tin”.
Trong cơ sở dữ liệu SII, các chuyên gia của Privacy International lưu ý về trường hợp của một công ty có tên là Advanced Middle East Systems (Hệ thống Trung Đông tân tiến) có trụ sở tại Dubai. Công ty này đã chế tạo một hệ thống mà theo ông Edin Omanovic, “có khả năng chặn đứng toàn bộ đường truyền Internet của một quốc gia”. |
Anh bị kiện vì do thám thông tin ở nước ngoài Ngày 5-8, Tổ chức Privacy International đã cùng năm tổ chức công nghệ quốc tế gồm Chaos Computer Club (Đức), GreenNet (Anh), Jinbonet (Hàn Quốc), May First và RiseUp (Mỹ) đồng khởi kiện Chính phủ Vương quốc Anh đã có những hoạt động do thám quy mô lớn đối với các máy tính, thiết bị di động và mạng lưới thông tin ở nước ngoài. Đơn kiện này đã được gửi lên Tòa án nhân quyền châu Âu. Privacy International cũng ra thông cáo nêu rõ những sai phạm của Chính phủ Anh trên trang web của tổ chức này. Theo đó, kể từ năm 2014 khi tổ chức này lần đầu tiên đưa vấn đề trên ra tòa, Chính phủ Anh vẫn chưa chịu thừa nhận rằng họ thực hiện chương trình do thám thông tin tại nước ngoài. Tuy nhiên với đơn khiếu nại lần này ra Tòa án nhân quyền châu Âu, Privacy International tin rằng lần đầu tiên họ đã nắm được quy mô cũng như cấp độ “vươn xa” tới đâu của năng lực do thám toàn cầu mà Chính phủ Anh đã và đang tiến hành. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận