29/09/2016 18:26 GMT+7

Sách không hay khua chiêng múa trống cũng chẳng ai mua

TRÀ MY thực hiện
TRÀ MY thực hiện

TTO - Nhà văn trẻ Anh Khang chia sẻ quan điểm về tình hình “vàng thau lẫn lộn" trong các sách của những người trẻ viết và bán trên thị trường.

Nhiều tác giả trẻ rất năng động trong việc quảng bá, ra mắt sách của mình đến với độc giả trẻ - Ảnh NVCC

 

Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9 đang diễn ra tại Hà Nội ghi nhận ý kiến lo lắng về tình hình “vàng thau lẫn lộn" trong các sách của những người trẻ viết và bán trên thị trường.

Nhà văn trẻ Văn Thành Lê Lê nêu ý kiến: "Đâu đó hình thành thứ công thức để thành tác giả của giới trẻ, tác giả bestseller là: ngôn tình Trung Quốc pha sướt mướt phim Hàn trộn với lê thê phim bộ Đài Loan, đi kèm các buổi giới thiệu sách bóng bẩy như showbiz. Chưa bao giờ ra sách đơn giản và nhẹ nhàng như bây giờ…".

Nhà văn Nguyễn Bình Phương tâm tư: "Nhiều người viết trẻ chưa để ý rằng thầm lặng là mảnh đất của những cây cổ thụ; một số ít cây viết trẻ do mải mê tìm kiếm cái mới của riêng mình đã bỏ qua những yêu cầu tối thiểu về thẩm mỹ, luân lý; phê bình văn học còn dấu hiệu của sự cẩu thả, hời hợt, khen chê không đúng với kích cỡ của tác phẩm tác giả, làm nhiễu loạn độc giả".

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của tác giả trẻ và độc giả:

Nhà văn Anh Khang (tác giả những quyển sách lập kỷ lục bán chạy như: Ngày trôi về phía cũ, Đường hai ngả - Người thương thành lạ, Buồn làm sao buông, Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em, Thương mấy cũng là người dưng) cho biết ý kiến:

"Là một học sinh chuyên văn nhiều năm, từng là học sinh giỏi văn quốc gia, theo nghề báo và hiện tại đang là Hội viên Hội Nhà Văn TP.HCM, với tôi, văn chương không phải là một trò chơi, đó là thánh đường.

Với những nhận xét rằng sách của các tác giả trẻ là sự pha trộn của ngôn tình Trung Quốc và phim Hàn Quốc, Đài Loan, theo tôi, đây là đánh giá chung chung, giống như chỉ đọc một hoặc một vài quyển nào đấy rồi quy chụp toàn bộ văn học giai đoạn này là như vậy.

Đến bây giờ vẫn có những bài báo nhầm lẫn tôi với ca sĩ Anh Khang. Điều đó chứng tỏ rằng có những nhận định được viết ra từ những người chỉ biết tựa sách, nghe cái tên và mặc định rằng “à, ca sĩ đi viết sách” và đăng đàn phản bác.

Tôi luôn thấu hiểu rằng trước cái mới, con người thường có thái độ de chừng, có chút công kích vì bản năng gắn chặt với những gì quen thuộc và dẹp bỏ những cái mới, cái khác mình.

Những gì vừa mới xuất hiện và được một bộ phận đón nhận thì sẽ có một bộ phận khác lên án, đó là điều bình thường vì mâu thuẫn luôn là nguồn gốc của sự vận động.

Với tôi, nghệ thuật không có đúng - sai, cao - thấp mà chỉ là tác phẩm của anh nói được tiếng lòng của anh, cảm xúc của anh đồng điệu với đối tượng độc giả nào…

Chúng ta thường bỏ quên tính thời đại của văn học. Văn học là hơi thở của cuộc sống ở chính thời điểm mà nó sinh ra và tồn tại. Ngày xưa Thơ mới chịu những “đòn roi” gì khi mới ra đời, để rồi đến ngày hôm nay, Thơ mới và những nhà văn Tự lực văn đoàn được thừa nhận là điểm sáng trong chiều dài văn thơ Việt Nam.

Có thể có những cô chú, anh chị trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời và nhìn vào tình yêu trong những tác phẩm của thế hệ trẻ ngày nay và cho rằng sao nó cạn cợt quá. Nhưng chúng tôi đang ở những ngày tuổi trẻ của mình, chúng tôi cảm nhận tình yêu ở nồng độ này, với cảm xúc này, chúng tôi sống và viết với những cảm xúc thật nhất của mình.

Vì thế, gọi tình yêu tuổi trẻ là nông cạn, hời hợt thì oan cho cả người viết lẫn người đọc.

Tôi viết sách vì tôi được lắng nghe và trưởng thành qua những trang sách của mình. Những người đọc của tôi, tuổi trẻ, cảm xúc, tình yêu của họ như vậy và họ chọn đọc những gì nói được tiếng lòng mình.

Một câu rất cũ nhưng luôn đúng với tôi: "Những gì xuất phát từ trái tim thì đi được đến trái tim" - dù có thể không phải trái tim của tất cả mọi người.

Đông đảo độc giả trẻ dự buổi giao lưu ra mắt tập sách mới của tác giả trẻ Anh Khang - Ảnh: MINH TRANG
Các buổi giao lưu ra mắt sách thường thu hút đông đảo bạn trẻ - Ảnh: MINH TRANG

Những nhận xét như ra mắt sách như một sự kiện showbiz làm tôi có cảm giác người nói khá chủ quan, phiến diện và chỉ mới nhìn hình rồi đánh giá, chứ chưa bao giờ đến tham gia một buổi gặp gỡ của nhà văn và độc giả.

Có thể hoàn cảnh, không gian và thời gian khác nhau nhưng mỗi buổi ra mắt sách của tôi đều gợi lại cảm giác của nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Tuân. Vì ở đó có sự trang trọng, đủ đầy về cảm xúc của người viết và người đọc dành cho nhau. Họ đến với nhau vì ở đó có một người đã hiểu được tiếng lòng mình.

Độc giả tới với những buổi ra mắt sách không đơn thuần là đọc một tác phẩm mới, mà họ còn muốn “đọc vị” tác giả - người đứng đằng sau những câu chữ - để “thẩm định” rằng người tác giả này có đúng với những gì anh ta viết hay không.

Tôi trân trọng từng độc giả của mình. Tôi vẫn nhớ hoài hình ảnh hàng dài những bạn trẻ xếp hàng ngay ngắn và kiên nhẫn đứng chờ để nhận chữ ký, để trò chuyện đôi ba câu, để nói với tác giả điều gì đưa họ đến đây ngày hôm nay.

Và bạn biết họ đến vì điều gì không? Họ đến vì “đã có người nghe thấy tiếng tôi giữa cuộc đời”, đến để chia sẻ rằng từ nay họ biết, họ không đơn độc lớn lên trong hành trình cảm xúc của mình.

Nhiều người nói các nhà văn trẻ biết cách PR, biết những chiêu trò để cuốn hút độc giả cho nên sách mới bán chạy. Khang nghĩ không hẳn là đúng. Bất kỳ một tác phẩm nào cũng cần nền tảng để đưa nó đến với công chúng. 

Ngày xưa, các bậc đàn cha, đàn chú đưa tác phẩm của mình đến với độc giả thông qua những tờ báo hay những tạp chí thơ văn, tuần san... 

Những người viết trẻ như chúng tôi không có cầu nối nào đến với độc giả như ngày xưa. Xã hội hiện đại quá gấp gáp, người ta sẽ ưu tiên cho TV, cho internet. Vì thế, chúng tôi phải lựa chọn những phương pháp tiếp cận phù hợp với thời đại hơn, đưa những đưa con tinh thần của chúng tôi đến độc giả. 

Nếu một tác phẩm không hay thì dù có khua chiêng múa trống như thế nào thì độc giả cũng không tìm đến hoặc đến một lần rồi không quay trở lại. 

Tôi nghĩ để đi đường dài trên con đường văn nghiệp, người viết phải biết cách giữ chân độc giả bằng thực tài của mình, bên cạnh những cách thức tiếp cận". 

>> Nghe chia sẻ của nhà văn Anh Khang:

>>Xem tiếp: Có PR mấy thì sách phải hay trước đã

TRÀ MY thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp