06/11/2023 08:21 GMT+7

Sách giáo khoa: Xin đừng cải... lùi

Sách giáo khoa là một vấn đề rất cơ bản của giáo dục. Các nước đều có giải pháp thỏa đáng và được kiểm chứng, không chỉ bởi chất lượng sách giáo khoa mà còn bởi cả xã hội. Vậy tại sao nó lại là vấn đề lớn của chúng ta trong suốt hàng chục năm qua?

Học sinh tiểu học ở TP.HCM tìm mua sách giáo khoa cho năm học 2023 - 2024 - Ảnh: N.HUY

Học sinh tiểu học ở TP.HCM tìm mua sách giáo khoa cho năm học 2023 - 2024 - Ảnh: N.HUY

Tôi và gia đình đã sống và trải nghiệm ở năm nền giáo dục khác nhau. Nhưng chưa ở đâu tôi lại thấy câu chuyện sách giáo khoa phức tạp, đau khổ và gây nhiều tranh cãi như ở ta.

Việc đúng nên làm bây giờ là hỗ trợ và tạo cơ chế cho việc triển khai chương trình 2018 được hiệu quả nhất có thể, đặc biệt là tạo điều kiện để chủ trương "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" được tiếp tục triển khai, tránh gây xáo trộn cho xã hội.

Sách giáo khoa: Vấn đề cũ, lời giải đã có

Ở những nơi gia đình tôi đã sống qua, có rất nhiều bộ sách giáo khoa để nhà trường và giáo viên lựa chọn. Các bộ sách giáo khoa này được biên soạn và phát hành bởi nhiều công ty sách khác nhau, dựa trên chương trình giáo dục quốc gia được bộ giáo dục thẩm định và thông qua.

Chẳng hạn, ở bậc tiểu học, Singapore hiện có 483 đầu sách, bậc trung học cơ sở có 560 đầu sách được Bộ Giáo dục phê duyệt để sử dụng cho năm học 2024, bao gồm cả sách giáo khoa, sách bài tập và sách bổ trợ, do sáu nhà xuất bản phát hành. 

Việc của Bộ Giáo dục Singapore là ban hành và cập nhật chương trình giáo dục quốc gia cho kịp những đòi hỏi của sự phát triển. Còn các tác giả, nhà xuất bản thì biên soạn, cập nhật sách giáo khoa dựa trên chương trình giáo dục đã được ban hành.

Hằng năm, Bộ Giáo dục Singapore sẽ thẩm định và phê duyệt danh mục sách giáo khoa, sách bài tập để đưa vào sử dụng và công bố cho toàn dân biết. Mọi việc diễn ra khoa học, minh bạch và nhịp nhàng. Ai làm việc nấy, đúng vai đúng việc, không chồng chéo và không có nổi sóng trong lòng người cũng như trong nghị trường.

Nhưng ở nước ta, mọi việc lại không như vậy! Sách giáo khoa là câu chuyện thời sự hàng chục năm qua, đến mức có cảm giác mọi nỗ lực cải cách giáo dục ở Việt Nam chỉ đổ dồn vào việc biên soạn và tranh luận về sách giáo khoa.

Thực tế, sách giáo khoa là một vấn đề rất cơ bản và rất cũ của giáo dục. Quy trình rất rõ ràng và không có gì phải phát minh ở đây cả. Đó là: 1. Bộ giáo dục ban hành và cập nhật chương trình giáo dục quốc gia; 2. Các tác giả/nhà xuất bản tổ chức biên soạn sách giáo khoa dựa trên chương trình giáo dục đã được ban hành để trình bộ giáo dục thẩm định, cấp phép lưu hành; 3. Việc chọn bộ sách giáo khoa nào để giảng dạy là do nhà trường và giáo viên quyết định.

Bước tiến đáng ghi nhận

Rất may là trong mấy năm qua, Việt Nam đã có các điều chỉnh phù hợp trong giáo dục để không bị lạc đường so với thế giới, thể hiện trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hai điều chỉnh quan trọng nhất là điều chỉnh từ tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực và cho phép thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa.

Các điều chỉnh này đã được triển khai trong các năm học gần đây. Sách giáo khoa mới cũng đã được đưa vào sử dụng, năm học sau sẽ phủ kín cả ba cấp học.

Là một người làm giáo dục và quan tâm đến giáo dục ở nhiều góc độ khác nhau, cá nhân tôi thấy bộ sách giáo khoa theo chương trình 2018 hiện nay tốt hơn so với bộ sách giáo khoa theo chương trình 2000 trước đây. Tất nhiên, nội dung chi tiết của sách giáo khoa vẫn còn sạn, chủ trương dạy học tích hợp và phát triển năng lực vẫn còn chưa thực sự tới, nhưng bộ sách giáo khoa mới chắc chắn là đã tốt hơn bộ sách giáo khoa cũ về đại thể.

Thẩm mỹ chung của các bộ sách giáo khoa mới cũng tốt hơn bộ sách giáo khoa cũ rất nhiều. Điều này tốt cho trẻ nhỏ, vì nếu sách giáo khoa xấu quá thì trẻ không có cảm hứng để sử dụng, nhất là khi so với sách của thị trường bên ngoài vốn in ấn đẹp và ngày càng phong phú.

Bước lùi cần cảnh báo

Từ chương trình đến sách giáo khoa, nhìn sang các nước và suy luận từ thực tiễn giáo dục, ta thấy có bốn cách triển khai như sau: 1. Không chương trình, không sách giáo khoa; 2. Một chương trình, một bộ sách giáo khoa; 3. Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa; 4. Nhiều chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa.

Trước đây, giáo dục thời phong kiến được triển khai theo hình thức "không chương trình, không sách giáo khoa". Các bộ sách như Tứ thư, Ngũ kinh chỉ đóng vai trò như sách tham khảo. Bộ Lễ, tức cơ quan phụ trách phần giáo dục thời đó, chỉ lo tổ chức và quản lý thi cử. Còn thí sinh học từ ai, theo sách nào, trong bao lâu… không quan trọng.

Trước năm 1975, do sự phân chia Nam - Bắc, chúng ta có hai hệ thống giáo dục khác nhau. Cùng với việc thống nhất đất nước, giáo dục cũng được thống nhất và từ năm 1981 chúng ta có "một chương trình, một bộ sách giáo khoa" chung trên toàn quốc. Chương trình giáo dục 2000 vẫn tiếp nối chủ trương này tuy nhiên đã bộc lộ nhiều bất cập, như sách giáo khoa chất lượng thấp và nhiều lỗi.

Với chương trình giáo dục phổ thông 2018, chúng ta thực hiện "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa". Đây là một bước tiến lớn vì nó cho phép sự cạnh tranh của các nhóm tác giả, các nhà xuất bản, làm cho chất lượng sách giáo khoa ngày càng tốt hơn, người dùng cũng có nhiều lựa chọn hơn. Nói nôm na, trong thực đơn, nếu có nhiều món thì vẫn tốt hơn là chỉ có một món duy nhất.

Tuy nhiên, những ngày này lại dấy lên chuyện manh nha trở lại với "một chương trình, một bộ sách giáo khoa", thông qua việc yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa riêng.

Đây thực sự là một bước lùi trong việc làm sách giáo khoa, vì ta có thể dự đoán trước, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng ra làm sách giáo khoa thì hầu hết các trường sẽ quay về dùng sách giáo khoa của bộ cho an toàn. Tính cạnh tranh giữa các bộ sách giáo khoa sẽ mất đi.

Chưa kể, việc này sẽ rất mất thời gian và tốn kém rất nhiều kinh phí. Chuyện sách giáo khoa sẽ lại đi vào vòng luẩn quẩn trong ít nhất là 5 năm, tính từ ngày khởi sự.

Đó thực sự là một bước lùi trong nhận thức và trong việc cải cách giáo dục. Chúng ta phải phân tích hơn thiệt để cho bước lùi này không xảy ra vì nó đi ngược lại xu thế phát triển chung của giáo dục thế giới.

Hướng tới "nhiều chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa"

Thay vì quay lại với một bộ sách giáo khoa, trong một tầm nhìn dài hạn hơn, chúng ta phải hướng đến "nhiều chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa", vì thực tiễn giáo dục cho thấy việc cả nước học chung một chương trình giáo dục đã không còn phù hợp.

Tỉ lệ đô thị hóa của Việt Nam năm 2023 đã là 42,6%. Đời sống thành thị và nông thôn hoàn toàn khác nhau. Vì thế, học sinh ở thành phố và nông thôn hiển nhiên cần các chương trình giáo dục khác nhau. Chưa kể là học sinh miền núi, nơi có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số.

Vì lẽ đó, thay vì lùi lại "một chương trình, một bộ sách giáo khoa", việc nên làm hiện giờ là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến lên "nhiều chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" như một đáp ứng với đòi hỏi của thực tiễn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên biên soạn 1 bộ sách giáo khoa?Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên biên soạn 1 bộ sách giáo khoa?

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ việc Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa là thể hiện trách nhiệm của Nhà nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp