18/12/2019 14:11 GMT+7

Sách giáo khoa tiếng Anh mới là của đề án ngoại ngữ quốc gia?

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Mẫu sách giáo khoa tiếng Anh duy nhất được thẩm định đạt trong đợt đầu bị nghi ngờ là của đề án ngoại ngữ quốc gia. Các bên liên quan nói gì?

Sách giáo khoa tiếng Anh mới là của đề án ngoại ngữ quốc gia? - Ảnh 1.

Một tiết học thử nghiệm SGK mới của học sinh lớp 1 trường tiểu học Kim Liên, Hà Nội - Ảnh: CHU HÀ LINH

Trong số 6 bản mẫu sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh lớp 1 được đánh giá đạt trong đợt đầu tiên, chỉ 1 mẫu SGK có tổng chủ biên, chủ biên là người Việt Nam. Tuy nhiên, lại có dư luận mẫu SGK duy nhất này chính là sản phẩm của đề án ngoại ngữ quốc gia.

SGK của đề án ngoại ngữ nghĩa là tiêu tiền đề án để biên soạn, thẩm định, thử nghiệm, nhưng giờ lại được chuyển giao về doanh nghiệp và đăng ký thẩm định như SGK theo dạng xã hội hóa khiến nhiều người cảm giác "có sự nhập nhằng, không minh bạch".

Sách của bộ?

Theo Bộ GD-ĐT, cuối tháng 12-2019 sẽ phê duyệt tiếp SGK tiếng Anh lớp 1. Trước đó, bộ đã phê duyệt 32 SGK lớp 1 nhưng không có SGK tiếng Anh. Nhưng xung quanh việc biên soạn các bộ SGK tiếng Anh đã qua thẩm định vẫn còn nhiều băn khoăn. 

Trong số 6 bản mẫu SGK tiếng Anh lớp 1 được Hội đồng thẩm định SGK quốc gia đánh giá đạt trong đợt đầu tiên, duy nhất SGK của bộ "Cùng học để phát triển năng lực" có tổng chủ biên, chủ biên là người Việt Nam. Năm bộ SGK khác của các tác giả là người nước ngoài. Những sách không có tổng chủ biên, chủ biên là người Việt Nam đều đang được Bộ GD-ĐT đề nghị bổ sung.

Tuy nhiên, SGK duy nhất có tổng chủ biên là người Việt Nam hiện cũng đang gây băn khoăn khi có luồng dư luận cho rằng đây vốn là SGK của đề án ngoại ngữ quốc gia.

Tại hội nghị giới thiệu các bản mẫu SGK đã được thẩm định của NXB Giáo Dục Việt Nam, GS.TS Hoàng Văn Vân - tổng chủ biên SGK tiếng Anh lớp 1 của bộ "Cùng học để phát triển năng lực" đồng thời cũng là tổng chủ biên SGK tiếng Anh biên soạn làm tài liệu dạy học cho đề án ngoại ngữ quốc gia - đã có những chia sẻ về việc biên soạn SGK tiếng Anh. 

Ông Vân khẳng định trong số các SGK mới thì duy nhất bộ SGK tiếng Anh là của Bộ GD-ĐT vì bộ giao cho đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, NXB Giáo Dục Việt Nam và đội ngũ tác giả 3 cấp học phổ thông thiết kế và biên soạn.

Theo thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 do Bộ Tài chính ban hành thì việc tổ chức biên soạn tài liệu dạy học, thẩm định và thực hiện thí điểm tài liệu này nằm trong kinh phí của đề án. Trong khi đó, Bộ

GD-ĐT khẳng định bộ không tổ chức biên soạn 1 bộ SGK mới như tinh thần NQ88/QH quy định, mà xã hội hóa hoàn toàn việc biên soạn SGK. Hiện đã có 5 bộ SGK được thẩm định đạt yêu cầu do các NXB chịu trách nhiệm xuất bản bằng nguồn xã hội hóa.

Nằm ngoài bộ sách của đề án

Sách giáo khoa tiếng Anh mới là của đề án ngoại ngữ quốc gia? - Ảnh 2.

Một buổi trưng bày các bản mẫu SGK mới - Ảnh: VĨNH HÀ

Đây là khẳng định của ông Vũ Bá Khánh - tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội, đơn vị tổ chức biên soạn bộ SGK "Cùng học để phát triển năng lực" - khi giải thích về những băn khoăn của dư luận. 

"Chúng tôi tổ chức biên soạn SGK tiếng Anh lớp 1, 2 theo quy trình biên soạn SGK chung của bộ SGK "Cùng học để phát triển năng lực" gồm tất cả các môn học nằm trong chương trình giáo dục phổ thông mới" - ông Khánh cho biết.

Theo đại diện đơn vị trên thì việc biên soạn SGK tiếng Anh lớp 1, 2 cũng được nhất quán với triết lý xuyên suốt bộ SGK, nằm trong đề cương tổng thể của bộ SGK, chịu ràng buộc bởi các nguyên tắc, ma trận năng lực chung của các môn học trong một lớp và trong cấp học. Vì thế không có chuyện lấy sách của đề án làm sách của doanh nghiệp. 

Ông Khánh khẳng định từ việc triển khai nghiên cứu, biên soạn đến quy trình thử nghiệm, thẩm định nội bộ, SGK tiếng Anh lớp 1 vừa hoàn thành đều do đơn vị ông trực tiếp tổ chức, sử dụng kinh phí của công ty.

Còn nói về "bộ SGK duy nhất của bộ" như lời ông Hoàng Văn Vân khẳng định, ông Vũ Bá Khánh cho biết đúng là công ty ông được NXB Giáo Dục Việt Nam giao tổ chức biên soạn sách tiếng Anh cho đề án ngoại ngữ quốc gia - bộ sách cũng do GS.TS Hoàng Văn Vân là tổng chủ biên. Nhưng bộ SGK của đề án không bao gồm SGK lớp 1, 2, mà chỉ có từ lớp 3 đến lớp 12. 

Chương trình ngoại ngữ chỉ bắt buộc học từ lớp 3 đến lớp 12, còn ở lớp 1, 2 học sinh học ngoại ngữ theo dạng tự chọn. Đến nay, bộ SGK tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 12 dạy theo đề án ngoại ngữ đã hoàn chỉnh, áp dụng trên diện rộng theo chương trình ngoại ngữ hiện hành.

Đại diện Bộ GD-ĐT cũng khẳng định SGK Tiếng Anh của đề án chỉ có từ lớp 3 đến lớp 12, dự kiến sẽ đưa vào dạy học đại trà từ năm học 2021-2022. Khi đó nếu có NXB nào trả kinh phí mà Bộ GD-ĐT đã bỏ ra (dự kiến bằng hình thức đấu thầu) thì Bộ GD-ĐT sẽ bàn giao. Còn không, đây sẽ là bộ SGK của Bộ, có thể sẽ đưa lên mạng cho người học dùng miễn phí

Những SGK "ngoại" sẽ làm gì để được phê duyệt?

Giải thích với Tuổi Trẻ về yêu cầu 5/6 SGK tiếng Anh đã được thẩm định phải bổ sung tổng chủ biên, chủ biên người Việt Nam trong thành phần biên soạn SGK, ông Thái Văn Tài, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ GD-ĐT đã tham vấn ý kiến các bộ, ngành, rà soát tất cả văn bản pháp lý liên quan để đảm bảo tính pháp lý của SGK đã được hội đồng thẩm định đánh giá đạt.

"SGK do các tác giả nước ngoài biên soạn có chất lượng tốt nhưng để đảm bảo các tiêu chí theo thông tư 33, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới phải có những điều chỉnh phù hợp. Trong đó cả kênh hình cũng phải có những thay đổi phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Các NXB nắm được việc này và đã bố trí chuyên gia làm việc với các nhóm tác giả để thống nhất, điều chỉnh, hoàn thiện. Vì thế chúng tôi thấy việc bổ sung thành phần là người Việt Nam do các NXB mời tham gia là việc cần thiết" - ông Thái Văn Tài lý giải cho yêu cầu bổ sung thành viên là người Việt Nam đối với các bộ SGK do nhóm tác giả nước ngoài biên soạn.

Theo ông Tài, Bộ GD-ĐT yêu cầu ngày 20-12 là hạn cuối để các NXB có SGK tiếng Anh trong diện đã được hội đồng thẩm định đánh giá đạt trình lại sách sau khi đã bổ sung, điều chỉnh. Và đến thời điểm này đã có đơn vị trình lại sách của mình. "Dự kiến chậm nhất là 30-12 Bộ GD-ĐT sẽ phê duyệt SGK tiếng Anh lớp 1" - ông Tài chia sẻ.

Không cần thiết bổ sung người Việt là chủ biên SGK tiếng Anh

GS Nguyễn Minh Thuyết - tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018 đồng thời là tổng chủ biên SGK môn tiếng Việt của 1 trong 5 bộ SGK - cho rằng yêu cầu bổ sung người Việt Nam là tổng chủ biên, chủ biên, tác giả của các SGK tiếng Anh do nhóm tác giả nước ngoài biên soạn là không cần thiết.

Trong các quy định về việc tổ chức biên soạn SGK của Bộ GD-ĐT cũng không có nội dung nào bắt buộc phải có thành viên là người Việt Nam trong nhóm biên soạn SGK.

"Tôi từng biết có những cuốn SGK thuộc nhóm xã hội nhân văn của Úc, nhưng lại do một nhóm tác giả của trường ĐH ở Anh biên soạn. Nhưng ở Úc họ sử dụng những SGK này bình thường.

Trong thời đại hội nhập, có thể sử dụng SGK của nhóm tác giả ở các nước khác nhau nếu nội dung sách tốt, phù hợp với yêu cầu giáo dục. Nhất là sách tiếng Anh, dùng SGK của tác giả nước ngoài có nhiều ưu điểm" - GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.

Ông Thuyết cho rằng đang có ý định viết thư cho Bộ GD-ĐT về vấn đề này. Nhưng theo ông Thái Văn Tài thì thời hạn phê duyệt SGK tiếng Anh không còn xa và yêu cầu bổ sung của Bộ GD-ĐT đối với các SGK tiếng Anh là không thay đổi.

Chưa duyệt sách giáo khoa tiếng Anh mới vì thiếu Chưa duyệt sách giáo khoa tiếng Anh mới vì thiếu 'tổng chủ biên' người Việt?

TTO - Trong số các bản mẫu sách giáo khoa tiếng Anh gửi đến Hội đồng thẩm định quốc gia vừa qua, chỉ bản mẫu của NXB Giáo Dục Việt Nam là có tổng chủ biên người Việt.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp