Nhiều câu hỏi xung quanh câu chuyện biên soạn, phát hành sách giáo khoa đang chờ câu trả lời của Bộ GD-ĐT - Ảnh: VĨNH HÀ
"Đề nghị bộ trưởng quan tâm, tổ chức thanh tra ngay vấn đề này, có biểu hiện gì ở đây?" - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ.
Ngay tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây ít ngày, bà Nga cầm trên tay một cuốn sách toán lớp 1, trong đó có in kèm bài tập, để chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ về tình trạng độc quyền .
Trong khi đề nghị của chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chưa được bộ trưởng trả lời thì ngay sau phiên họp, thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã lập tức giải thích cho báo chí, đại ý rằng bộ không có chủ trương để học sinh làm bài tập vào sách giáo khoa, nên sách giáo khoa không phải là dùng một lần rồi bỏ.
Còn Nhà xuất bản Giáo Dục cũng lên tiếng cho biết mỗi năm vẫn lỗ 40 tỉ đồng (?).
Đại biểu Lê Thị Nga cho hay cuốn sách giáo khoa nêu trên được một cán bộ Văn phòng Quốc hội có con học lớp 1 đưa cho bà xem.
"Trong cuốn sách có nhiều bài tập theo dạng là điền vào dấu ba chấm, tô màu, khoanh kết quả... Thử hỏi khi sử dụng cuốn sách giáo khoa như vậy, đọc những hướng dẫn như vậy thì học sinh có viết luôn vào sách hay không?" - bà Nga bình luận.
Cũng từng công tác trong ngành giáo dục 15 năm, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết bà nhận được nhiều ý kiến cử tri bày tỏ bức xúc trước tình trạng lãng phí này cùng với những hoài nghi về "nhóm lợi ích" trong việc biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa.
"Dù mỗi cuốn sách chỉ mười ngàn, hai mươi ngàn đồng, nhưng mỗi năm Nhà xuất bản Giáo Dục in khoảng 100 triệu bản sách giáo khoa và xã hội phải chi hơn 1.000 tỉ đồng mua sách giáo khoa, nếu chỉ dùng một lần rồi bỏ đi thì rất lãng phí" - bà Hải nhận xét.
Tại phiên họp ngày 25-9 của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng tình trạng độc quyền sách giáo khoa trong một thời gian dài sẽ là vấn đề "nóng" tại nghị trường tới đây.
"Lỗ 40 tỉ nhưng mức chi chiết khấu phát hành sách giáo khoa vẫn lên đến 250 tỉ đồng/năm là sao?" - câu hỏi của chủ nhiệm ủy ban, ông Phan Thanh Bình, vẫn còn bỏ ngỏ.
Trên đây chỉ là vài ví dụ trong rất nhiều câu hỏi xung quanh câu chuyện biên soạn, phát hành sách giáo khoa được dư luận đặt ra và đang cần được Bộ GD-ĐT, đặc biệt là người đứng đầu - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, phúc đáp.
Có khó khăn gì khi bộ trưởng chỉ đạo một cuộc thanh tra toàn diện để trả lời cụ thể, rõ ràng từng vấn đề mà đại biểu Quốc hội và dư luận đặt ra?
Nếu những giải thích của lãnh đạo bộ, của Nhà xuất bản Giáo Dục vừa qua là đúng, là thuyết phục thì thông qua một cuộc thanh tra như vậy, chỉ số niềm tin của xã hội sẽ tăng lên, chỉ số tín nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với bộ trưởng (sẽ được lấy phiếu tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới đây) cũng sẽ được củng cố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận