Một số SGK, sách dành cho giáo viên mới của NXB Giáo Dục VN vừa được giới thiệu - Ảnh: H.B.
Tuổi Trẻ tiếp tục đưa các ý kiến khác nhau về câu chuyện này.
GS.TSKH Đinh Quang Báo (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội):
UBND cấp tỉnh nên ở vai hướng dẫn, cung cấp thông tin
Thực tế hiện nay nhiều địa phương lo ngại khó quản lý khi sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) khác nhau, nên có định hướng chỉ chọn một bộ áp dụng trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, chúng ta đang hướng tới việc đa dạng hóa nguồn tài liệu dạy học, vì thế theo tôi, phương án tối ưu là dành quyền chọn SGK cho giáo viên, học sinh.
Còn nếu muốn thống nhất tài liệu dạy học thì nên thống nhất ở đơn vị trường, chứ không nên thống nhất ở cấp tỉnh. Mỗi trường chọn một bộ SGK chính thức, bên cạnh các tài liệu tham khảo khác được đưa vào tủ sách dùng chung thì nguồn tài liệu sẽ đa dạng.
Nếu cấp tỉnh chọn và chỉ chọn một bộ SGK thì cả nước chỉ có nhiều nhất 63 phương án chọn SGK. Chưa kể có thể sẽ có nhiều tỉnh thành chỉ chọn một bộ, nguồn tài liệu phục vụ dạy học sẽ bị hạn chế.
Theo quy định hiện tại thì UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK. Vậy việc lựa chọn SGK của các tỉnh thành nên được hiểu là: minh bạch hóa các thông tin về các SGK để giáo viên, học sinh, các cơ sở trường học thuận tiện trong việc quyết định lựa chọn và hướng dẫn việc chọn SGK.
Việc hướng dẫn chọn SGK của mỗi tỉnh thành phải đạt mục tiêu làm sao để người sử dụng sách lựa chọn những sách phù hợp nhất với họ, chứ không nên hiểu theo nghĩa áp đặt một bộ sách để người sử dụng chỉ được dùng bộ sách đó.
Hiện nay đang tồn tại một thực trạng phổ biến coi SGK là nguồn duy nhất để thực hiện việc dạy học, dẫn tới việc dạy học thiên về ghi nhớ, rập khuôn thông tin SGK, tái hiện nội dung SGK. Tựu trung là cách dạy học nặng về truyền thụ kiến thức.
Nhưng với định hướng dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất người học thì SGK chỉ là nguồn học liệu quan trọng bên cạnh nhiều học liệu khác. SGK nên được chọn dựa vào điều kiện dạy học thực tế, đối tượng học sinh, kinh nghiệm của giáo viên, làm sao để thực hiện tốt nhất yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục đã được quy định.
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):
Sẽ thất bại nếu "SGK được xem là pháp lệnh"
Bộ GD-ĐT đã có khung chương trình thống nhất để quản lý, kiểm soát chất lượng, SGK chỉ là một trong những tài liệu dạy học nên cần có quy định cởi mở để tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh tiếp cận, chứ không nên áp đặt từ trên xuống.
Việc điều chỉnh quy định, giao quyền chọn SGK cho UBND cấp tỉnh, tôi cho rằng đó là một bước lùi trong việc thực hiện chương trình - SGK mới hiện nay. Khi thẩm quyền chọn sách được giao cho UBND áp đặt chung với toàn tỉnh, rất có thể sẽ nảy sinh tình trạng chọn sách do quan hệ, do lợi ích cá nhân, không phù hợp với yêu cầu giáo dục.
Điều quan trọng là cách triển khai này sẽ không thay đổi được tư duy cũ, coi SGK như "pháp lệnh" và tất cả hoạt động giáo dục xoay quanh cuốn SGK, chứ không phải căn cứ vào chương trình như chúng ta đang định đổi mới.
Nếu không giao được cho giáo viên, học sinh quyền lựa chọn thì ít nhất cũng giao cho hiệu trưởng các nhà trường. Hiệu trưởng phải dựa vào phản ảnh, nguyện vọng của giáo viên, phụ huynh, học sinh, yêu cầu thực tế dạy học tại trường để quyết định chọn SGK và các tài liệu dạy học. Với quy định như dự thảo - giao cho UBND cấp tỉnh, tôi nghĩ rằng vai trò của cấp này chỉ nên là nơi tổ chức, hướng dẫn để các nhà trường lựa chọn sách phù hợp.
Nếu muốn việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thành công, cái cần làm là thay đổi tư duy của người thầy sao cho giáo viên không lệ thuộc vào tài liệu dạy học duy nhất, mà linh hoạt thiết kế bài học, áp dụng các phương pháp dạy học trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo các tài liệu khác nhau.
Khi chương trình giáo dục phổ thông được luật hóa thì Nhà nước cũng tin tưởng vào việc quản lý chất lượng giáo dục theo chương trình và quy định pháp lý phải phù hợp với việc đa dạng hóa tài liệu dạy học, phương pháp dạy học. Không làm được điều này thì cũng khó có thể "chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất người học".
Ông Văn Đức Phương (hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng):
Kế thừa được những ưu điểm đã có
Khi nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông mới, tôi thấy cốt lõi của chương trình mới và cách tổ chức dạy học của mô hình trường học mới (VNEN) giống nhau. Đó là cùng hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất người học qua các chuỗi hoạt động học. Trong các đợt tập huấn giáo viên thực hiện chương trình mới, giáo viên của tôi dự tập huấn về cũng thở phào vì cách thực hiện không khác nhiều những gì giáo viên của tôi đã thực hiện 5 năm qua.
Tài liệu dạy học của mô hình VNEN cũng tiệm cận với chương trình giáo dục sắp triển khai, thiết kế và hướng dẫn giáo viên tổ chức hoạt động học cho học sinh, có tích hợp liên môn, có trải nghiệm sáng tạo... Vì thế, chúng tôi có thuận lợi trong việc triển khai đại trà chương trình giáo dục mới. Việc lựa chọn SGK sắp tới như thế nào có thể do tỉnh quyết định, nhưng nếu SGK giúp chúng tôi phát huy được những ưu điểm đã có thì tốt.
TS Nguyễn Hà Thanh (giảng viên khoa toán - tin Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):
Lựa chọn không giới hạn
Nhà nước đã có chủ trương một chương trình - nhiều bộ SGK thì không nên quy định mỗi tỉnh thành chọn bộ sách cho riêng mình. Như vậy rất dễ tạo cơ hội cho tình trạng lợi ích nhóm xuất hiện và phát triển.
Theo tôi, nên giao quyền cho giáo viên chọn sách để dạy cho học trò của mình và sự lựa chọn đó là không giới hạn. Có thể với bài A tôi cần tham khảo từ bộ sách này, nhưng với bài B tôi lại cần tham khảo từ nhiều bộ sách khác nữa, miễn là đạt yêu cầu chương trình đưa ra.
Hãy trả vai trò của SGK về đúng vị trí của nó là tài liệu tham khảo, chứ không phải SGK là pháp lệnh. (H.HG. ghi)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận