Phụ huynh và học sinh mua sách giáo khoa chuẩn bị cho năm học mới - Ảnh: NHƯ HÙNG
Kết quả giám sát vừa được Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (ủy ban) đưa ra thảo luận tại phiên họp toàn thể ngày 25-9.
Theo kế hoạch, sau phiên họp toàn thể, dự thảo báo cáo sẽ được thường trực ủy ban hoàn thiện trước khi công bố chính thức và báo cáo tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV vào cuối tháng 10.
"Lỗ 40 tỉ, nhưng mức chi chiết khấu phát hành SGK phổ thông vẫn lên đến 250 tỉ đồng/năm là sao?"
Chủ nhiệm ủy ban Phan Thanh Bình
"khủng"
Trong cuộc gặp gỡ báo chí mới đây, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam (NXBGDVN) tự công bố hằng năm đều phải chịu lỗ khoảng 40 tỉ đồng vì sách giáo khoa (SGK).
"Lỗ 40 tỉ, nhưng mức chi chiết khấu phát hành SGK phổ thông vẫn lên đến 250 tỉ đồng/năm là sao?" - Chủ nhiệm ủy ban Phan Thanh Bình đã đặt câu hỏi khi nhìn lại con số khảo sát.
Theo bà Hoàng Thị Hoa - phó chủ nhiệm ủy ban, mức chi chiết khấu phát hành SGK hiện ở mức khoảng 250 tỉ đồng/năm, tương đương 25% doanh thu hằng năm (1.000 tỉ đồng).
"Mức chiết khấu này là khá cao, chưa phù hợp cơ cấu giá thành, ảnh hưởng lớn đến việc chi trả của học sinh" - bà Hoa nói.
Theo kết quả khảo sát, việc phát hành SGK đang được thực hiện chủ yếu theo hệ thống nội bộ, khép kín của NXBGDVN. Hệ thống phát hành SGK còn cồng kềnh, quy trình phát hành chưa hợp lý do phải qua nhiều khâu trung gian làm tăng chi phí vận chuyển...
Nhận định báo cáo giám sát này sẽ làm "nóng" nghị trường tại kỳ họp Quốc hội cuối năm sắp tới, đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu - chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM - cho rằng vấn đề đã nóng thì "phải làm cho ra lẽ", để từ đó có được giải trình hoặc giải pháp hiệu quả cho kỳ họp tới.
"Mức chiết khấu 250 tỉ mỗi năm đó đi về đâu, được chi cho cái gì, phục vụ cái gì?" - bà Châu chất vấn.
Dù chia sẻ không mong muốn vấn đề này làm "nóng" nghị trường, nhưng bà Châu cho rằng việc tổ chức thực hiện in, phát hành SGK bộc lộ những vấn đề cụ thể như vậy thì cần có giải pháp phù hợp.
Đáp lại ý kiến của đại biểu Châu về tỉ lệ chiết khấu, bà Hoàng Thị Hoa thông tin thêm riêng sách VNEN, sách tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục còn không theo cơ chế phát hành thông thường, mà xuất bản theo hệ thống quản lý nhà nước, xuống sở, xuống phòng giáo dục...
Đặc biệt, tỉ lệ chiết khấu sách tham khảo còn cao hơn nữa, lên đến 36-40%. Mức chiết khấu cho người bán sách lớn nên họ càng có chính sách tiếp thị sách mạnh. Việc nâng giá lên cao với chiết khấu cao sẽ khiến người mua chịu thiệt.
Theo báo cáo của chính Bộ GD-ĐT, số lượng SGK giáo dục phổ thông (chưa tính sách VNEN và tài liệu tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục) in, phát hành giai đoạn 2012-2017 đạt trên 100 triệu bản/năm, chiếm đến 30% tổng sản lượng xuất bản phẩm cả nước.
Còn nếu tính cả sách tham khảo, sách VNEN và tài liệu tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục thì lên đến 75% tổng sản lượng xuất bản phẩm toàn quốc.
Theo nhận định của ông Phan Thanh Bình, nhìn một cách tổng quan thì lỗ ở SGK, nhưng phần lời lại nằm ở... sách tham khảo.
Độc quyền khép kín
Dẫn dự thảo báo cáo tóm tắt kết quả khảo sát, bà Hoàng Thị Hoa cho biết dư luận rất băn khoăn cho rằng việc Bộ GD-ĐT vừa tổ chức biên soạn, vừa tổ chức thẩm định, phê duyệt, chỉ đạo xuất bản, in và phát hành SGK đã tạo nên thế "độc quyền khép kín" trong tất cả các khâu, từ biên soạn đến phát hành; không thúc đẩy được cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá bán SGK.
Việc này không phù hợp với Luật xuất bản 2012 cũng như xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, chính quy định về thẩm quyền của Bộ GD-ĐT tại điều 99 Luật giáo dục hiện hành được cho là nguyên nhân chính dẫn tới độc quyền trong hoạt động xuất bản, in, phát hành SGK.
Thế độc quyền khép kín đặc biệt thể hiện nổi bật trong việc xuất bản, phát hành bộ sách VNEN và tài liệu tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục.
Dù cùng do NXBGDVN in, phát hành, nhưng khác với SGK phổ thông, bộ sách VNEN và tài liệu tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục không được bán trên thị trường, mà được phân phối độc quyền bởi các công ty con và công ty thành viên của NXBGDVN thông qua các sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, các trường trên cơ sở rà soát nhu cầu sử dụng các bộ sách này hằng năm.
Dẫn chứng về tình trạng "không mua được sách này trên thị trường", ông Phan Thanh Bình cho biết chính ông đã yêu cầu ủy ban tìm bộ sách VNEN và tài liệu tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục, nhưng sau một thời gian tìm kiếm thì hiện tại ủy ban cũng không tìm mua được bộ sách này.
Riêng về tổ chức in SGK, bà Hoa cho biết theo khảo sát, hằng năm NXBGDVN tổ chức in theo hai hình thức: in gia công và in đấu thầu rộng rãi toàn quốc.
Song, việc in SGK chỉ được đấu thầu rộng rãi sau khi đã trừ sản lượng giao cho các đơn vị in nội bộ của NXBGDVN và những tên sách có số lượng in thấp.
Do đó tính cạnh tranh chưa cao, dẫn đến hạn chế về chất lượng, khó giảm giá thành, chưa khuyến khích việc đầu tư phát triển ngành in.
Bộ GD-ĐT nói gì?
Ngay trong ngày 25-9, Bộ GD-ĐT đã có báo cáo tiếp thu, giải trình nội dung giám sát của ủy ban.
Bộ GD-ĐT khẳng định việc in SGK do NXBGDVN tổ chức thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn các nhà in có đủ năng lực nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ, giá thành hợp lý.
Trong đó, việc NXBGDVN tổ chức đấu thầu để lựa chọn các công ty in, phát hành SGK thông qua các công ty cổ phần về thực chất là lựa chọn những công ty đủ mạnh, có khả năng in SGK với chất lượng tốt, giá thành hạ, phát hành SGK ở các địa phương để giảm chi phí vận chuyển, bảo đảm không bị lỗ hoặc lỗ ít trong bối cảnh giá nguyên vật liệu, nhân công tăng theo giá cả thị trường nhưng giá SGK không thay đổi.
Như vậy, "thực tế SGK in ở khu vực nào cung cấp cho khu vực đó, không phải chuyển về nhập kho, sau đó chuyển đến các công ty cổ phần sách và thiết bị tại các miền, rồi mới chuyển về các công ty phát hành sách địa phương như được phản ánh".
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng khẳng định sẽ triển khai tổng kết đánh giá việc thí điểm chuyển NXBGDVN sang tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của NXBGDVN trong tổng thể ngành xuất bản.
Sách thí điểm: bằng 1/3 doanh thu SGK đại trà
Một lớp học theo chương trình VNEN - Ảnh: VĨNH HÀ
Theo bà Hoàng Thị Hoa, bộ sách VNEN và tài liệu tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục tuy là sách thí điểm nhưng hằng năm sản lượng in, phát hành sách tăng đột biến.
Năm 2017 sản lượng in, phát hành tài liệu tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục khoảng 5 triệu bản, tăng gần 13 lần so với năm 2012; sách VNEN là 10 triệu bản, tăng gấp 5 lần so với năm 2014.
Doanh thu từ sách VNEN năm 2017 đạt hơn 300 tỉ đồng/năm, tương đương 1/3 doanh thu từ SGK giáo dục phổ thông 2000.
Trong đó, giá bán 1 bộ sách VNEN cao gấp 4 lần giá 1 bộ SGK giáo dục phổ thông 2000 đối với sách lớp 3 và lớp 4; gấp 3 lần đối với các lớp 5, 6 và 7...
Lý giải về điều này, Bộ GD-ĐT cho biết trong mô hình VNEN có sách hướng dẫn học và giá sách này cũng do Bộ Tài chính quản lý như đối với SGK.
Sách hướng dẫn học có số trang nhiều hơn SGK thông thường, được in 4 màu, khổ sách 19x27cm, chủng loại giấy in tốt hơn... (SGK thông thường khổ sách 17x24cm) nên có giá cao hơn SGK thông thường khoảng 1,5 - 1,6 lần.
Ai giám sát chất lượng SGK?
Một số đại biểu cho rằng trong báo cáo giám sát chính thức sắp tới cần kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát SGK, không chỉ ở mặt tài chính, lỗ - lãi, độc quyền... mà còn ở chất lượng nội dung của SGK.
Theo đại biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình, dù nhiều ý kiến đã ước lượng mỗi năm cả nước mất 1.000-2.000 tỉ đồng cho SGK - nhưng đó là cái mất đo đếm được, còn nếu chương trình không ổn, thông tin trong sách không ổn thì không tiền của nào bù đắp được, vì nó ảnh hưởng lâu dài đến một con người nói riêng, một thế hệ nói chung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận