Đọc tin Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, trong dự thảo tờ trình về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, nghiêng về phương án để Bộ GD-ĐT chủ động tổ chức biên soạn đầy đủ một bộ SGK kết hợp khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ SGK hoặc các cuốn SGK khác, nhất là SGK cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, trong tôi bỗng nảy ra nhiều cảm nhận đan xen.
Cảm nhận thứ nhất
Đó là một phương án tự nó đã phủ định chính tiên đề tư tưởng của nó: một chương trình - đa dạng SGK; một phương án tự trong nó vẽ nên con đường trở lại “độc bản”, “độc quyền” trong giáo dục phổ thông, bởi chắc hẳn chẳng mấy ai muốn làm người chịu cảnh mang “trứng” đi chọi với “đá”, nhất là khi người ta cảm thấy đá ấy cực rắn nhờ hun đúc bởi mãnh lực của lợi ích vật chất nhóm.
Cảm nhận thứ hai
Khi phương án có thể dẫn đến “độc quyền”, “độc bản” thì dễ dẫn đến “độc đạo”. Điều này cũng có nghĩa Nhà nước sẽ bỏ qua cơ hội tạo nên một cơ chế hiệu quả mà ít tốn kém cho việc quản lý bồi dưỡng và phát triển liên tục năng lực - phẩm chất chuyên môn cho giáo viên.
Bởi lẽ việc nhiều bộ SGK với nhiều loại tài liệu tham khảo khác tồn tại cùng với chính sách sử dụng SGK cởi mở một cách khoa học sẽ tạo cho giáo viên cơ hội hằng ngày tìm kiếm tài liệu, chọn lọc, suy nghĩ, phân tích đánh giá phối kết và cuối cùng tự đưa ra các quyết định dạy học của mình.
Đó là con đường tốt nhất để mỗi giáo viên thật sự được làm “thầy” thay vì làm thợ dạy, giúp giáo viên gia tăng năng lực mỗi ngày để họ thật sự trở thành tác nhân, thành động lực quyết định của tiến trình cải cách giáo dục nước nhà.
Cảm nhận thứ ba
Nguyên nhân nghiêng về phương án để Bộ GD-ĐT chủ động tổ chức biên soạn đầy đủ một bộ SGK là để bộ chủ động có SGK trong quá trình chỉ đạo triển khai áp dụng chương trình mới.
Nguyên nhân này cho chúng tôi cảm nhận rằng có vẻ SGK sẽ được biên soạn đồng thời với chương trình hoặc sẽ chỉ ngay sau khi có một chương trình được xây dựng mang tính phác thảo.
Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và phát triển chương trình giáo dục phổ thông lĩnh hội được qua nhiều cuộc hội thảo quốc tế, qua những khóa tập huấn hay tham quan học hỏi ở nước ngoài nhằm trù bị cho việc đổi mới chương trình SGK quốc gia trong vài năm qua có vẻ như ít hiệu lực ở phương án này chăng?
Bởi nếu học theo các nước để giáo dục nước nhà có thể hội nhập quốc tế, chương trình phải được biên soạn rất kỹ, theo một lộ trình chặt chẽ với nhiều phân đoạn: biên soạn, tổ chức thực nghiệm nhiều vòng, lấy ý kiến đóng góp, hiệu chỉnh - hiệu chỉnh cho đến khi thành phiên bản chính thức.
Điều nhấn mạnh là ở các nước, người ta thực nghiệm áp dụng chương trình chứ không thực nghiệm sử dụng SGK.
Và để tiến hành thực nghiệm chương trình như thế, người ta sử dụng một số tài liệu dạy học để thực hiện các ý tưởng của chương trình, không phải sử dụng một bộ SGK thống nhất toàn quốc được biên soạn theo một chương trình chưa thật sự được thực nghiệm kiểu như nước ta đang định hiện nay.
Quá trình xây dựng và phát triển chương trình như thế nhằm tạo nên một chương trình khung và chương trình chi tiết cho các môn học thật chất lượng cùng với cơ chế và công cụ thẩm định SGK khoa học, chặt chẽ.
Điều này tạo nền tảng cho mọi người có thể biên soạn những bộ SGK và tài liệu tham khảo đáng giá cho giáo viên sử dụng để dạy học theo chương trình quốc gia, mà không cần có một bộ sách nào phải nhận bệ đỡ để trở nên chất lượng.
Trong bối cảnh Việt Nam, nếu muốn thực nghiệm chương trình bằng SGK hoàn chỉnh thì nên thực hiện với ít nhất năm bảy bộ khác nhau.
Nếu chỉ dùng một bộ thì mọi đối tác liên quan (giáo viên, phụ huynh, học sinh...) ắt sẽ cảm thấy SGK là tiêu điểm thực nghiệm chứ không phải là chương trình.
Thực tế này đã có thể được thấy qua nhiều cuộc đổi mới chương trình - SGK trước đây: SGK được sử dụng như chương trình thực tế (real curriculum) và hầu như giáo viên, phụ huynh ít hoặc không quan tâm đến văn bản chương trình.
Khi tâm lý và thói quen về giáo dục này còn hằn sâu trong mọi người, thì cách thức thực nghiệm chương trình theo hướng sử dụng một bộ SGK của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực càng làm cho văn hóa dạy và học theo SGK được củng cố bền vững. Nếu như thế làm sao có thể đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông của nước nhà?
Cảm nhận thứ tư
Phương án cũng cho tôi cảm nhận có vẻ cái gì (SGK cho học sinh đại trà) “lợi” nhiều thì bộ làm, cái gì gai góc, xương xẩu và ít “lợi” (SGK cho vùng khó khăn, dân tộc thiểu số...) thì người khác làm.
Trong lúc ấy, lẽ ra tình thế phải ngược lại mới thể hiện rằng cấp vĩ mô là nơi có thể tập hợp nguồn lực dồi dào cả về vật chất lẫn chuyên môn để giải quyết những vấn đề khó, thực hiện những phần phức tạp trong quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng căn bản và toàn diện.
Tôi tin mọi ý tưởng tốt đẹp, công việc cao quý đều có thể thực hiện thành công nếu ta biết tìm ra lộ trình và chia ra thành những phân đoạn nhỏ phù hợp. Và con người luôn có đủ nguồn lực cần thiết để thành công.
Vì vậy rất mong hội đồng và Nhà nước hãy tự tin và tìm kiếm giải pháp hiện thực để tạo nên một cơ chế pháp lý thích hợp và hỗ trợ công bằng để cho bất cứ ai trung thực, tâm huyết và có khả năng đều muốn tham gia thực hiện quan điểm đa dạng hóa nguồn sách SGK - tài liệu tham khảo dạy học trên cơ sở một chương trình giáo dục phổ thông quốc gia được soạn thảo thật hiệu quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận