03/10/2013 02:54 GMT+7

Sách cấm

TRẦN NGỌC ĐĂNG
TRẦN NGỌC ĐĂNG

TT - Khắp thế giới, trong từng giai đoạn lịch sử hay từng thời điểm chính trị nhất định đều có những cuốn sách bị thiêu hủy hay cấm lưu hành.

A3Du5MFU.jpgPhóng to
Kiến trúc tưởng niệm sự kiện đốt 20.000 cuốn sách ở quảng trường Bebelplatz, Berlin ngày 10-5-1933 - Ảnh: Curiouscatontherun-Wordpress.com

Tác giả của chúng đều bị xem như tội đồ, thậm chí bị tử hình. Triết gia và nhà thiên văn Giordano Bruno thế kỷ 16 chỉ vì viết cuốn Về các thế giới và vũ trụ vô tận mà bị tôn giáo pháp đình Roma thiêu sống trên giàn hỏa. Nhà văn Salman Rushdie chỉ vì viết tiểu thuyết Những vần thơ của quỷ Satan (1988) mà bị giáo chủ Iran Ayatollah Khomeini tuyên án tử hình vắng mặt. Mạng sống của nhà văn sau đó được treo giải thưởng và trở thành mục tiêu của những tên sát thủ.

TS Nicholas J. Karolides của Đại học Wisconsin-River Falls (Mỹ) là một chuyên gia về lịch sử kiểm duyệt thế giới. Ông cùng hai học giả biên soạn bộ Banned books (Sách cấm, NXB Infobase) là một pho bách khoa về những cuốn sách từng gây sợ hãi. Trong bản in lần thứ 3 năm 2011, bộ này giới thiệu khoảng 500 cuốn trót “xúc phạm” vào các quy ước hay định chế chính trị, tôn giáo, tình dục và xã hội qua mọi thời đại. Danh mục tác giả sách cấm ấy tất nhiên có cả Bruno và Rushdie và chẳng khác gì một liệt kê các nhà tư tưởng và tác gia của nhân loại - từ Khổng Tử, Aristotle, Descartes, Hugo, Darwin, Marx... cho tới Hemingway cùng một số nhà văn đương thời như tác giả bộ Harry Potter.

Sách dẫu cấm nhưng không ai cấm được việc đọc sách cấm. Những cuốn sách bị lên án vẫn bí mật trao tay, chép lại, chuyển ra nước ngoài, dịch ra ngoại ngữ. Nhờ thế mà di sản ấy được bảo tồn và lưu truyền. Trong 500 cuốn sách cấm được nêu, hầu hết sau này đều được thế giới công nhận như những danh tác và nền móng của tri thức. Những tên sách, tên tác giả trong bộ Banned books cho thấy những thế lực có quyền ngăn cấm trước hết phải cảm nhận được sự đe dọa của sức mạnh tư tưởng hàm chứa trong đó. Cấm một cuốn sách như thế cũng là một cách khẳng định giá trị cuốn sách và tầm cỡ tác giả. Lời cuối cùng của Bruno sau khi nghe tuyên án là: “Những người kết án tôi còn sợ hãi hơn tôi, kẻ bị kết án”.

Quyền cấm sách trước đây luôn thuộc về thiểu số thống trị. Ngày nay, việc cấm đọc một cuốn sách lại thường là áp lực từ một cộng đồng. Đó là trường hợp bộ truyện Harry Potter. Theo Banned books, trong những năm 2001-2003, nhiều nhóm giáo phái khắp nước Mỹ đã công khai đốt hay xé nát những cuốn Harry Potter và vận động các trường học cấm học sinh đọc vì nội dung “ca tụng ma thuật và trò phù thủy”. ủy ban giáo dục nhiều địa phận cấm các thư viện nhà trường mua Harry Potter hoặc đã mua thì không cho học sinh động tới, và cấm giáo viên giới thiệu bộ này trong môn đọc sách ngoại khóa. Tháng 4-2003, một học sinh cùng cha mẹ đã kiện ủy ban địa hạt Cedarville, bang Arkansas (Mỹ) ra tòa vì việc này. Những người cầm cân luật pháp bây giờ lại dùng quyền lực của mình để... bảo vệ sách. Thẩm phán Jimm L. Hendren của Tòa án liên bang cấp khu vực tuyên bố: “Bất kể ác cảm cá nhân đối với khái niệm “trò phù thủy”, ủy ban giáo dục không có năng lực và thẩm quyền chính đáng để ngăn cản học sinh Cedarville đọc sách này.” Ông cho rằng việc cấm đoán nhân danh tín ngưỡng và giáo dục của bên bị kiện là vô căn cứ và ra lệnh cho mọi thư viện nhà trường địa hạt Cedarville phải bày hết Harry Potter ra cho học sinh đọc.

Khi nấp dưới những chiêu bài tưởng chừng cao quý và được an toàn trong đám đông, cái ác trong mỗi cá nhân lại có cơ hội trỗi dậy. Chính vì vậy mà 80 năm trước, hàng ngàn thanh niên quốc xã theo lời kêu gọi “vì sự trong sạch của tinh thần Đức” của bộ trưởng tuyên truyền Goebbels đã mê muội thiêu hủy 20.000 cuốn sách tại quảng trường Bebelplatz ở Berlin chỉ trong một đêm 10-5-1933. Giờ đây, nơi đốt sách “ái quốc” ấy là một đài tưởng niệm dưới hình thức một tấm kính lớn lắp vào mặt đá lát quảng trường, bên dưới là những kệ sách trống rỗng đủ sức chứa 20.000 cuốn. Gần đó là một tấm bia khắc một câu của thi hào Đức thế kỷ 19 Heinrich Heine: “Ở đâu người ta đốt sách thì cuối cùng họ sẽ đốt người”.

Ta có quyền chê một cuốn sách dở nhưng chẳng việc gì phải sợ hãi nó, cấm nó. Càng cấm thì mọi người càng tò mò muốn đọc. Trong thời đại nối mạng thì việc cấm hay thu hồi sách là bất khả thi vì mọi nội dung đều dễ dàng chia sẻ. Cấm một cuốn không đáng cấm lại còn là một sự hào phóng phi lý vì đã trao cho cả sách lẫn tác giả một vinh quang không xứng đáng.

TRẦN NGỌC ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp