Mù Cang Chải lọt top "20 điểm đến sắc màu nhất thế giới" do tạp chí du lịch CN Traveller bình chọn. Dưới góc nhìn của nhiều travel bloger nổi tiếng, Mù Cang Chải (Yên Bái) không chỉ có sắc màu của thiên nhiên, văn hóa mà còn là một xứ sở hạnh phúc.

Sắc màu hạnh phúc ở Mù Cang Chải - Ảnh 1.

Travel bloger Quang Qick chia sẻ, Mù Cang Chải không chỉ có màu trắng tinh khôi của hoa sơn tra mùa xuân, bạc lấp lánh mùa ruộng bậc thang đổ nước, vàng rực ruộng bậc thang mùa lúa chín, đỏ rực hoa tớ dày mùa đông, mà ở đây còn rực rỡ sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc mà ít nơi nào còn giữ được.

Quang đến Mù Cang Chải cách đây gần chục năm. Khi ấy, những tay săn ảnh chuyên nghiệp bắt đầu rời Hoàng Su Phì (Hà Giang) sang Mù Cang Chải để tìm góc ảnh ruộng bậc thang mới mẻ. 

Ngày ấy Mù Cang Chải đã có homestay, nhưng cuộc sống, con người và sự nhiệt thành, hiếu khách của người vùng cao đến bây giờ vẫn vậy. Đi đâu Quang cũng gặp những nụ cười thân thiện, những lời mời "ở lại ăn cơm nhé!".

Hoa tớ dày, người Mông gọi là Pằng tớ dày, nghĩa là hoa đào rừng. Ở Mù Cang Chải, hoa tớ dày không chỉ mọc dại trên núi mà còn được trồng nhiều làm cây bóng mát, cây ven lộ - Video: VŨ TUẤN

"Hơn chục năm trước ở Mù Cang Chải đã có homstay rồi - Quang Qick chia sẻ - Nếu nói rằng Mù Cang Chải nguyên sơ thì theo mình không hẳn, nhưng những cái gì đẹp mộc mạc nhất kể cả cảnh vật, cách nấu ăn, cả văn hóa… nhất là sự hiếu khách của người Mù Cang Chải vẫn như ngày nào".

Theo đánh giá của travel bloger này, Mù Cang Chải chưa phải nơi dành cho khách tìm kiếm kỳ nghỉ sang chảnh vì đường sá và nhiều yếu tố hạ tầng khác. Tuy nhiên, nếu khách thích khám phá cái đẹp, hòa mình với thiên nhiên, hòa mình với cuộc sống mộc mạc nhưng tươi vui của người vùng cao thì Mù Cang Chải đang là điểm được lựa chọn hàng đầu".

Nguyễn Thế Quảng lái xe vượt hơn 1.000 cây số từ Đà Nẵng lên Tây Bắc. Chuyến đi này, dự kiến ban đầu của anh không có điểm dừng chân Mù Cang Chải. Anh đi Hòa Bình, lên Mộc Châu, Sơn La rồi rẽ vào quốc lộ 279 để đi Sa Pa. Thế nhưng bạn bè anh khuyên anh rẽ vào Mù Cang Chải, anh đến Mù Cang Chải và quyết định ở lại vài ngày vì sức quyến rũ của mảnh đất này.

Sắc màu hạnh phúc ở Mù Cang Chải - Ảnh 3.

Thế Quảng chia sẻ, anh đưa gia đình lên Tây Bắc vì muốn… trải nghiệm không khí lạnh. Trước khi đi, cả gia đình xác định rõ mùa này lên Tây Bắc chỉ có sương mù, giá rét. Thế nhưng ngay sau ngày đầu tiên đặt chân đến Mù Cang Chải, cả gia đình sững sờ trước sắc màu rực rỡ của rừng núi xứ Mù.

"Tôi nghĩ mùa này cây cối không phát triển, ít hoa, ít cảnh đẹp, nhưng ngược lại, ở Mù Cang Chải lại rực rỡ hoa rừng. Chúng tôi ở lại thêm 2 ngày để khám phá".

Anh ghé một homestay nho nhỏ ở ngay trung tâm xã La Pán Tẩn, có căn nhà sàn nhỏ nhìn ra ngút ngàn ruộng bậc thang.

Sắc màu hạnh phúc ở Mù Cang Chải - Ảnh 4.

Homestay Dò Gừ - cái tên ghép của hai vợ chồng Hạng A Dò và Giàng Thị Gừ - đôi vợ chồng trẻ vừa quản lý homestay, vừa nấu ăn, kiêm porter hướng dẫn khách.

Gia đình Thế Quảng nghỉ ở hai phòng trên căn nhà sàn gỗ kiểu nhà của người Thái ở Tây Bắc nhưng có nhà vệ sinh khép kín, vách kính rộng "full view" ra triền núi.

Gia đình Thế Quảng đến La Pán Tẩn lúc trời đã tối muộn, chủ nhà đốt một đống than hồng giữa sân vừa xua đi cái giá lạnh vùng cao, để khách quen dần với không khí, vừa nướng một con gà với những gia vị của miền núi.

Sắc màu hạnh phúc ở Mù Cang Chải - Ảnh 5.

Thế Quảng hơi bất ngờ với căn homestay nho nhỏ. Sáng sớm, anh kéo rèm để nắng mai chan hòa vào căn phòng thơm mùi gỗ.

Mùa này dân bản chưa trồng lúa, nhưng họ đã biết lấy nước trái mùa để những thửa ruộng bậc thang phản chiếu ánh nắng mặt trời tạo nên những đường cong tầng tầng, lớp lớp.

Đoàn của Quảng dành hơn 1 tiếng đồng hồ để chụp ảnh ở hành lang của nhà sàn. Hành lang rộng, lan can đầy hoa nhìn ra ngút ngàn ruộng bậc thang trung tâm của La Pán Tẩn. 

Hạng A Dò tiết lộ, trong năm, có hai thời điểm Mù Cang Chải đẹp nhất là mùa đổ nước (tháng 5) và mùa lúa (tháng 9). Tuy nhiên, Mù Cang Chải có những điểm khác đẹp quanh năm. Mùa xuân bạt ngàn hoa sơn tra, rực rỡ lễ hội; mùa hè nước đổ, hoa rừng; mùa thu lúa chín; mùa đông hoa tớ dày.

A Dò khoác bên ngoài chiếc áo thổ cẩm của người Mông, đeo thêm chiếc máy ảnh rồi gọi điện thoại tìm thêm người chở xe ôm đưa đoàn khách đi check in rừng hoa tớ dày.

Qua bản La Pán Tẩn, ngược lên núi là cánh rừng toàn hoa tớ dày. Người Mông gọi là Pằng tớ dày - nghĩa là hoa đào rừng. Tớ dày thuộc họ đào, lá mỏng manh hơn, nhưng thân cây cao lớn, đầy sức sống. Hoa tớ dày thường nở trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, cũng có khi kéo dài sang xuân. Nhiều người nhầm tưởng tớ dày là hoa anh đào của Nhật Bản. Cánh hoa gần giống nhau nhưng sắc hồng của tớ dày thắm hơn.

Sắc màu hạnh phúc ở Mù Cang Chải - Ảnh 6.

Người Mông ở Mù Cang Chải hễ thấy hoa tớ dày nở là biết đến lễ hội Gàu Tào của dân tộc mình. Người Mông ăn Tết cổ truyền của họ trước Tết Nguyên đán một tháng. Ngày nay nhiều nơi đã ăn Tết chung với người Kinh ở miền xuôi, nhưng nhiều nghi lễ cổ truyền xưa vẫn được giữ lại. Con trai, con gái người Mông thấy hoa tớ dày nở là đem pao, đem khèn lên núi chơi.

Người Mông gặp nhau qua cánh hoa đào, thích nhau từ điệu nhảy, hẹn nhau qua tiếng kèn môi và tỏ tình với nhau bằng tiếng khèn, quả pao. Ở rừng tớ dày trên bản Trống Tông, người ta vẫn bắt gặp những cô gái xúng xính trong bộ váy thổ cẩm, má chợt đỏ khi bất chợt chạm phải tiếng khèn của chàng trai nào đó réo rắt phía sau tảng đá. Tóc còn vương đầy sắc vàng hoa cải trên nương.

Sắc màu hạnh phúc ở Mù Cang Chải - Ảnh 7.

Giàng Thị Gừ năm nay 27 tuổi, có hai đứa con vẫn đòi chồng đưa đi rừng tớ dày chơi. Gừ kể, từ ngày bé đã theo chân mẹ đi hái măng dưới cánh rừng tớ dày này. Cánh rừng nằm ở đầu nguồn nước của bản Trống Tông, La Pán Tẩn, dân bản cấm không ai được chặt cây, phá rừng.

Mấy chục năm trước, có người đốt nương, lửa cháy lan lên rừng. Cả xã hò nhau lên dập lửa không được. La Pán Tẩn mất mùa liên tiếp mấy năm liền vì ruộng không có nước.

Sắc màu hạnh phúc ở Mù Cang Chải - Ảnh 8.

Sau trận hỏa hoạn đó, những cây lau mọc lên trước tiên rồi cây tớ dày bị cháy đen nhẻm cũng đâm chồi, nảy lộc. Ở rừng tớ dày này, nhiều cây mọc từ chồi của cây "mẹ" đã bị cháy. Dưới gốc vẫn còn gốc, rỗng như cái cối gỗ của dân bản.

Tớ dày đẹp nhưng chỉ tươi khi ở trên cây. Người nào vô ý làm gãy cành, chỉ nửa tiếng là hoa héo, cánh rũ xuống như cô gái bản mất người yêu. 

Người Mông bảo hoa tớ dày cũng như con gái trong bản vậy, chỉ đẹp khi ở quê hương, bên cạnh người yêu mình. Con gái người Mông phải đi nơi khác, cái da không mịn, cái môi không thắm và cái mắt không còn trong như bầu trời Mù Cang Chải nữa.

Sắc màu hạnh phúc ở Mù Cang Chải - Ảnh 9.

Những loại hoa trên núi, người ta lấy hoa đào, hoa lê và cả hoa mận về xuôi vẫn nở đẹp còn tớ dày thì không. Mùa đông, khi cây cối ở Mù Cang Chải rũ lá vì rét thì cũng là lúc hoa tớ dày bung sắc hồng rực rỡ. 

Tớ dày không chỉ mọc trên núi mà còn được trồng ở sân trường, đường đi. Những đoạn đường ở Chế Chu Nha, Dế Xu Phình, Mồ Dề, La Pán Tẩn… và ngay cả ở thị trấn Mù Cang Chải chỗ nào cũng hồng rực hoa tớ dày.

Thế Quảng được đôi vợ chồng Dò - Gừ đưa đi chơi ở rừng thông, rừng trúc trước khi rời Mù Cang Chải. Điều anh có được trong vài ngày ngắn ngủi không chỉ những giây phút thoải mái, những trải nghiệm thú vị mà anh có thêm những người bạn vùng cao, thân thiết như anh em nhà.

Sắc màu hạnh phúc ở Mù Cang Chải - Ảnh 10.
Sắc màu hạnh phúc ở Mù Cang Chải - Ảnh 11.

Khi những hạt sương trên núi bớt lạnh, hoa mận rụng xuống là lúc Sùng A Phà và trai bản Háng Cháng Lừ, xã Khao Mang (Mù Cang Chải) lên núi tìm cây thưng để đẽo "tù lú" (con quay, cù). 

A Phà kể con trai Mông muốn lấy được vợ phải biết thổi khèn hay, đánh "tù lú" giỏi. Nếu người Kinh ở dưới xuôi thích đá bóng thì người Mông ở Mù Cang Chải thích chơi tù lú như một môn thể thao rèn luyện sức khỏe, sự khéo léo.

Đến Mù Cang Chải bây giờ, du khách có thể được trải nghiệm giã bánh dày của người Mông. Cùng họ chọn thóc, đồ xôi, cùng giã bánh dày và thưởng thức món ăn độc đáo này - Video: VŨ TUẤN

Loại gỗ được chọn để đẽo cù phải là gỗ thưng, người Mông gọi là gỗ mang, loại cây mọc thẳng, vỏ dày, gần giống cây sa mộc nhưng lá rộng, gỗ rất cứng và chỉ mọc ở những nơi đất cằn. Trai bản chọn một cây to chừng cái phích nước, đem về đẵn ra từng khúc chia cho đám thanh niên.

Ai chơi tù lú cũng phải tự đẽo cho mình. Họ đẽo hoàn toàn bằng dao, cắt gọt, chỉnh sửa cho thật phẳng, thật cân đối. Dây quay cũng se bằng sợi lanh, một đầu buộc vào đoạn tay tre, đầu kia buộc một cái lông gà để tăng ma sát.

Sắc màu hạnh phúc ở Mù Cang Chải - Ảnh 13.

Con quay của người Mông đơn giản là một hình trụ, một đầu vát nhọn, không đóng đinh làm chân như con quay của người dưới xuôi. Trọng lượng, độ to nhỏ vừa tay, vừa sức với người chơi. Quay đẽo càng cân đối, trọng lượng càng chuẩn, càng vừa sức thì lúc chơi càng "ngủ".

Chỉ nhìn con quay là biết sự khéo léo của chủ nhân làm ra nó. Bãi đất rộng giữa bản làm sâu thi đấu, họ kẻ ba vạch tương ứng với khoảng cách 5m, 7m, 12m để thi đấu. A Phà cho hay, giải tù lú chuyên nghiệp của huyện tổ chức, khoảng cách xa nhất là 21m.

Sắc màu hạnh phúc ở Mù Cang Chải - Ảnh 14.

Khi những tiếng kêu chát chúa của những con tù lú va vào nhau, tiếng cười rộn ràng, tiếng thách đố của trai bản vang lên cũng là lúc người trong bản kéo ra góp vui.

Người trẻ, người già mang cả những cuộn lanh còn se dở ra xem đánh cù. Tiếng cười rộn ràng cả thung lũng.

Sắc màu hạnh phúc ở Mù Cang Chải - Ảnh 15.

Cuộc sống của bà con ở Háng Cháng Lừ còn nhiều gian khó. Bản không có người làm du lịch, chỉ trồng lúa và chăn nuôi. Người trong bản cần tiền làm việc lớn thì bán trâu, việc nhỏ thì bán lợn, nhưng niềm vui, tiếng cười lúc nào cũng rạng rỡ trên gương mặt những người nông dân lam lũ.

Trò chơi đánh cù như một môn thể thao của dân bản sau ngày làm việc mệt nhọc. Từ cách chọn gỗ, đẽo cù cho đến luật chơi, cách đánh và cả thói quen chơi cù để giải trí chả biết có từ bao giờ. Chỉ biết người này chỉ cho người kia, ông bà chỉ cho con cháu, ai cũng đam mê, ai cũng giữ như tiếng khèn, điệu nhảy bao đời nay của họ.

Phó chủ tịch huyện Mù Cang Chải Lương Thị Xuyến

Phó chủ tịch huyện Mù Cang Chải Lương Thị Xuyến cho hay, ngoài thế mạnh "trời ban" là thiên nhiên hùng vĩ, Mù Cang Chải có tới 91% là đồng bào dân tộc Mông. Người Mông ở đây lại giàu bản sắc văn hóa. Những nét đẹp văn hóa cổ xưa của đồng bào đến giờ vẫn được giữ nguyên vẹn. Mù Cang Chải còn giữ được rừng, đa dạng sinh học và cả những nét văn hóa nguyên sơ, đây vừa là "di sản" vừa là thế mạnh để thu hút khách du lịch.

Sắc màu hạnh phúc ở Mù Cang Chải - Ảnh 17.

Bà Xuyến lấy ví dụ những tập tục của người Mông từ sản xuất, ẩm thực, trang phục, thói quen sinh hoạt… đến những hoạt động đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể như lễ mừng cơm mới… 

Đề án phát xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch lấy giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc là một trong những giải pháp để du lịch của Mù Cang Chải phát triển bền vững.

"Khi du khách đến với Mù Cang Chải, họ thích thú trải nghiệm văn hóa của bà con, nhất là được hòa vào nhịp sống của người Mông ở đây, được tham gia, được thực hiện các hoạt động trong các đợt sinh hoạt của đồng bào người Mông. Đó chính là những thế mạnh của du lịch ở Mù Cang Chải. 

Chính vì thế chúng tôi đã chỉ đạo xây dựng đề án về giữ gìn bản sắc của người dân tộc Mông trên địa bàn toàn huyện. 

Có những bản sắc như là nghệ thuật chế tác khèn, nghệ thuật biểu diễn khèn Mông, các hoạt động về các môn thể thao dân tộc, các lễ hội truyền thống như lễ mừng cơm mới, lễ hội đánh quay của người Mông, thêu, dệt thổ cẩm, vẽ hoa văn của người dân tộc Mông trên vải bằng sáp ong… phải được giữ gìn, bảo tồn" - bà Xuyến nói.

Sắc màu hạnh phúc ở Mù Cang Chải - Ảnh 18.

Ở huyện vùng cao này có những mô hình "lớp học hạnh phúc", "trường học du lịch"… đưa bản sắc văn hóa truyền thống vào giáo dục cho thế hệ trẻ. Huyện cũng xây dựng để Mù Cang Chải không những trở thành điểm đến thân thiện mà trở thành "điểm đến hạnh phúc" ở Tây Bắc.

Sắc màu hạnh phúc ở Mù Cang Chải - Ảnh 19.

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN - GIÀNG A LÙ
HẢI PHI
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp