11/07/2015 12:49 GMT+7

Sabeco phải nộp lại 408 tỉ, còn bao nhiêu vụ tương tự?

LÊ THANH
LÊ THANH

TT - Đây có được xem là hiện tượng chuyển giá trong sản xuất thương mại không? Có phải là lỗ hổng trong quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt?

Công nhân vận chuyển bia tại Công ty Bia Sài Gòn chiều 20-4 - Ảnh: Thanh Tùng

Xác nhận là có lỗ hổng chính sách, tuy nhiên Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khẳng định Sabeco phải có trách nhiệm thực hiện kiến nghị của KTNN là nộp thêm 408 tỉ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2013.

Ngày 10-7, KTNN đã tổ chức họp báo công bố báo cáo kết quả kiểm toán năm 2014 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2013. Buổi họp đã “nóng” lên khi đại diện các cơ quan báo chí chỉ trao đổi về việc KTNN kiến nghị truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt là 408 tỉ đồng của Tổng công ty CP Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Ông Cao Tấn Khổng, phó tổng KTNN, nhấn mạnh: “Chắc chắn Sabeco sẽ thực hiện (nộp thêm 408 tỉ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt - PV). Tôi được biết lãnh đạo Bộ Tài chính thống nhất rất cao ý kiến, quan điểm và phương pháp giải quyết của KTNN.

Tại cuộc họp, đại diện KTNN, bà Trương Thị Việt Hương - kiểm toán trưởng KTNN khu vực 4 - đã trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí.

* VTV: Quan điểm của KTNN như thế nào về việc Sabeco cho rằng KTNN kiến nghị chưa hợp lý? Bởi bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt là đánh theo giá bán ra của nhà sản xuất chứ không phải giá bán của cơ sở thương mại.

- Thật ra, thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào khâu sản xuất và xác định giá bán ra cuối cùng của nhà sản xuất. Sabeco thành lập Công ty TNHH MTV Sài Gòn để tiêu thụ các sản phẩm của bia Sài Gòn với 100% vốn công ty mẹ.

Sau đó, Công ty TNHH MTV thương mại Bia Sài Gòn thành lập nên các công ty liên kết, các công ty con có vốn nhà nước của Công ty thương mại Sài Gòn tới 90-95%. Và 10 công ty thương mại khu vực bán các sản phẩm bia Sài Gòn cho đại lý cấp 1. 

Với mô hình sản xuất kinh doanh khép kín, không những chi phối vốn mà chúng tôi xác định Sabeco quyết định từ khâu nguyên liệu đầu vào, giá bán ra và kể cả phần bán cho đại lý cấp 1, nên công ty mẹ cũng quyết định về giá bán ra. Và lợi nhuận cuối cùng của các công ty là chuyển về cho Sabeco.

Chính vì vậy, KTNN xác định khâu cuối cùng là ở các công ty thương mại khu vực trước khi bán ra cho đại lý nên chúng tôi truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2013 là 408 tỉ đồng.

* Tuổi Trẻ: Sabeco khẳng định họ thực hiện theo đúng quy định. Vậy có cách hiểu khác nhau giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong cơ sở tính thuế?

- Cơ sở tính thuế cũng tương đối rõ trong thông tư 05 của Bộ Tài chính. KTNN cũng dựa theo thông tư này. Theo đó, thông tư 05 quy định giá tính thuế là các cơ sở thương mại nói chung chứ không quy định rõ cơ sở thương mại độc lập hay không độc lập. Do đó, KTNN đã kiến nghị Bộ Tài chính và bộ này cũng đang soạn thảo để sửa đổi, thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Theo đó, quy định mới cần xác định rõ giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt trong trường hợp các công ty thương mại là công ty con của công ty sản xuất và các công ty thương mại là công ty độc lập với công ty sản xuất để cách tính thuế phù hợp nhất.

* Sài Gòn Giải Phóng: Sabeco cho rằng họ thực hiện theo đúng hướng dẫn của Tổng cục Thuế. Vậy quan điểm của KTNN như thế nào về việc này?

- Đây là cách nhận thức về văn bản. Khi Sabeco hỏi, Tổng cục Thuế trả lời không khác gì với hướng dẫn tại thông tư 05 khi không nói rõ giá tính thuế các sản phẩm bia Sài Gòn là căn cứ theo giá bán ra của các công ty con trực thuộc hệ thống, các công ty thương mại khu vực trực thuộc Sabeco mà chỉ nói là cơ sở thương mại.

Còn KTNN không phải chỉ căn cứ vào một điều của thông tư 05 mà còn căn cứ vào cơ sở sản xuất, các cơ cấu điều hành của Sabeco nữa. Kết hợp cả hai điểm này, KTNN kiến nghị về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt.

* Tuổi Trẻ: Trách nhiệm thuộc về cơ quan nào nếu Sabeco không nộp 408 tỉ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt theo kiến nghị của KTNN?

- Nếu Sabeco không tổ chức thực hiện kiến nghị này của KTNN này thì trách nhiệm đầu tiên phải là thuộc về Sabeco, sau đó mới là các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong việc hướng dẫn và yêu cầu thực hiện các kiến nghị của KTNN. Đây là quy định của Luật KTNN.

Cũng theo quy định Luật KTNN, các đơn vị có quyền được ý kiến khiếu nại, giải trình nhưng trước hết phải thực hiện kiến nghị KTNN. Trong giải trình của mình, Sabeco cũng kiến nghị cơ quan quản lý xem xét việc Sabeco chưa thực hiện, nếu thực hiện thì phải thêm công ty này, công ty kia cho đồng bộ theo thị trường. Họ không từ chối trách nhiệm thực hiện của mình.

* VTV: Đây có được xem là hiện tượng chuyển giá trong sản xuất thương mại không? Có phải là lỗ hổng trong quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt?

- Đây là lỗ hổng, chính vì lỗ hổng nên KTNN mới kiến nghị Bộ Tài chính. Nếu xét từng đơn vị thì có thể nói là hình thức chuyển giá nhưng xem kết quả quá trình của Sabeco thì lợi nhuận sau khi xác định giá tính thuế, thu được từ các công ty con, cháu lại chuyển về cho công ty mẹ nên chúng tôi cũng không xác định đây là chuyển giá.

Còn bao nhiêu trường hợp tương tự?

Tại cuộc họp báo, ông Cao Tấn Khổng cho rằng từ kết luận của KTNN, các cơ quan quản lý nhà nước cần rút kinh nghiệm để quản lý chặt chẽ, bịt kín lỗ hổng chính sách.
Còn vấn đề kiến nghị của KTNN thì Sabeco phải bắt buộc thực hiện. Còn các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải ngồi lại để chấn chỉnh làm sao xử lý vấn đề đến nơi đến chốn.

Trong khi đó, ông Đinh Văn Nhã, phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cho biết có ý kiến cho rằng từ trường hợp của Sabeco còn bao nhiêu trường hợp tương tự, do đó ông Nhã đề nghị KTNN phải phối hợp làm rõ cái này.

 

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp