29/06/2018 09:54 GMT+7

Rút tiền từ thẻ ATM nhặt được có bị khởi tố?

TẤN LỰC - HỮU KHÁ
TẤN LỰC - HỮU KHÁ

TTO - Theo luật sư, việc hai vợ chồng trả lại tiền cho chủ thẻ có thể là do lo sợ hành vi phạm tội của mình bị phát hiện sau khi chủ thẻ công khai đưa thông tin, hình ảnh lên mạng xã hội. Việc trả lại tiền chỉ là tình tiết giảm nhẹ.

Rút tiền từ thẻ ATM nhặt được có bị khởi tố? - Ảnh 1.

Hình ảnh do camera ghi lại thời điểm đôi nam nữ rút tiền bằng thẻ ATM của nạn nhân - Ảnh: Agribank cung cấp

Chị Đặng Ngọc Vy Uyên (trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết vừa nhận lại số tiền gần 15 triệu đồng từ hai người đã dùng thẻ ATM của chị để rút tiền.

Rút tiền rồi đem trả lại

Trước đó ngày 28-3, trong lúc ra sân bay Đà Nẵng, chị Uyên đánh rơi thẻ ATM do Agribank phát hành. Đến buổi tối, chị nhận được tin nhắn liên tục báo vào điện thoại thông báo tài khoản đang thực hiện giao dịch rút tiền. Tổng cộng năm lần giao dịch, tài khoản của chị bị rút gần 15 triệu đồng.

Do trước đó tôi bận đi công việc nên dự định nhờ em gái rút hộ tiền từ thẻ ATM. Vì vậy, tôi đã viết mật khẩu lên thẻ để sẵn nhưng chưa kịp đưa thẻ cho em gái thì thẻ bị đánh rơi mất. Người nhặt được thẻ căn cứ vào mật khẩu viết sẵn đó để rút tiền

Chị Đặng Ngọc Vy Uyên

Theo chị Uyên, trước đó do bận công việc nên chị định nhờ em gái rút hộ tiền. Vì vậy, chị đã viết mật khẩu lên thẻ nhưng chưa kịp đưa cho em gái thì thẻ bị rơi mất.

Hình ảnh từ camera trụ ATM do ngân hàng cung cấp thể hiện khoảng 19h15 ngày 28-3, có một đôi nam nữ đến trụ ATM Agribank trên đường Nguyễn Tri Phương (Đà Nẵng) rút tiền bằng thẻ ATM của chị Uyên. Việc rút tiền diễn ra trong khoảng ba phút.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, chị Uyên đã nhanh chóng nhờ ngân hàng cung cấp đoạn video ghi lại cảnh vợ chồng giao dịch và có đơn trình báo Công an quận Thanh Khê về việc mất tài sản.

Đợi chờ lâu không có kết quả, mới đây chị Uyên quyết định đăng toàn bộ câu chuyện và video cảnh hai người rút tiền trong ATM của mình lên trang Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng và được một số tờ báo đưa tin. Sau đó, hai nhân vật rút tiền của chị Uyên đã liên hệ trả lại tiền và gửi lời xin lỗi nạn nhân.

Sau khi nhận lại tiền, chị Uyên quyết định bỏ qua, không muốn truy cứu vì cho rằng nguyên nhân vụ việc có phần do sơ hở của bản thân.

Trả lại tiền chỉ là tình tiết giảm nhẹ?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Trần Thanh Hải - trưởng công an quận Thanh Khê - cho biết cơ quan công an vẫn đang điều tra vụ việc dù nạn nhân đã nhận lại được tiền. 

"Việc điều tra đang gặp khó khăn, chị Uyên không hợp tác trong việc cung cấp thông tin của hai người đã dùng thẻ ATM của chị này rút tiền. Khi hoàn tất điều tra vụ việc, nếu kết luận hành vi của hai người này đủ cấu thành tội phạm thì việc trả lại tiền cho nạn nhân chỉ được xem như tình tiết giảm nhẹ" - đại tá Hải cho biết.

Luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng ở đây có sự bất cẩn của chủ thẻ ATM. Tuy nhiên, người nhặt được thẻ ATM nếu biết là công cụ để rút tiền của người khác mà vẫn cố ý rút tiền nhằm chiếm đoạt tài sản với trị giá trên 2 triệu đồng thì có dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản.

"Bởi tuy chủ thẻ có sơ hở trong việc bảo quản thẻ ATM nhưng không có nghĩa là họ từ bỏ quyền tài sản của mình trong ngân hàng, nên việc lợi dụng sơ hở để rút tiền của chủ thẻ trong trường hợp này là có dấu hiệu của hành vi trộm cắp tài sản" - luật sư Cao nói.

Tuy nhiên, luật sư Cao cũng cho rằng theo chính sách pháp luật hình sự quy định tại điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 thì trong trường hợp này, những người rút tiền có dấu hiệu phạm vào tội ít nghiêm trọng và đã khắc phục hậu quả. Ngoài ra, bên bị hại chấp nhận hòa giải nên có căn cứ miễn trách nhiệm hình sự. 

Do đó, với trường hợp này cũng không nhất thiết phải khởi tố để truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp này có thể khởi tố vụ án nếu bị hại không chấp nhận hòa giải, mà yêu cầu truy cứu trách nhiệm đến cùng.

Trong khi đó, luật sư Đỗ Thành Nhân (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng hành vi của cặp vợ chồng trên đã cấu thành tội phạm. 

"Hành vi cố ý phạm tội của họ đã hoàn thành. Bởi lẽ chắc chắn cặp vợ chồng này khi rút tiền từ máy ATM họ đã biết hành vi chiếm đoạt tiền của người khác là vi phạm pháp luật. Thêm nữa, suốt thời gian dài họ đã công nhiên chiếm giữ, sử dụng số tiền đó. 

Theo tôi, việc họ trả lại tiền cho chủ thẻ ATM không phải tự nguyện ngẫu nhiên. Lý do mà họ mang tiền đến trả lại cho chủ thẻ là do lo sợ hành vi phạm tội của mình bị phát hiện sau khi chủ thẻ công khai đưa thông tin, hình ảnh lên mạng xã hội" - luật sư Nhân nói.

Theo luật sư Nhân, dù phía chủ thẻ ATM có ý định bỏ qua vụ việc, không muốn pháp luật xử lý cũng không phải là lý do để cơ quan công an dừng điều tra, bỏ qua vụ việc. 

"Theo tôi, cơ quan công an nên tiếp tục điều tra để xử lý theo đúng quy định pháp luật. Phải xác định rằng hành vi trả lại tiền cho người bị hại chỉ là tình tiết được xem xét giảm nhẹ" - luật sư Nhân nói.

Cần nhanh chóng báo ngân hàng để khóa tài khoản

Ông Đoàn Phúc - phó giám đốc Agribank chi nhánh Đà Nẵng - cho biết việc bị rút trộm tiền khi chủ thẻ làm mất thẻ và để lộ mật khẩu trước hết thuộc về lỗi của khách hàng.

Ông Phúc khuyến cáo trong trường hợp mất thẻ hoặc lộ mật khẩu thì chủ thẻ cần nhanh chóng liên hệ với ngân hàng để khóa tài khoản, hạn chế xảy ra rủi ro.

Tự ý rút tiền từ thẻ ATM nhặt được, bị xử lý ra sao?

TTO - Thẻ ATM bị mất nhưng tiền trong tài khoản vẫn là tài sản của chủ sở hữu. Dùng thẻ ATM nhặt được để rút tiền cũng giống như nhặt được chìa khóa rồi dùng chiếc chìa khóa đó để mở tủ trộm tiền.

TẤN LỰC - HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp