Bơm cát từ sông vào bờ, để giải cứu bờ biển Cửa Đại đang bị biển “ăn” mất trong thời gian qua - Ảnh: Trường Trung |
Tuy nhiên, thời gian vừa qua xuất hiện tình trạng tàu hút cát không mang cát vào bờ Cửa Đại mà đi... thẳng ra biển.
Không quản lý nổi
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Lý, chánh văn phòng UBND TP Hội An, cho biết hiện tại trên địa bàn Hội An đang có hai dự án nạo vét ngoài khơi Cửa Đại. Trong đó, một dự án do TP Hội An quản lý và dự án còn lại do Cục Đường thủy nội địa quản lý với tổng khối lượng nạo vét là 150.000m3.
Dự án bắt đầu thực hiện từ sau Tết Nguyên đán, đến nay đã hoàn thành khối lượng 64.000m3. Địa điểm hút cách bờ khoảng 5 hải lý, phía bắc Cửa Đại, do Công ty Thành Đô và Sơn Thịnh hợp đồng nạo vét.
Ông Lý xác nhận có việc một số tàu chở cát từ Cửa Đại ra hướng Đà Nẵng. “Không ai cho phép mang cát ra khỏi vùng biển Hội An đang sạt lở. Vụ việc này đang được UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo điều tra thực trạng thực hiện dự án và các thông tin liên quan bao gồm thông tin lan truyền về một hợp đồng khai thác cát tại Cửa Đại đem san nền tại Đà Nẵng với khối lượng khủng. Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm nếu phát hiện có sai phạm, cát biển Cửa Đại không thể được vận chuyển đi đâu với bất kỳ lý do gì” - ông Lý nói.
Theo ông Lý, hiện phương tiện quản lý, kiểm soát trên biển của thành phố không đủ khả năng theo dõi hết bởi hoạt động trên biển rất phức tạp. Do đó, đang yêu cầu Đồn biên phòng Cửa Đại hỗ trợ và đang tính xin thêm tàu của hải đội hỗ trợ giám sát. Đồng thời cho biết UBND TP Hội An đã thống nhất chỉ cho phép khai thác nạo vét vào thời gian ban ngày.
Trao đổi với đại tá Nguyễn Hữu Thắng - chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Quảng Nam, ông cho biết đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Đồn biên phòng Cửa Đại điều tra vụ việc. “Trách nhiệm quản lý kiểm tra cụ thể vẫn là của bộ đội biên phòng. Tuy nhiên khu vực này phức tạp lắm, vì vậy phải phối hợp với nhiều đơn vị liên quan. Nhiều cơ quan mới kiểm tra hết đường thủy nội địa và vùng biển” - ông Thắng nói.
Các tàu chở cát nạo vét từ sông ra biển Cửa Đại - Ảnh: Trường Trung |
Những hợp đồng “khủng”
Theo tài liệu mà chúng tôi có được, một hợp đồng kinh tế giữa Công ty CP Trung Nam (trụ sở tại Đà Nẵng) và Công ty TNHH Tuấn Sinh (trụ sở tại TP Nam Định) liên quan trực tiếp đến việc lấy cát tại biển Cửa Đại.
Trong hợp đồng này, Trung Nam đồng ý giao và Tuấn Sinh đồng ý nhận thực hiện việc hút cát lên tàu, vận chuyển đến công trường và bơm xả cát để san nền dự án khu đô thị mới quốc tế Đa Phước tại Đà Nẵng. Còn địa điểm khu vực hút cát là vùng biển Cửa Đại, TP Hội An, Quảng Nam. Hợp đồng có đơn giá 60.000 đồng/m3 cát, với khối lượng 1 triệu m3, thành tiền 60 tỉ đồng trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 9-2017.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Xuân Định - tổng giám đốc Công ty Trung Nam - nói hợp đồng vận chuyển và bơm cát san nền với Tuấn Sinh, trong đó phần khối lượng và giá trị mang tính chất “tạm tính” để có cơ sở thực hiện khi có điều kiện.
“Chúng tôi ký kết với Tuấn Sinh thuê vận chuyển cát mà chúng tôi đã mua từ biển Cửa Đại về Đà Nẵng. Chúng tôi xúc tiến mua cát nhưng vẫn chưa mua được nên hiện tại vẫn chưa chở khối nào về Đà Nẵng” - ông Định nói. Trả lời câu hỏi “Trung Nam mua cát ở biển Cửa Đại của đơn vị nào?”, ông Định nói đây là vấn đề kinh tế nên từ chối trả lời.
Theo ông Định, ngoài hợp đồng ký kết với Công ty Tuấn Sinh, ông còn ký kết với hai đơn vị khác để vận chuyển cát là Công ty Hoàng Dương Danh và Công ty TNHH Phạm Tải. Ông Định nói hợp đồng đã ký nhưng chưa có cát để chở nên phía Trung Nam phải hỗ trợ chi phí trong thời gian các đơn vị vận chuyển đã đưa tàu vào nhưng chưa thực hiện được hợp đồng khai thác.
Ông Định nói có hỗ trợ cho Công ty Tuấn Sinh trong thời gian tàu “nằm bờ” nhưng lại cho biết Công ty Tuấn Sinh có tham gia thi công nạo hút cát ở Hội An với các đối tác khác. “Đó là thỏa thuận riêng không liên quan gì đến chúng tôi” - ông Định nói.
Ông Phạm Văn Thông, giám đốc Ban quản lý dự án đường thủy nội địa, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, cho biết đơn vị này đang làm chủ đầu tư một dự án nạo vét khu vực Cửa Đại. Giá trị hợp đồng hơn 12 tỉ đồng, khối lượng nạo vét trên 82.000m3. Cát nạo vét từ dự án được sử dụng đổ dọc theo bờ biển bị sạt lở, đoạn từ khách sạn Vinpearl đến khách sạn Palm Garden (khoảng 4km), chiều rộng tạo bãi từ bờ ra 100m. Ông Thông cho biết trong quá trình thực hiện dự án, đơn vị tư vấn giám sát xác nhận số lượt tàu, khối lượng cát đổ vào bãi hằng ngày và báo cáo về Ban quản lý dự án đường thủy nội địa hằng tuần. “Tư vấn giám sát khẳng định không có trường hợp tàu vận chuyển cát ra khỏi phạm vi bãi đổ. Sau khi có thông tin về hiện tượng tàu chở cát từ hướng Cửa Đại ra biển, chúng tôi đã đề nghị nhà thầu, tư vấn giám sát rà soát và họ cam kết tuân thủ nghiêm túc, không được để xảy ra việc đó. Thứ bảy tới tôi sẽ vào hiện trường kiểm tra, rà soát công tác thi công dự án” - ông Thông cho biết. |
Điều tra, làm rõ vụ việc Ông Lê Trí Thanh, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, xác định đây là vụ việc nghiêm trọng không thể chấp nhận được. “Bờ biển Hội An đang sạt lở nhiều năm nay. Chính quyền phải mất bao nhiêu tiền của để giữ lại. Việc mang cát ra khỏi biển Cửa Đại là không ai cho phép” - ông Thanh nói. Ông Thanh cho biết sau khi có thông tin vụ việc, UBND TP vừa tổ chức cuộc họp và chỉ đạo các lực lượng liên quan phải điều tra làm rõ vụ việc. Ngoài ra ông Thanh cho biết sẽ mời lực lượng cảnh sát biển cùng phối hợp để tuần tra kiểm soát các hoạt động vùng cửa biển. Trao đổi với Tuổi Trẻ về hồ sơ hợp đồng mà Công ty Trung Nam ký với Công ty Tuấn Sinh, ông Thanh nói đây chỉ là hợp đồng kinh tế đơn thuần. Bởi từ trước đến nay địa phương chưa bao giờ có chủ trương cho đơn vị nào khai thác cát mang ra khỏi địa phương. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận