05/05/2013 11:29 GMT+7

Rút ngắn thời gian khám bệnh, nhiều bệnh viện kêu khó

Bác sĩ ĐẶNG HUY QUỐC THỊNH(phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM)
Bác sĩ ĐẶNG HUY QUỐC THỊNH(phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM)

TT - Bộ Y tế vừa ban hành quy trình khám bệnh, rút ngắn thời gian khám bệnh còn 2-4 giờ. Đã có nhiều ý kiến từ các bệnh viện tranh luận về tính khả thi của quy trình này…

SJ7GMRxO.jpgPhóng to
Cảnh chờ đợi khám bệnh tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM - Ảnh: L.TH.H.

Không thể dùng mệnh lệnh hành chính

Trung bình một ngày Bệnh viện Bạch Mai đón 2.500-3.000 bệnh nhân đến khám. Tính bình quân thời gian từ lúc tiếp nhận đến khi bệnh nhân được kê đơn thuốc, chúng tôi đã đạt mốc 4 giờ, tuy nhiên những bệnh nhân nặng, nhiều xét nghiệm chẩn đoán… phải chờ dài hơn.

Theo tôi, muốn giảm tải thì cả hệ thống phải phấn đấu. Nếu tuyến T.Ư như Bạch Mai làm tốt, bệnh nhân tin cậy, đến đông thì lại khó giảm tải. Vì vậy, các tuyến phải phấn đấu đồng đều, không thể dùng mệnh lệnh hành chính để bệnh nhân không được đến bệnh viện này hay bệnh viện khác chữa bệnh. Tại Bạch Mai, những nơi vướng nhất là khâu tiếp đón thì thời điểm cao nhất chúng tôi đã mở 30 cửa để giải phóng nhanh, bệnh nhân vào cửa số 4, khi ra nộp phí, lấy đơn thuốc cũng ở cửa số 4. Lấy bệnh phẩm, kết quả xét nghiệm cũng tại block khám, bệnh nhân không phải chạy tìm nhiều nơi. Chúng tôi cũng đã mở rộng khoa khám bệnh để các dịch vụ soi dạ dày, trực tràng, điện tim, điện não, đo loãng xương, chụp CT… đều liên hoàn trong khu khám bệnh. Bệnh nhân bảo hiểm chỉ phải nộp viện phí một lần, bệnh nhân không bảo hiểm nộp viện phí hai lần.

Muốn thực hiện quy trình khám 2-4 giờ và giảm quá tải, bệnh viện phải thực hiện tin học hóa và quy trình ISO, nếu có phần mềm quản lý bệnh viện thống nhất thì càng tốt. Nếu không có hệ thống công nghệ thông tin sẽ không thể nào tính toán nổi với lượng bệnh nhân tới khám 2.500-3.000 người/ngày (khoảng 1,2 triệu lượt người khám bệnh/năm riêng tại Bệnh viện Bạch Mai).

Ông NGUYỄN NGỌC HIỀN (phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai)

Tùy đặc thù của từng bệnh viện

Việc rút ngắn thời gian khám bệnh bao lâu còn tùy đặc thù của mỗi bệnh viện. Như Bệnh viện Nguyễn Trãi có đặc thù đa số bệnh nhân là cán bộ hưu trí, có rất nhiều bệnh mãn tính khác nhau. Vì vậy nhiều người phải khám nhiều chuyên khoa. Trong một buổi sáng có thể họ khám bệnh cao huyết áp xong phải khám thêm bệnh đái tháo đường, có khi thêm bệnh lý tai mũi họng hay bệnh về xương khớp… Khi bệnh nhân phải khám nhiều chuyên khoa thì mất nhiều thời gian hơn là điều khó tránh khỏi.

Tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, quy trình khám bệnh hiện nay có bốn bước: bệnh nhân lấy số thứ tự khám bệnh, vào phòng để bác sĩ khám, mang toa thuốc đến quầy vi tính để nhập đơn thuốc, nhận thuốc ở cửa phát thuốc. Tính từ lúc nộp sổ lấy số thứ tự khám bệnh (2-3 chuyên khoa) đến khi lãnh thuốc về khoảng 3-4 giờ nhưng nếu chỉ khám một chuyên khoa thì khoảng 1-2 giờ. Tuy nhiên, chỉ bệnh nhân đến khám lần đầu và có làm xét nghiệm thì thời gian chờ đợi mới 3-4 giờ, còn với bệnh nhân cũ thì thời gian chờ khám đã giảm nhiều vì bệnh viện thực hiện trả kết quả xét nghiệm của lần khám này trước ngày tái khám lần sau một ngày nên cũng không phải chờ đợi quá lâu. Ví dụ, bệnh nhân đi khám ngày 2-5 được bác sĩ cho làm xét nghiệm và hẹn một tuần tái khám (ngày 9-5) thì ngày 8-5 bệnh nhân lấy kết quả và mang theo cho bác sĩ xem và kê toa thuốc khi tái khám vào ngày 9-5.

Bác sĩ VÕ VĂ TIẾN(giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi, TP.HCM)

Khó thực hiện đồng loạt

Với những bệnh nhân khám bệnh đơn giản như khám sức khỏe đi làm, các bệnh thông thường, không cần thực hiện xét nghiệm thì bệnh nhân sẽ được khám bệnh, lãnh thuốc trong vòng hai giờ như quy trình khám bệnh Bộ Y tế đưa ra. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân phải làm nhiều xét nghiệm hoặc kỹ thuật chẩn đoán mà tất cả quy trình khám bệnh chỉ gói gọn trong bốn giờ là khó đạt được. Hiện nay, khi bác sĩ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm thường quy cho bệnh nhân, khoảng 2-3 giờ sau bệnh nhân mới mang kết quả lại bàn khám, còn nếu chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu hơn như xét nghiệm miễn dịch học, xét nghiệm tìm virút viêm gan siêu vi…. thường bốn giờ sau bệnh nhân mới mang kết quả lại cho bác sĩ khám bệnh.

Bác sĩ TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM)

Rút ngắn thời gian chờ khám bằng nhiều biện pháp

Khoa khám bệnh Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện quy trình rút ngắn thời gian chờ đợi khám bệnh cho bệnh nhân từ khá lâu. Một trong những biện pháp là triển khai hẹn giờ khám bệnh qua tổng đài 1080 nên thời gian bệnh nhân chờ đợi khám bệnh đã giảm rất nhiều. Ngoài ra BV tổ chức khám bệnh từ sớm, 5g30 phòng khám đã nhận bệnh và 6g các bác sĩ đã bắt đầu khám bệnh. Khoa khám bệnh có 42 phòng khám chuyên khoa với nhiều bác sĩ ngồi khám nên dù số lượng bệnh nhân đến khám bệnh rất đông (ngày 2-5 có tới 5.550 người tới khám) nhưng chỉ tập trung dồn nhiều vào khoảng thời gian từ 5g30-8g30 và thời gian chờ cũng chỉ 1-2 giờ là tối đa (nếu không làm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh - PV). Nếu sau 8g30 bệnh nhân mới đến đăng ký khám thì sẽ được khám rất nhanh, thường chỉ phải chờ 15-30 phút là tới lượt khám.

Tuy nhiên, với bệnh nhân có làm xét nghiệm thì thời gian sẽ lâu hơn vì có những xét nghiệm có thể trả kết quả trong buổi sáng, nhưng có những xét nghiệm đặc hiệu phải 15g cùng ngày mới có. Thời gian chờ lâu hay mau còn tùy thuộc vào số lượng xét nghiệm bệnh nhân cần làm và loại xét nghiệm mà bệnh nhân phải làm. Đây là thời gian bệnh nhân chờ lấy kết quả xét nghiệm chứ không phải chờ khám.

Bác sĩ ĐÀO DUY KHANH(trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Chợ Rẫy)

Không phải tất cả bệnh nhân đều giống nhau

Thời gian hoàn thành quy trình khám bệnh, xét nghiệm trong 2-4 giờ mà Bộ Y tế vừa đưa ra là mốc thời gian để các bệnh viện phấn đấu. Tại Bệnh viện Ung bướu, những bệnh nhân có bệnh lý đơn giản đến khám bệnh từ sáng, nếu có làm các xét nghiệm thường phải đến trưa hoặc chiều mới có được chẩn đoán bệnh và kê toa thuốc điều trị. Tuy nhiên, không phải bệnh lý nào sau 2-4 giờ đều được chẩn đoán ra bệnh, mà với các bệnh lý phức tạp cần mất nhiều giờ hơn, thậm chí nhiều ngày mới chẩn đoán được. Ví dụ những bệnh nhân phải làm sinh thiết, bệnh viện phải gửi mẫu mô đến phòng giải phẫu bệnh nên vài ngày sau bệnh nhân mới nhận được kết quả, có những bệnh nhân chụp CT vẫn chưa chẩn đoán được bệnh, cần phải làm các xét nghiệm khác như nội soi đại trực tràng, tai mũi họng… cũng mất nhiều thời gian hơn.

Quy trình mới

Theo quy trình khám bệnh mới, thời gian khám thông thường tối đa hai giờ, trải qua bốn khâu: đón tiếp bệnh nhân - khám bệnh - nộp viện phí - lãnh thuốc. Bệnh nhân cần thêm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng cần thêm 1-3 bước, kéo dài tối đa thêm hai giờ.

So với quy trình cũ 8-14 khâu, quy trình mới cải tiến giảm số lần nộp viện phí. Bộ Y tế cũng đặt mục tiêu “bệnh viện phải nhận phần khó về mình”, bệnh nhân cần photo giấy tờ tùy thân và thẻ bảo hiểm y tế thì bệnh viện phải đảm nhiệm khâu này. Đây là một phần trong các hoạt động Bộ Y tế triển khai để giảm tải bệnh viện.

Chúng tôi siết việc thực hiện quy chế chuyên môn

Quy trình khám tối đa 2-4 giờ đưa ra là tiêu chuẩn cho các bệnh viện thực hiện. Có bệnh viện làm được ngay, có bệnh viện chưa làm được, nhưng vấn đề là đã đưa ra được tiêu chuẩn và có mục tiêu để các bệnh viện hướng tới.

Nếu nhìn ở một số bệnh viện tại Hà Nội, TP.HCM vừa qua chưa thấy tiến triển, vì Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương còn lại cuối cùng chưa thông qua và chưa áp dụng viện phí mới, trong khi những yêu cầu cải tiến là áp dụng với nhóm đã điều chỉnh viện phí, bắt buộc sử dụng 15% viện phí từ khâu khám bệnh và phí giường bệnh đầu tư trở lại cho cải tạo cơ sở vật chất, nơi đón tiếp bệnh nhân, có người hướng dẫn bệnh nhân…

Năm vừa qua đã có thêm trên 1.000 giường bệnh cho điều trị ung thư, tới đây Bệnh viện E, Bệnh viện Việt Đức cũng thành lập khoa ung bướu, các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An… có trung tâm hoặc khoa ung bướu. Trong quyết định về giảm tải bệnh viện, Chính phủ cũng đã giao UBND các tỉnh có cơ chế chính sách để hỗ trợ cán bộ y tế, cải thiện cơ sở vật chất, thiết bị tại bệnh viện đa khoa tỉnh, Bộ Y tế làm nhiệm vụ hỗ trợ chuyên môn qua đề án bệnh viện vệ tinh, có giải pháp đồng bộ mới giảm tải được.

Về lo ngại siết chuyển viện người bệnh không được đến khám ở nơi họ có nhu cầu, theo tôi có siết là siết thực hiện quy chế chuyên môn, bệnh nhân nặng, vượt quá khả năng của tuyến dưới thì phải chuyển. Cái lấn cấn là bệnh nhân ở giữa ranh giới cần chuyển tuyến vì tình trạng bệnh và nhu cầu người bệnh thì hiện nay đã siết bằng tài chính, bệnh nhân có bảo hiểm y tế chuyển tuyến không đúng chỉ định chỉ được chi trả 30% chi phí. Bây giờ cũng đang xem xét sửa quy định về bảo hiểm y tế, có thể là vượt tuyến không đúng chỉ định sẽ phải tự chi trả phí khám chữa bệnh.

Ông LƯƠNG NGỌC KHUÊ(cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh)

Bác sĩ ĐẶNG HUY QUỐC THỊNH(phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp