02/07/2016 08:42 GMT+7

​Rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp

THẢO NGUYÊN
THẢO NGUYÊN

Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu và rộng với khu vực và thế giới. Nếu như không có sự chuẩn bị và nâng cao năng lực sẽ có rất nhiều doanh nghiệp Việt bị đuối sức khi bơi ra biển lớn.

Sinh viên Trường ĐH Văn Hiến trao đổi với giảng viên trong thư viện của trường

Cơ hội và thách thức lớn đối với nguồn lao động Việt Nam là làn sóng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, lao động nước ngoài, thì liệu nguồn lao động nước nhà có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động đầy sôi động và cạnh tranh không? Lời giải bài toán này không chỉ là áp lực với các chủ doanh nghiệp mà cũng áp lực ngay với các trường trong việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội.

Chất lượng lao động còn thấp

Ông Trần Anh Tuấn - phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM dẫn nguồn từ dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025. Có 8 ngành nghề mà lao động có kỹ năng tay nghề cao được phép di chuyển  được trong 10 nước ASEAN thống nhất công nhận giá trị tương đương của chứng chỉ đào tạo của các nước thành viên là dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, kiến trúc, giám sát thi công, kế toán, bác sĩ, nha sĩ, du lịch.

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm...). Do vậy năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương (thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần).

Theo các chuyên gia nguồn nhân lực, lao động Việt Nam được đánh giá là khéo léo, thông minh, sáng tạo, tuy nhiên ý thức làm việc còn kém, dẫn đến năng suất và chất lượng lao động thấp hơn so với các nước khác. Thị trường lao động VN đang rơi vào tình cảnh “thừa lượng, thiếu chất”. Tồn tại trên là do nền giáo dục nước ta coi trọng thành tích, bằng cấp, chưa thật sự chú trọng đến đạo đức trong công việc và phát triển kỹ năng mềm, trong nhiều năm qua giáo dục nước ta chủ yếu tập trung cung cấp kiến thức lý thuyết hàn lâm, chưa chú trọng vào kỹ năng thực hành hay đào tạo về kỹ năng thiết yếu theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Kiến thức - kỹ năng và đạo đức

Thị trường lao động Việt Nam thời gian qua đã có nhiều thay đổi cả về lượng và chất, dẫu còn chậm. Môi trường làm việc hiện nay đã chứng minh thành tích học tập không phải là yếu tố hàng đầu để đo lường khả năng làm việc của một cá nhân. Kỹ năng làm việc của một lao động trong thế giới hiện đại cần được trang bị thêm nhiều năng lực mềm khác thiên về đạo đức hơn như tính kỷ luật, trách nhiệm, khả năng giao tiếp và làm việc nhóm …

Từ góc nhìn là nhà tuyển dụng, bà H.T – chủ doanh nghiệp truyền thông (quận 1, TP. HCM) cho biết: “phần lớn sinh viên mới ra trường khi vào doanh nghiệp phải mất khá nhiều thời gian để hòa nhập vào công việc. Chất lượng lao động qua đào tạo ĐH, CĐ còn yếu về năng lực thực tế, nhận thức tác phong làm việc. Nhiều nhân viên trẻ vẫn còn tư duy chụp giật, làm cho có, thiếu sự tập trung, tính kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp chưa cao. Do đó, doanh nghiệp luôn đặt tiêu chí đạo đức lên hàng đầu khi chấp nhận tuyển dụng một nhân sự. Chỉ cần lao động có nền tảng đạo đức tốt, vấn đề chuyên môn nghiệp vụ doanh nghiệp luôn sẵn sàng đầu tư bồi dưỡng và đào tạo sau”.

Trong khi đó, từ khía cạnh đơn vị đào tạo nhân lực, PSG-TS Nguyễn Minh Đức – Giám đốc Điều hành phụ trách Đào tạo Trường ĐH Văn Hiến chia sẻ: “Để có thể cung cấp nguồn nhân lực cao đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động trong và ngoài nước, nhiều năm qua, Trường ĐH Văn Hiến đã đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục, trường coi trọng tính ứng dụng, thực tế và đặt trọng tâm rất lớn vào phát triển từng cá nhân, tạo môi trường lý tưởng để sinh viên rèn luyện kiến thức, kỹ năng cũng như tính kỷ luật cần thiết. Đây là cách khắc phục những yếu điểm mà lao động Việt vấp phải”.

THẢO NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp