25/05/2011 07:40 GMT+7

Rước họa từ rượu bia

Binh Minh (minhnh@...)
Binh Minh (minhnh@...)

TT - Phản hồi cho bài viết “Người Việt tiêu thụ hàng tỉ lít bia/năm” trên Tuổi Trẻ 24-5, nhiều ý kiến lo lắng nhậu nhiều có phải là nguyên nhân của tai nạn giao thông tăng cao. Và đúng như vậy, các bệnh viện cho biết gần 50% tai nạn giao thông có sử dụng rượu bia.

XgzboVED.jpgPhóng to
Những cuộc nhậu quá đà là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông - Ảnh: N.C.T.
Video clip "Nào cùng dzô" - Nguồn: TVO

Đã qua cơn nguy kịch, nhưng ông Nguyễn Phúc Cảnh (64 tuổi, TP Phủ Lý, Hà Nam) vẫn không thể nhớ nổi vì sao mình bị tai nạn. “Lúc đó thấy đông người, đông xe, tôi đã cẩn thận dừng xe, chống chân ở sát lề đường bên phải. Không ngờ một phút sau chỉ kịp nghe tiếng rầm ngay cạnh mình, tôi ngã ra bất tỉnh và không còn hay biết gì nữa” - ông Cảnh kể.

Người gây tai họa cho ông Cảnh là một lái xe tải, vừa tròn 20 tuổi. Khi gây ra tai nạn, người lái xe thú nhận đã nhâm nhi vài “tợp” rượu vào bữa trưa, trước đó chừng 30 phút. Trước khi lao như điên vào ông già tội nghiệp đang đứng yên sát lề đường, người lái xe đã loạng choạng lấn sang đường ngược chiều, va vào xe khách, quá hoảng hốt lái xe quặt tay lái trở lại, hất tung ông Cảnh lên mấy mét.

“Cũng may bố tôi đã qua cơn hiểm nghèo. Sự sống đã giành lại, nhưng não có vấn đề và toàn thân bị liệt. Người lái xe không phải dân nghiện rượu, bố mất sớm, mẹ cũng bị liệt, chỉ ham vui uống chút rượu mà gây họa lớn. Gia đình tôi cũng không nỡ truy tố hay bắt đền gì nữa” - người con trai ông Cảnh chia sẻ.

Rước họa cho mình, cho người

Không say không về

Ở Cần Thơ về đêm, một số tuyến đường tràn ngập bàn nhậu. Thật ra tôi cũng không biết dân ở đâu rảnh rang đi nhậu suốt và đông đến vậy. Bia ở nước ngoài người ta xem như thức uống giải khát chứ không phải uống để say xỉn như ở ta.

Rượu bia uống quá độ lâu dài dẫn đến sức khỏe yếu, phát sinh nhiều bệnh tật như gan thận..., chưa kể rượu bia làm gia tăng tai nạn giao thông ở một nước văn hóa giao thông còn yếu như VN.

Ở nước ngoài chỉ cần có chút hơi men là người dân tự giác không đi xe, ở VN thì lại toàn “yêng hùng”.

Có lẽ người dân VN nên xem lại cách giải trí bằng nhậu nhẹt. Chúng ta đã quá lạm dụng nó, gì cũng nhậu, không phải nhâm nhi chút ít mà phải là “không say không về”...

Tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), nơi tiếp nhận chủ yếu bệnh nhân nặng do tai nạn giao thông ở khu vực phía Bắc, ngoài việc thực hiện xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân phục vụ việc điều trị, phòng xét nghiệm sinh hóa còn làm thêm nhiệm vụ xác định nồng độ cồn trong máu của những ca bệnh liên quan đến tai nạn giao thông.

Theo ông Trần Văn Chanh - điều dưỡng viên Bệnh viện Việt Đức, có đến gần một nửa trường hợp tai nạn giao thông nhập viện mỗi ngày có nguyên nhân liên quan đến rượu. “Phần lớn trường hợp tai nạn do rượu đều rất nặng. Họ điều khiển xe trong trạng thái không làm chủ được bản thân, vào viện hầu như không còn biết gì nữa...” - ông Chanh cho hay.

Uống rượu, nhiều người gây họa cho chính mình, thương tật vĩnh viễn rồi vẫn không tin tai nạn lại... dễ thế. Ngày 5-5, anh Trần Văn T. (32 tuổi, Nam Định) tự đâm vào cột điện sau khi uống rượu liên hoan cùng đồng nghiệp, chia tay cơ quan cũ, chuẩn bị chuyển chỗ làm mới.

Từ một trụ cột kinh tế của gia đình, nuôi mẹ già, vợ bệnh tật cùng hai con nhỏ, anh T. giờ bị chấn thương tủy sống, liệt nửa người, không thể tự phục vụ những sinh hoạt cá nhân. Ngày 12-5, anh Hứa Thanh T. (25 tuổi, Hà Nội) uống rượu rồi điều khiển xe máy, tự đâm vào... xe rác dừng bên vệ đường, chấn thương sọ não nặng, trên đường chuyển vào bệnh viện đã tử vong.

Trước đó đầu tháng 3, khi anh Nguyễn Mạnh D. đang điều khiển ôtô đúng phần đường ở khu vực Q.Cầu Giấy, Hà Nội thì nghe tiếng rầm đằng sau. Xuống xe, anh D. mới giật mình vì thấy người vừa đâm vào xe mình là một thanh niên say rượu bí tỉ. Người thanh niên này tử vong trên đường tới bệnh viện.

Theo các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Việt Đức, khi đã bị thần lưu linh đánh gục, hoàn cảnh bị tai nạn của nhiều người lắm khi kỳ lạ đến khó tin. Cột điện, xe rác, ôtô đang đỗ... những vật đã đứng bất động, dễ nhìn thấy nhưng những người say vẫn... hùng hổ lao vào.

1/5 người dân lạm dụng rượu bia

Điều tra gần nhất về tình hình sử dụng rượu bia ở VN do Viện Chiến lược và chính sách y tế thực hiện cho thấy tỉ lệ người dân có sử dụng rượu (ít nhất 1 lần/tuần) tại các địa bàn nghiên cứu là 33,5%.

Riêng trong nhóm nam giới, tỉ lệ này lên đến 64% và cao hơn hẳn so với điều tra tương tự ở 12 nước đang phát triển (50%). Tỉ lệ lạm dụng rượu (uống trên hai ly rượu loại 40 ml/ngày) là 18%, tỉ lệ lạm dụng bia là 5%. Trên 95% người có uống rượu sử dụng rượu nấu thủ công, họ uống 6,4 đơn vị rượu/ngày (mỗi đơn vị tương đương 10 gam rượu nguyên chất).

Một chuyên gia từng tham gia nghiên cứu này cho rằng điều đặc biệt ở VN là thời điểm uống rượu bia, không ít người có thể kề cà quán rượu quán bia từ buổi trưa, thậm chí từ buổi sáng và sau đó điềm nhiên đi khắp nơi làm việc, giao thiệp, tiếp xúc, gây khó chịu cho đồng nghiệp và đối tác.

“Sau bữa sáng và bữa trưa, nhiều trường hợp bị tai nạn ngay trên đường đi làm hoặc quay lại cơ quan vì say xỉn” - chuyên gia này cho hay.

Thống kê tại Bệnh viện Việt Đức hai năm qua cho thấy trong số gần 20.000 ca cấp cứu vì tai nạn giao thông mỗi năm, có đến gần một nửa đã sử dụng rượu bia trước đó. Số liệu điều tra mới nhất về 3.239 trường hợp bị tai nạn giao thông gần đây cho kết quả 1.375 bệnh nhân (chiếm 42,4%) có nồng độ cồn trong máu.

Điều đáng lo ngại, mỗi năm Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận gần 200 bệnh nhân là trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi say rượu gây tai nạn, khoảng 200 trường hợp là nữ giới cũng vì uống rượu đến mức say không biết gì gây tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là khi phần lớn các nước trên thế giới đã có chính sách quốc gia nhằm ngăn chặn lạm dụng bia rượu thì VN vẫn đang loay hoay xây dựng chính sách này. Các đề xuất từ năm 2006 của nhóm nghiên cứu tình trạng lạm dụng bia rượu ở VN, như cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, cấm quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị rượu bia... thì đến năm 2011 vẫn đang tiếp tục là... đề xuất.

Uống rượu bia vẫn tham gia giao thông:

Bắt tay xây dựng chính sách quốc gia về phòng chống tác hại bia rượu từ năm 2008, nhưng đến năm 2011 dự thảo lần 3 mới đang chuẩn bị lấy ý kiến. Bà Vũ Thị Minh Hạnh - phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, thành viên ban soạn thảo - nói với Tuổi Trẻ:

- Nội dung trọng tâm chính sách này là hướng tới ba nhóm giải pháp chủ yếu: giảm tác hại, giảm cầu và kiểm soát cung. Hiện đang còn một số ý kiến chưa thống nhất đối với một số biện pháp cụ thể, đặc biệt là với nhóm giảm cầu và nhóm giảm tác hại.

* Những điểm mới nhất trong chính sách này là gì, thưa bà?

Không nên uống quá 1 lon bia/ngày

Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo mỗi người không uống quá 2 đơn vị rượu/ngày, trong đó mỗi đơn vị rượu tương đương 10 gam rượu nguyên chất hoặc một lon bia nồng độ 5% hoặc một ly rượu vang 125 ml nồng độ 11%. Theo bà Hạnh, nếu nồng độ rượu 40%, mỗi người không nên uống quá hai ly (40 ml/ly)/ngày.

- Có hai điểm mới liên quan đến phòng ngừa tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia, gồm điều chỉnh, sửa đổi quy định về nồng độ cồn trong máu và khí thở của người tham gia điều khiển phương tiện giao thông đường sắt và đường thủy nội địa xuống bằng 0 (quy định hiện hành là 80ml/lít) giống như quy định đối với người tham gia điều khiển ôtô và các phương tiện cơ giới hiện nay. Đồng thời huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, nhóm tự quản giám sát, phát hiện, ngăn chặn các trường hợp sử dụng rượu bia tham gia điều khiển phương tiện giao thông.

Nếu chỉ trông chờ vào sự can thiệp của các cơ quan chuyên môn sẽ không kịp thời, không bao quát hết được mọi địa bàn.

* Vì sao đến nay mới bắt tay vào xây dựng chính sách quốc gia về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia?

- Không phải chờ đến bây giờ Việt Nam mới ban hành các chính sách về chuyện này. Vấn đề này từng được đề cập trong... 35 văn bản quy phạm pháp luật (6 luật, 11 nghị định của Chính phủ, 3 quyết định, 4 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ...).

Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật này thường bị giới hạn trong trách nhiệm cụ thể của từng bộ ngành, từng lĩnh vực... Vì vậy cần ban hành một chính sách quốc gia để xác định những định hướng chung, tạo nên sự đồng bộ trong các quy định của mọi lĩnh vực thuộc đời sống xã hội đối với phòng chống tác hại của lạm dụng bia rượu.

Chính sách quốc gia là bước khởi đầu, chuẩn bị cho việc xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật phòng chống tác hại lạm dụng bia rượu dự kiến sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Sự cần thiết của việc ban hành chính sách quốc gia cũng như Luật phòng chống tác hại lạm dụng bia rượu đã được Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khuyến cáo với Đảng, Quốc hội, Chính phủ... từ tháng 12-2002.

* Điều gì nguy hiểm nhất khi lạm dụng rượu bia và tham gia giao thông?

- Rượu bia là chất kích thích, khi dung nạp dù ít hay nhiều đều dẫn đến các rối loạn về tâm thần. Mức độ nhẹ làm ngưỡng cảm giác, cảm nhận giảm, phản ứng chậm, tư duy logic giảm sút, gặp khó khăn trong phán đoán tình hình... Mức trung bình làm bệnh nhân đãng trí, tri giác thiếu chính xác... Mức độ nặng gây ra trạng thái choáng váng, không làm chủ được hành vi.

Các mức độ rối loạn như trên đều ảnh hưởng đến khả năng điều khiển và làm chủ các phương tiện khi tham gia giao thông của người sử dụng rượu bia. Vì vậy để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh khi tham gia điều khiển các phương tiện giao thông, tuyệt đối không nên sử dụng rượu bia.

Binh Minh (minhnh@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp