25/05/2011 07:48 GMT+7

Rừng và sông đầu nguồn tan nát

Ông Phạm Hữu Khánh (điều phối viên dự án phát triển du lịch sinh thái vườn quốc gia Cát Tiên)
Ông Phạm Hữu Khánh (điều phối viên dự án phát triển du lịch sinh thái vườn quốc gia Cát Tiên)

TT - "Có một thực tế là hiện nay ở một số vùng, người dân không phá rừng thì không có tiền để tồn tại được. Do đó chúng ta cần quyết liệt triển khai các dự án để nâng cao đời sống cho người dân sống trong và gần các khu rừng”.

Ngày 23 và 24-5, tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) đã phối hợp cùng IUCN (tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam) đồng tổ chức hội thảo về quản lý tổng hợp rừng đầu nguồn và lưu vực sông.

6W3Km1TP.jpgPhóng to
Rừng nguyên sinh ở đông Trường Sơn đang bị “chảy máu” - Ảnh: TRẦN THẢO NHI
Video clip "Thiếu đất sản xuất, dân đốt rừng làm rẫy" - Nguồn: TVO

TS Vũ Ngọc Long, phó viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới, cho rằng rừng và sông suối đầu nguồn suy thoái không chỉ tác động bất lợi đến đa dạng sinh học, các chức năng sinh thái, điều kiện tự nhiên khác mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống, đặc biệt với cộng đồng đang sống ở những lưu vực sông và các khu rừng.

Trọc lóc rừng đầu nguồn

Rừng quốc gia Cát Tiên và Cát Lộc ôm trọn sông Đồng Nai. Chính hai cánh rừng này cung cấp một lượng nước rất lớn cho người dân vùng hạ lưu. Thế nhưng qua 15 năm nghiên cứu và theo dõi, TS Vũ Ngọc Long chua chát: “Hiện trạng trên những quả đồi rừng Cát Lộc đều bị bào trọc bởi người dân phá rừng khai thác gỗ, lấy đất trồng những loại cây công nghiệp”.

"Có một thực tế là hiện nay ở một số vùng, người dân không phá rừng thì không có tiền để tồn tại được"

328ha đất rừng Cát Lộc, vùng đệm của vườn quốc gia Cát Tiên, được giao cho dân địa phương quản lý, sau năm năm hiện chỉ còn khoảng 10-20ha. Nguyên nhân rừng Cát Lộc trọc lóc, theo TS Long, do chính quyền giao rừng cho dân nhưng lại không theo dõi và quản lý chặt.

Những con đường mở ra và người dân di cư từ các nơi đến đã nhanh chóng triệt phá những cánh rừng để khai thác gỗ, lấy đất trồng cây công nghiệp. Rừng Cát Lộc bị tàn phá sẽ làm “túi nước” trong khu vực vườn quốc gia Cát Tiên và các vùng phụ cận bị cạn kiệt, dẫn đến nguồn nước cung cấp cho sông Đồng Nai bị giảm rất lớn.

Thủy điện “uống” hết nước của dân

Theo TS Đào Trọng Tứ - giám đốc Trung tâm Thủy văn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (đại diện khoa học Viện Quản lý nước quốc tế - IWMI), việc phát triển ồ ạt các công trình thủy điện trong những năm qua đã và đang đặt tài nguyên nước nói riêng và hệ sinh thái của các vùng đầu nguồn, các sông suối Việt Nam vào tình trạng báo động về cạn kiệt và suy thoái khó hồi phục.

Hiện hệ thống sông ngòi Việt Nam đang phải gánh trên mình hơn 500 công trình thủy điện lớn nhỏ. Theo quy hoạch của Bộ Công thương, dự kiến có 1.021 công trình thủy điện được xây dựng trong thời gian tới. Ông Tứ lo lắng: “Các công trình thủy điện phần lớn có hồ chứa với dung tích từ vài triệu đến trên 10 tỉ m3 và có diện tích mặt hồ ngập nước từ vài chục đến hàng trăm ngàn hecta. Phần lớn các công trình thủy điện của ta chủ yếu làm nhiệm vụ sản xuất điện năng chứ ít khi tham gia phòng chống lũ cũng như hạn hán cho vùng hạ lưu”.

Sông Đồng Nai trước đây có tổng trữ lượng nước dưới đất 22 triệu m3/ngày. Nhưng từ khi xây các đập thủy điện, lượng nước đã giảm hẳn, tới mức tiệm cận dần với ngưỡng hạn chế về nguồn nước, đặc biệt thiếu nước trong mùa khô nhưng mùa mưa lại có lũ dữ và sạt lở ở hạ du. Ví dụ rõ nét nhất là thác Pongour, từng được người Pháp tôn vinh là dòng thác hùng vĩ nhất Đông Dương, cao 40m, rộng 100m, nước tuôn ào ạt xuống vách đá bảy tầng nhưng từ năm 2008 khi đập thủy điện Đại Ninh tích nước thì Pongour cạn khô, trở thành dòng thác chết.

Ông Tứ cũng quan ngại việc Trung Quốc dự kiến xây dựng 15 bậc thang thủy điện với tổng công suất lắp máy lên đến 22.860 MW, tổng dung tích chứa 52,81 tỉ m3 nước ngay nơi đầu nguồn trên dòng chính sông Mekong. “Sông Mekong phần lãnh thổ Trung Quốc sẽ được khai thác triệt để cho mục đích phát điện. Gần như toàn bộ phần sông Mekong ở Trung Quốc sẽ biến thành các vùng hồ. Sinh thái và cảnh quan sông hầu như sẽ không còn” - ông Tứ cảnh báo.

Suy giảm cả về số lượng và chất lượng

“Chưa bao giờ tài nguyên nước lại trở thành trăn trở và cần thiết như hiện nay” - GS.TSKH Dương Ngọc Hải, phó chủ tịch Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, nói và nêu ví dụ cụ thể: tài nguyên nước mặt ở hạ du các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên những lưu vực sông chính ở nước ta như sông Hồng, Đồng Nai, sông Ba, Vu Gia - Thu Bồn... thấp hơn trung bình hằng năm từ 15-40%.

Riêng các sông ở Nam Trung bộ như Bình Định, Bình Thuận hiện nay lượng dòng chảy thấp hơn trung bình hằng năm đến 55-80%. Sông Hồng, sông Thao có những thời kỳ dài trơ đáy, nguồn nước còn lại quá nhỏ. Ông Hải nêu thực tế: “Rừng đầu nguồn hiện đang bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng đã dẫn đến không còn khả năng giữ nước và sinh thủy nữa”.

Ngoài Trung Quốc, cũng trên dòng chính sông Mekong, Lào và Thái Lan có dự án xây dựng khoảng 12 bậc thang để làm đập thủy điện. Những thủy điện trên dòng Mekong sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây nguyên và vùng ĐBSCL. Theo nghiên cứu mới đây của Ủy ban Thế giới về đập, khoảng 80 triệu người trên lưu vực sông Mekong đã và sẽ phải di dời để dành đất cho các đập thủy điện.

TS Per Stalnacke - trưởng nhóm Những vấn đề xã hội của Bioforst (Viện Nghiên cứu nông nghiệp và môi trường Na Uy), sau một thời gian nghiên cứu dòng sông Sê San và Sêrêpok đã đi đến kết luận: khi các đập thủy điện được xây dựng, tài nguyên nước trên cả hai dòng sông này có sự thay đổi theo hướng tiêu cực rất lớn so với năm 1998.

“Nguồn thủy sản, chất lượng nước, khối lượng nước... đã giảm rất lớn so với trước. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân lưu vực hai dòng sông. Bệnh tật xuất hiện nhiều và việc người dân gặp rất nhiều khó khăn trong canh tác nông nghiệp cũng đã xảy ra” - TS Per Stalnacke nói.

GS Bert Covert, Trường ĐH Colorado (Mỹ), cho rằng việc xây dựng đập thủy điện trên đầu nguồn các dòng sông trong thời gian qua chưa tính đúng, tính đủ đến lợi ích của các bên. “Việc xây dựng các đập thủy điện, khai thác tài nguyên nước của các dòng sông phải tính toán đến yếu tố môi trường, phát triển kinh tế và hai lợi ích đấy phải được cân bằng”.

Làm sao lấy lại “sức khỏe” cho dòng sông?

Theo các nhà khoa học, những điều cần làm trước tiên như: nhanh chóng giảm và cho dừng một số thủy điện trên sông đầu nguồn; nâng cao nhận thức và đời sống cho người dân đầu nguồn; cần có ngay bộ khung pháp lý để quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên theo liên kết giữa các tỉnh thành, vùng trong nước và giữa quốc gia này với quốc gia khác...

Tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM, ông Graeme Swift đặt câu hỏi: Làm thế nào để nâng mức sống, kế sinh nhai cho người dân địa phương nhằm hạn chế việc phá rừng của người dân? Trả lời vấn đề này, ông Phạm Hữu Khánh - điều phối viên dự án phát triển du lịch sinh thái vườn quốc gia Cát Tiên - nói: “Có một thực tế là hiện nay ở một số vùng, người dân không phá rừng thì không có tiền để tồn tại được. Do đó chúng ta cần quyết liệt triển khai các dự án để nâng cao đời sống cho người dân sống trong và gần các khu rừng”.

GS Bert Covert cho rằng cần xác định trách nhiệm của các bên liên quan để có thể đưa ra hướng chung nhằm bảo vệ tài nguyên rừng và sông đầu nguồn. Ông kiến nghị: “Chính phủ Việt Nam cần được tư vấn mạnh mẽ để ngăn chặn hoặc giảm thiểu việc xây dựng đập thủy điện, không chuyển rừng nghèo sang trồng cao su. Các tổ chức nhà nước cần hợp tác và quản lý tốt ngành thủy điện. Quản lý rừng và lưu vực cũng cần có sự liên kết giữa các tỉnh, các vùng và các quốc gia với nhau”.

Ông Phạm Hữu Khánh (điều phối viên dự án phát triển du lịch sinh thái vườn quốc gia Cát Tiên)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp