Những ngày hè nóng nực, vợ chồng ông Hồ Văn Gieng (78 tuổi, trú xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đón nhiều người đến thăm, hóng mát ở rừng trắc và nghe ông kể chuyện trồng cánh rừng này.
"Nếu bố ở gần đó, bố giữ cả đồi rồi"
Ông Gieng có nguồn gốc từ Lào, sinh ra và lớn lên giữa rừng Trường Sơn hùng vĩ. Năm 1963, ông đi bộ đội thuộc Tỉnh đội Quảng Trị, chiến đấu ở miền tây Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đến năm 1975 thì phục viên.
Năm 2000, trong một chuyến tham quan tại xã Hướng Lộc (huyện Hướng Hóa), ông Gieng thấy vùng đồi này có nhiều cây trắc cổ thụ nhưng người dân bản địa không biết giá trị của cây này. "Họ chặt hết cây to để làm rẫy. Bố tiếc lắm. Nếu nhà bố gần đó thì bố đã giữ gìn, không cho họ phá đi. Ông bà kể lại trắc là loài gỗ tốt nhất, phải rất lâu năm mới có được cây trắc to", ông Gieng nhớ lại.
Sau đó ông Gieng cùng con trai đi xe máy qua ngọn đồi kia, tìm cây con nhổ về trồng. "Cây chỉ to bằng ngón tay, cao 30cm. Bố hỏi bà con còn nhiều cây không, họ hỏi để làm gì. Bố chỉ cười nói mang về trồng nên họ chỉ cho. Mừng lắm vì tìm được cây con", ông Gieng kể. Bấy giờ mùa mưa, đường đồi trơn trượt, sình lầy vất vả không kể xiết.
Đi một ngày được bao tải to thì hai cha con trở về, phát dọn mảnh đất gần nhà rồi trồng dần dần. Mảnh đất lúc ấy chỉ toàn tre trúc, cây bụi. Ông Gieng đi lấy cây trắc con thêm hai chuyến nữa, trồng được khoảnh rừng trắc khoảng 1ha.
Trồng để con cháu hưởng bóng mát
Ông Gieng cho hay trắc là cây rừng nhưng hợp khí hậu, thổ nhưỡng vùng này nên dễ sống, ít chết, không phải chăm sóc gì. "Đất mà có đá bên dưới thì cây dễ sống. Khi gặp lũ lụt cây bị ngã, xong chặt bỏ cành cây, chống lại nó vẫn sống.
Đến nay rừng trắc ông Gieng lên xanh tốt cả một vùng. Cây to nhất gần bằng một người ôm, cao hàng chục mét.
Đến năm thứ 6 - 7, các cây trắc có hạt rồi rụng xuống, lên cây con. "Tháng 1 cây rụng hạt, tháng 3 - 4 lên cây, đến mùa mưa thì nhổ trồng nơi khác. Bà con xin cây con ngang ngực về trồng. Người dân xin thì bố cho chứ không bán, quanh vùng đến xin cây con rất nhiều", ông Gieng kể.
Cứ đến mùa mưa, chị Hồ Thị Môn (thôn Trùm, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa) lại qua vườn trắc ông Gieng xin cây giống về trồng. "Mình xin cây 3 năm nay rồi, mỗi năm xin một bó về trồng quanh rẫy cà phê, vừa có bóng mát, vừa có gỗ quý", chị Môn cho hay.
Nhiều người biết ông có rừng trắc quý, vào ngã giá mua nhưng ông nhất quyết không bán dù với bất cứ giá nào. "Bố trồng để con cháu hưởng bóng mát. Bố chết thì cánh rừng này cho 2 con trai. Cho các con, chúng nó mừng, xem đây là cây quý, giữ gìn là bố vui rồi", ông Gieng nói.
Ngoài rừng trắc, ông Gieng còn giữ gìn được hàng chục cây hương cổ thụ, gốc to bằng một người ôm ở quanh nhà. Những cây gỗ hương cao 30 - 40m, tỏa bóng mát giúp ngôi nhà sàn của hai vợ chồng luôn mát mẻ. Đây là những cây gỗ hương còn sót lại rừng già năm xưa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận