Rụng tóc với số lượng tóc rụng ngày càng nhiều, thậm chí mất tóc hoàn toàn, phải làm sao?
Bật khóc, than bác sĩ vì tóc rụng quá nhiều
Dù thay đổi dầu gội, xịt thêm tinh dầu bưởi sau gội nhưng mái tóc của sinh viên L.T.T. (21 tuổi, ngụ TP.HCM) vẫn bết và rụng nhiều. T. cho hay tình trạng này kéo dài khoảng một tháng, trùng thời điểm T. thường xuyên thức khuya, dậy sớm, căng thẳng chuyện học tập và gia đình.
Nghe ai chỉ dầu gội gì chữa rụng tóc được, T. cũng mua về sử dụng nhưng không những không cải thiện mà còn khiến tóc rụng nhiều hơn. Điều này khiến T. càng căng thẳng, có lúc bật khóc vì tóc rụng quá nhiều, đặc biệt lúc gội đầu.
T. đã tìm đến bác sĩ da liễu thăm khám được hai tuần. Ngoài kê đơn thuốc, sản phẩm dầu gội thích hợp, bác sĩ còn tư vấn T. hạn chế stress, căng thẳng vì đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tóc rụng.
Bác sĩ CKII Lư Huỳnh Thanh Thảo - phó trưởng khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, các bác sĩ vẫn thường gặp những bệnh nhân đến khám với lời than: "Bác sĩ ơi, thời gian gần đây tôi bị rụng tóc nhiều quá!".
Có những cô gái thật sự lo sợ khi sau một buổi gội đầu hoặc một lần chải đầu đã "vơ" được cả một nắm tóc, tình trạng này kéo dài làm tóc ngày càng thưa thớt.
Còn có những người phụ nữ bỗng phát hiện ra trên đầu mình có một mảng trống, không còn sợi tóc nào trên mảng da đầu ấy. Thậm chí có cả những trường hợp mất hoàn toàn tóc trên da đầu, cũng như vùng lông mi, lông mày... Những người này đều rất hoang mang nên tìm đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám.
Về nguyên nhân gây ra tình trạng rụng tóc, bác sĩ Thảo cho biết có rất nhiều nguyên nhân. Tùy vào từng nguyên nhân gây rụng tóc, các bác sĩ sẽ có những cách điều trị rất khác nhau. Có những trường hợp chỉ bị rụng tóc đơn thuần chưa phải là bệnh lý, có những trường hợp rụng tóc bệnh lý và cũng có những trường hợp bị rụng tóc là do mắc một bệnh lý khác.
Cần gặp bác sĩ khi rụng hơn 100 sợi tóc/ngày
Theo bác sĩ Thảo, nếu một người chỉ bị rụng 50-100 sợi tóc mỗi ngày thì chưa bị bệnh lý. Nhưng khi rụng hơn 100 sợi mỗi ngày, rụng kéo dài thì được coi là có bệnh lý và cần được bác sĩ thăm khám.
Rụng tóc được chia thành hai loại là rụng tóc có sẹo và rụng tóc không sẹo. Rụng tóc có sẹo thường phá hủy vĩnh viễn nang tóc, làm mất khả năng mọc lại của tóc, trong khi rụng tóc không sẹo thì nang tóc không bị phá hủy nên có thể mọc lại sau khi rụng. Cả hai loại rụng tóc đều có thể khu trú hay lan tỏa.
Những nguyên nhân gây ra tình trạng rụng tóc không sẹo thường là do nội tiết tố hoặc do các rối loạn về nội tiết hay bệnh lý toàn thân hệ thống.
Rụng tóc không sẹo còn có thể do tật nhổ tóc hoặc do mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai…
Đối với trường hợp rụng tóc có sẹo sẽ có những tổn thương tại vùng da đầu, ví dụ như có những vi khuẩn, nhiễm nấm, vi rút... hoặc những tổn thương do những tác động vật lý như phỏng, chấn thương gây mất đi vùng nang lông của vùng da đầu.
Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên nhân khác gây ra tình trạng rụng tóc. "Cuộc sống căng thẳng, stress nhiều, những sang chấn về tâm lý hoặc là sau một tổn thương về sức khỏe, sau khi nhiễm vi rút hoặc bị nhiễm khuẩn, sau một cơn bạo bệnh cũng có thể gây ra tình trạng rụng tóc rất nhiều", bác sĩ Thảo cho hay.
Riêng về mối liên quan giữa tâm lý và rụng tóc, ThS Trần Quang Trọng - khoa tâm lý lâm sàng Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) - cho hay khi tình trạng rụng tóc kéo dài sẽ dẫn đến lo lắng, lo âu và tóc càng tiếp tục rụng nhiều hơn khi lo lắng này không được giải quyết.
Nghiên cứu về các vấn đề tâm lý liên quan đến rụng tóc còn hạn chế. Có nhiều chứng cứ xác nhận rằng rụng tóc gây tổn hại về mặt tâm lý, gây ra cảm xúc đau khổ và thường dẫn đến các vấn đề cá nhân, xã hội và liên quan đến công việc. Những người bị rụng tóc nặng thường có nhiều những trải nghiệm đau khổ về tâm lý hơn khi bị coi là không phù hợp với các tiêu chuẩn về ngoại hình.
Ngăn rụng tóc ra sao?
Để phòng ngừa rụng tóc, các bác sĩ khuyến cáo cần hạn chế tần suất tạo kiểu tóc như uốn, duỗi, nhuộm vì các sản phẩm tạo kiểu và tác động nhiệt có khả năng tiếp xúc da đầu, gây kích ứng và viêm vùng da đầu. Ngoài ra, cần thay đổi thói quen buộc tóc quá chặt hoặc búi tóc... có thể gây rụng tóc.
Còn những người đã bị rụng tóc nên đến bác sĩ da liễu khám để được đánh giá tình trạng rụng tóc, xem có bệnh lý hay không và ở mức độ nào. Từ đó có những phương pháp điều trị thích hợp, kịp thời ngăn chặn rụng tóc và kích thích mọc tóc lại.
Với những trường hợp chưa rụng tóc nhưng có mong muốn tóc đẹp hơn thì cần phải bổ sung những dưỡng chất để tóc khỏe như những nguyên tố vi lượng, vitamin B, vitamin C hoặc có thể sử dụng thêm canxi, kẽm, axit folic… Chọn những sản phẩm chăm sóc tóc phù hợp, tránh bị kích ứng tổn thương da đầu.
Bên cạnh đó cần có lối sống khoa học, hạn chế căng thẳng, stress, tăng cường bài tập thể lực, hạn chế tối đa rượu bia.
Chọn dầu gội, sản phẩm điều trị phải phù hợp da đầu
Bác sĩ Lư Huỳnh Thanh Thảo khuyến cáo khi chọn lựa những sản phẩm điều trị da đầu hoặc gội đầu cần phải quan tâm đến loại da đầu của mình là loại gì để chọn lựa sản phẩm phù hợp.
Ví dụ da đầu có tính nhạy cảm nhiều cần chọn sản phẩm không có chất tẩy rửa quá mạnh, tránh tình trạng kích thích da đầu. Còn nếu da đầu dễ bị gàu, dễ bết tóc thì sản phẩm gội cần phải có những chất làm giảm tiết dầu, để cân bằng lại tình trạng bã nhờn của da đầu, tránh bị bết tóc vì bết tóc có thể gây ra rụng tóc nhiều hơn. Hoặc nếu như da đầu quá khô thì không nên chọn những sản phẩm có tính chất làm khô da đầu quá nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận