Cổ ngàn này đã được người dân nâng niu, bảo vệ nghiêm ngặt. Và dù có trải qua bao dâu bể lịch sử, lá phổi xanh vẫn vẹn nguyên tới nay.
Lá phổi xanh trong phố
Nằm bên đường Nguyễn Tất Thành nối dài và gần như lọt thỏm giữa những khu đô thị, những cung đường nhựa là một màu xanh mát. Đó là cánh rừng tuyệt đẹp Trung Sơn (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).
Làng Trung Sơn hiện chỉ còn dăm nhà dân bởi đa phần đã được giải tỏa, tái định cư gần đó. Cách đường nhựa chỉ dăm bước chân, vào Trung Sơn là một thế giới khác hẳn, không khí trong lành, mát mẻ.
Thấy có khách, ông Hà Thúc Hải (67 tuổi, người làng Trung Sơn) vui vẻ dẫn đi giới thiệu cánh rừng và những di tích đặc biệt của làng. Sinh ra, lớn lên ở đất Trung Sơn và là người chăm lo hương khói cho đình làng, ông Hải tường tận từng gốc cây, ngọn cỏ. Ngay trước đình làng là hai cây cổ thụ tỏa rợp bóng mát mà ông Hải cũng chẳng biết đã có từ khi nào.
Ông dẫn chúng tôi ra phía sau đình, giới thiệu một cây cổ thụ khác phải đến mấy người ôm không xuể. "Chú biết không, những cây này rễ mọc dài đến cả trăm mét, có độ người dân đào móng nhà còn đụng nữa", người giữ đình cho hay.
Ông Hải tiếp tục len lỏi qua đồi cát trắng nằm yên bình dưới tán rừng xanh mát. "Tất cả đều là nhờ sự chung tay bảo vệ của dân làng", ông Hải tự hào. Truyền thống giữ cây, giữ làng đã ăn sâu vào bao thế hệ dân làng Trung Sơn.
Ngồi bên hiên nhà, cụ Lê Thị Nhân (82 tuổi) bảo rằng cũng chẳng nhớ là bao năm, bao đời nhưng khi lớn lên đã thấy có rừng cây, đình làng, âm linh, miếu bà...
"Hồi kháng chiến, giặc đòi vô cày phá rừng nhưng dân làng đấu tranh dữ lắm. Còn rừng, còn nước, còn làng. Bà con không cho ai đụng vô" - cụ Nhân nheo mắt nhìn ra cánh rừng, kể chuyện.
Ông Võ Chí Thanh (67 tuổi) - nguyên trưởng thôn Trung Sơn - ngân nga câu ca dao "Còn da lông mọc, còn chồi cây lên", rồi ông tiếp lời từ thuở xưa đến nay làng đã có hương ước, tuyệt đối cấm chặt phá rừng.
Luôn hướng về làng
Ông Võ Chí Thanh tâm sự thêm Trung Sơn độc đáo vô cùng. Dù là đồi cát trắng nhưng cây rừng nơi đây quanh năm tươi tốt. Mà đâu chỉ có vậy, trước đây khi chưa có nước máy thì nguồn nước uống ở đây phục vụ tận ba làng. "Nước được lọc qua cát nên trong trẻo và ngọt lịm", ông Thanh tự hào nói.
Rừng Trung Sơn nào chỉ có những cây cổ thụ mà còn có những cây thuốc nam và dân làng khi cần chỉ cần vài bước chân là có. Thiên nhiên ban tặng cho làng không chỉ rừng cây mà phía dưới là cát trắng. Và tất nhiên, với tài nguyên này cũng có kẻ dòm ngó.
Ông Thanh nhớ lại từng có người muốn tới làng lấy múc cát trắng đi. "Nhưng dân làng sao chấp nhận được. Khai thác cát thì rừng cây, di tích cũng không còn. Chúng tôi kiên quyết đấu tranh...", ông cho hay.
Cùng với người dân, những cán bộ tâm huyết của ngành văn hóa ở Đà Nẵng và chính quyền địa phương cũng đề nghị phải giữ nguyên trạng các công trình thiết chế văn hóa tại Trung Sơn để lập hồ sơ xếp hạng di tích...
Những cư dân của làng di dời, giải tỏa (còn một số hộ chưa đi) để phục vụ việc tôn tạo cụm di tích rừng Trung Sơn nhưng ông Thanh và dân làng vẫn chắc nịch: "Rừng còn, di tích còn, cát trắng còn thì hồn cốt của làng còn đây. Chúng tôi vẫn giám sát, bảo vệ làng. Đây là một lá phổi xanh không chỉ của làng mà của cả thành phố này".
Cánh rừng độc đáo
Là người gắn bó với cụm di tích rừng Trung Sơn nhiều năm qua và luôn thổn thức với vùng đất này, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng - chia sẻ hồ sơ lý lịch khoa học bảo tàng đã làm xong.
Huyện đang triển khai đề án hạ tầng, bố trí chỗ ở ổn định cho một số hộ dân còn ở trong làng. Sau khi ổn định sẽ trình hồ sơ công nhận di tích, đồng thời tiến hành trùng tu.
"Rừng Trung Sơn quá đẹp, nằm ngay trong lòng TP, mang nhiều ý nghĩa rất giá trị về lịch sử, văn hóa, sinh thái..." - ông Thiện hào hứng nói thêm đã cùng các cộng sự dày công tìm tòi, nghiên cứu những giá trị của cụm di tích rừng Trung Sơn.
Theo ông Thiện, vùng đất Trung Sơn có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Tài sản quý giá nhất mà dân làng gìn giữ, bảo vệ qua bao đời nay đó là cụm di tích rừng Trung Sơn.
Cánh rừng này có nhiều loại cây lâu năm được xếp vào loại gỗ quý hiếm như cây dẻ, chùm bù, sơn ta, lò to, sim, xước... Là khu rừng rậm rạp nên có nhiều loài chim chóc về đây trú ngụ. Một đặc sản khổng lồ mà thiên nhiên ban tặng nữa là khối cát trắng vô giá trải qua hàng ngàn năm được nắng mưa gội rửa.
Ngoài ra, rừng Trung Sơn còn che chắn gió bão cho thôn Trung Sơn và một số làng lân cận. Vào năm 1915, gió bão lớn đánh sập nhà dân của các thôn gần đó, có người chết, mất nhà cửa nhưng riêng thôn Trung Sơn, thôn Vân Dương an toàn. Đó là nhờ rừng cấm Trung Sơn che chắn.
Rừng Trung Sơn còn là nơi có mạch nguồn nước ngọt dồi dào cho bà con nơi đây thụ hưởng. Những năm hạn hán kéo dài, nơi đâu cũng cạn kiệt nguồn nước nhưng các giếng cổ ở rừng Trung Sơn không bao giờ cạn...
Kể từ khi lập làng, nhân dân thôn Trung Sơn đã gắn bó với khu rừng nguyên sinh này đến nay gần 400 năm. Rừng Trung Sơn đã trở thành rừng thiêng, đã nuôi dưỡng, che chở, bảo vệ người dân trong cuộc sống đời thường và qua hai cuộc kháng chiến.
Cũng vì lý do đó mà các bậc tiền nhân đã lấy tên rừng đặt cho tên làng. "Theo người dân, chữ Trung trong tên gọi thôn Trung Sơn ngoài nghĩa chỉ một thôn ở giữa núi rừng, còn có nghĩa chỉ sự trung thành và ý chí kiên trung của bao thế hệ người dân ở đây, kể cả trong chiến tranh và trong thời bình để bảo vệ mảnh đất tiền nhân đã gây dựng...", ông Thiện tự hào tâm sự.
Cũng theo ông Thiện, hiện rừng Trung Sơn và các di tích nằm trong khuôn viên rừng được người dân bảo vệ, gìn giữ nguyên vẹn từ lúc lập làng (1670) đến nay, như đình làng, miếu âm linh, miếu Bà Ngũ Hành, Nghĩa trủng, nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, giếng cổ.
Ông Nguyễn Thúc Dũng - phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang - cũng nói rằng đối với dự án cụm di tích rừng Trung Sơn, hiện địa phương đang tiến hành công tác giải tỏa, đền bù cùng với đó là phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng để lập hồ sơ lý lịch di tích. Tiến hành tôn tạo di tích, cảnh quan, không làm thay đổi hiện trạng và giữ nguyên các thiết chế văn hóa, di tích...
"Trung Sơn mang những giá trị về lịch sử, tự nhiên rất độc đáo", ông Dũng nói.
Rừng thiêng và những điều cấm
Theo ông Thiện, rừng Trung Sơn được coi là "rừng cấm" và dân làng bao đời nay có một quy định bất thành văn chặt chẽ, rõ ràng:
Thứ nhất, cấm không ai được chặt cây, đốn củi ở rừng (chỉ được lấy cây khô, hốt lá rụng).
Thứ hai, không ai được lấy cát trắng để làm nhà.
Thứ ba, chết không được chôn trong rừng Trung Sơn.
Có những thời điểm đời sống còn khó khăn, thiếu chất đốt nhưng mặc nhiên không một ai chặt cây rừng về làm củi, không một ai lấy cát ở rừng về xây nhà...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận