Năm 2019 chứng kiến số vụ cháy rừng kỷ lục ở Amazon và phát sinh lượng lớn khí CO2 vào khí quyển - Ảnh: GETTY IMAGES
Theo FOX News, nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học châu Âu và châu Phi do Đại học Leeds (Anh) đứng đầu đã khảo sát nhiều khu rừng nhiệt đới nguyên sinh chưa chịu nhiều tác động của con người.
Khi khảo sát hơn 300.000 cây trong hơn 30 năm qua ở 565 khu rừng ở Amazon và châu Phi, nhóm dùng đinh nhôm gắn thẻ cho từng cây cá biệt, rồi đo đường kính và ước tính chiều cao của mỗi cây. Sau vài năm, nhóm lặp lại quy trình và tính toán lượng cacbon lưu trữ trong từng cây.
Kết quả, các nhà khoa học ghi nhận lượng cacbon những khu rừng này hấp thụ thấp hơn gần 3 lần so với lượng ghi nhận những năm 1990.
Nghiêm trọng hơn, nhóm vạch ra kịch bản trong thời gian tới và cho thấy những cánh rừng này có nguy cơ mất đi khả năng hấp thụ CO2 vào năm 2035.
Thậm chí Amazon có thể từ "lá phổi xanh" biến thành nguồn phát sinh cacbon từ những năm 2060 nếu nạn cháy rừng, phá rừng vẫn không được kiểm soát.
Cánh rừng nhiệt đới khu vực bồn địa Congo - Ảnh: GETTY IMAGES
Nhiều địa điểm thuộc châu Phi cũng trong tình trạng tương tự. Chẳng hạn, khu vực lưu vực bồn địa Congo thuộc miền Trung châu Phi có dấu hiệu suy giảm hấp thụ cacbon từ đầu năm 2010.
Nhóm nghiên cứu cho rằng trong 10 năm nữa, rừng rậm châu Phi sẽ hấp thụ CO2 ít hơn 14% so với 10-15 năm trước.
"Các cánh rừng nhiệt đới sẽ làm nghiêm trọng thêm vấn đề biến đổi khí hậu" - ông Simon Lewis, nhà sinh thái học tại Đại học Leeds, cho biết.
Con số 10-15 năm mà nhóm đưa ra là sớm hơn rất nhiều so với những số liệu của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) và một số tổ chức chính phủ, cho rằng còn nhiều thế kỷ nữa rừng mưa nhiệt đới khu vực bồn địa Congo mới mất đi khả năng hấp thụ CO2.
Nguyên nhân chủ yếu do tác động của các hiện tượng cực đoan như hạn hán ở châu Phi, nhiệt độ tăng cao và nạn chặt phá rừng khu vực Amazon.
Nạn phá rừng nghiêm trọng ở Brazil làm ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái Amazon - Ảnh: GETTY IMAGES
"Chúng tôi thấy rằng những gì đáng quan ngại nhất của biến đổi khí hậu đã bắt đầu. Đây là thập niên của những hiện tượng cực đoan trên toàn thế giới" - ông Lewis nói.
Hiện tại, nhiều hi vọng được đặt vào các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hiệp Quốc sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay, trong đó dự kiến nhiều quốc gia sẽ đưa ra kế hoạch cân bằng năng lượng trước năm 2050.
Những quốc gia có tiềm lực như Mỹ, hay nhiều tập đoàn lớn, cũng có kế hoạch giảm lượng khí thải thông qua việc tăng cường công tác bảo tồn, tái trồng hoặc trồng mới rừng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận