15/02/2014 16:25 GMT+7

Rừng bị phá nát, GĐ khu bảo tồn xin nhận "cảnh cáo"

NGUYỄN NAM
NGUYỄN NAM

TTO - Kiểm điểm trách nhiệm liên quan vụ việc hơn 2.000ha rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông bị phá nát, nguyên giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn nhận khuyết điểm là chưa kiên quyết, xin nhận "cảnh cáo".

nJmahc6e.jpgPhóng to
Một khu vực rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông - Bình Thuận. Ảnh tư liệu

Ngày 15-2, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết ông Trần Minh Tuấn, chuyên viên của Phòng NN&PTNT huyện Tánh Linh (Bình Thuận), nguyên là giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, xin nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo do liên quan đến việc để xảy ra phá rừng tại khu bảo tồn.

Ông Trần Minh Tuấn nhìn nhận việc chấn chỉnh xử lý viên chức các trạm quản lý bảo vệ rừng trong khi thi hành nhiệm vụ có lúc chưa kiên quyết, dẫn đến tình hình phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Ngoài trách nhiệm của ông Trần Minh Tuấn ra, UBND huyện Tánh Linh (Bình Thuận) cũng đã tiến hành kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân khác để xảy ra vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông.

Theo đó, tập thể UBND các xã La Ngâu, Đức Bình, Đức Thuận, Gia Huynh, Suối Kiết đồng loạt xin nhận hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm. Về trách nhiệm cá nhân, lãnh đạo các xã trên đều nhận hình thức kiểm điểm từ rút kinh nghiệm cho đến khiển trách.

Đối với tập thể và trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tánh Linh cũng xin nhận kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Tập thể UBND huyện Tánh Linh và các lãnh đạo huyện có liên quan đều xin nhận kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Trước đó, qua kiểm tra lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận phát hiện có đến 2.218,73ha rừng bị tàn phá hoặc lấn chiếm trái phép tại Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, xảy ra chủ yếu từ tháng 6-2011 trở về trước. Đặc biệt tại các tiểu khu 343, 357, 360 rừng đã bị phá gần như toàn bộ vào những năm 2007 trở về trước và được chuyển sang rừng sản xuất. Đối tượng vi phạm hoặc hiện đang sử dụng diện tích rừng trái phép hầu như... không xác minh được.

Thậm chí một số diện tích rừng khác bị sang nhượng lại cũng không xác minh, làm rõ được đối tượng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là vai trò, trách nhiệm của giám đốc khu bảo tồn, các trưởng trạm bảo vệ rừng còn buông lỏng, bộc lộ nhiều yếu kém. Hiện trạng phá rừng trên kéo dài nhưng không tích cực ngăn chặn hay báo cáo về cấp trên phối hợp giải quyết.

Một số cán bộ, công chức từ chính quyền địa phương các cấp đến cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng, công chức kiểm lâm đang sinh sống trên địa bàn ít nhiều còn ngại va chạm, sợ trả thù và bị đe dọa đến lợi ích của gia đình, bản thân nên đôi khi buông lỏng hoặc làm ngơ trước thực trạng diễn ra.

NGUYỄN NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp