Các học viên VietJet Air học môn an toàn bay - Ảnh: Phạm Diệp |
Chuyến bay SQ424 đã bất ngờ gặp phải nhiễu động mạnh khi đang hạ cánh. Nhiều người bị đập đầu vào thành ghế bật cả máu.
Với các tiếp viên hàng không (TVHK) của Việt Nam, đó không phải là chuyện lạ.
Khi bay xuyên vùng nhiễu động
Một câu chuyện đau lòng khác, diễn ra ở phía Bắc, làm kinh hoàng giới TVHK suốt thời gian dài. Đó là chuyện một nữ TVHK của Vietnam Airlines đã gắn bó với nghề hơn 10 năm, trong một buổi sáng sớm đi làm không may bị cướp chặt cả tay để cướp xe. Sau tai nạn kinh hoàng ấy, bàn tay nữ TVHK tội nghiệp ấy bị thương tật vĩnh viễn, không thể duỗi thẳng như trước. Cổ tay sẹo chằng chịt. Cô buộc phải dừng nghề bay và được sắp xếp làm công việc lễ tân. |
Thu Hà (38 tuổi, tiếp viên trưởng Vietnam Airlines) vẫn không quên tình huống trong chuyến bay từ Tân Sơn Nhất đi Melbourne (Úc), thời gian bay 8 tiếng đồng hồ. Đó là chuyến bay Boeing 777 chở hơn 200 khách.
Khi đang phục vụ suất ăn lần hai, còn hơn 30 phút nữa sẽ hạ cánh thì máy bay bất ngờ bị đi vào vùng không khí loãng.
Chiếc Boeing xóc mạnh, hẫng xuống. Chăn, màn, thức ăn, nước uống... bị văng đổ. Tiếp viên phó bị đập đầu vào xe phục vụ đồ ăn.
Thu Hà bị xây xước tay chân. Vậy nhưng việc đầu tiên là tổ tiếp viên phải đi kiểm tra hết tất cả hành khách, hỏi thăm xem có ai bị sao không, có ai bị bung dây an toàn không.
Sau khi máy bay hạ cánh, thay vì về khách sạn nghỉ ngơi, tổ tiếp viên được đưa đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe.
“Gặp những tình huống như thế phải bình tĩnh để xử lý tốt. Nếu xảy ra bất ngờ, người xử lý và kiểm soát tình hình tốt nhất là TVHK mà TVHK lại hoảng loạn sẽ càng làm tình hình rối thêm” - Thu Hà nói.
Hồng Hạnh (30 tuổi, người có sáu năm làm TVHK của Jetstar) kể: “Có lần khi đang bay chặng thứ hai, tổ tiếp viên ba người bị đập mặt vào ghế vì bất ngờ đi qua vùng nhiễu động. Cơ trưởng không biết trước, không báo. Cả tổ phải vào bệnh viện nhưng rồi nhanh chóng xin đi làm trở lại.
Bác sĩ bảo chấn thương không nặng nhưng yêu cầu nghỉ ngơi dài ngày. Mà nghỉ ba ngày trở lên phải có giấy của bác sĩ công ty. Nếu không đủ sức khỏe, nghỉ nhiều bị cắt bay”.
Vũ Ngọc Quyên (28 tuổi, tiếp viên trưởng của Jetstar) cho biết: “Thời tiết thì vô chừng lắm. Có lần bay từ Đài Loan về Việt Nam, chúng tôi đang phục vụ đồ ăn, thời tiết bất ngờ xấu nên máy bay đột ngột bị rơi tự do.
Cơ trưởng không kịp thông báo. Một chị tiếp viên bị đập đầu lên trần. Tôi thì bị đổ hết cơm, cháo, nước vào người.
Một tiếp viên khác bị bỏng do đang lấy suất ăn trong lò nóng. Những lúc ấy tiếp viên phải vội vàng xin lỗi khách, lấy khăn lau đồ ăn vương trên quần áo cho khách cẩn thận rồi mới chú ý đến bản thân mình”.
Với Ngọc Mai (Mai 14), nữ tiếp viên trưởng của Vietnam Airlines, chuyến bay VN453 từ Cam Ranh đến TP.HCM ngày 7-8-2009 sẽ là trải nghiệm không thể nào quên. Hôm ấy, khi máy bay chuẩn bị đáp thì xảy ra sự cố càng máy bay không thả được.
“Khi cơ trưởng thông báo, lúc đầu tôi thoáng chút lo sợ. Tôi nghĩ tới hai đứa con đang ở nhà chờ mẹ về. Nhưng sau đó tôi kịp nhận ra điều quan trọng mà mình cần giải quyết hiện tại là phải đảm bảo sự an toàn cho 163 hành khách trên chuyến bay” - Ngọc Mai nói.
Máy bay đã phải bay vòng 30 phút trên trời trong khi hành khách vô cùng hoảng sợ. Với bản lĩnh và kinh nghiệm đi bay, Ngọc Mai đã chỉ huy các TVHK trong tổ phối hợp với tổ lái để xử lý tình huống.
Ngọc Mai kể: “Trong khoảnh khắc vô cùng hoảng loạn trên bầu trời, tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Lúc đó tôi mới thật sự cảm nhận được hết cung bậc của nghề nghiệp. Tôi đã cố gắng hết sức để thoát hiểm cho 163 hành
khách an toàn. Và hình ảnh toàn bộ hành khách đứng vỗ tay, gửi cho chúng tôi những ánh nhìn thán phục sẽ mãi mãi là những kỷ niệm đẹp trong nghề của mình”.
Cướp và thuốc ngủ
Chị Phan Thị Hoàng Quyên (39 tuổi, Jetstar), người đã có 17 năm làm TVHK, cho biết việc thường xuyên đi làm sớm khiến TVHK dễ trở thành “mồi ngon” của những tên cướp giật. Có người ở bến xe miền Tây, huyện Bình Chánh, Thủ Đức... nên phải đi từ lúc 3g30-4g sáng.
Về thì về trễ, đêm hôm khuya vắng, có chuyến 1g-2g đêm mới về nên hay bị cướp đêm. Chị Quyên kể: “Một lần đi làm lúc 5g kém. Khi đến ngã ba Lăng Cha Cả có một thanh niên từ sau lên chặn đầu xe định giật vali. Mình kêu cứu. Tên cướp giật mãi không được vì chiếc vali bị kẹt cứng. Lúc đó mấy bác xe ôm chạy ra nên nó bỏ chạy.
Nhưng nhiều bạn không may như mình. Có bạn bị mất vali, mất chứng chỉ, tài liệu phải nghỉ một tuần làm lại hết. Không có chứng chỉ không được lên máy bay”.
Và còn những rủi ro khác mà chỉ có TVHK biết với nhau. Đó là nguy cơ bị mắc bệnh nghề nghiệp khi thường xuyên làm việc trong môi trường trên không.
“Mỗi TVHK một ngày bay 4-5 chặng, tiếp xúc trên dưới 600 người. Bộ lọc không khí thì gói gọn trong buồng kín. Người này thở ra người kia hít vào mà không biết người ta có vấn đề gì về hô hấp.
Rồi chênh lệch về thời tiết, khí hậu nên hay bị xoang, ù tai, đau tai, nghỉ ngày không hết. Amiđan to, bị lãng tai, hôm nào mệt rất hay bị ù tai” - Hoàng Quyên (tiếp viên trưởng của Jetstar) cho hay.
Nữ tiếp viên trưởng của VietJet Air Nguyễn Trần Anh Thư cho biết: “Làm TVHK, ngoài các chứng bệnh về xoang, hô hấp, ù tai, các tiếp viên dễ mắc phải bệnh về cột sống vì phải với tay cất hành lý cho khách. Nhiều khi hành lý rất nặng, nhiều tiếp viên đã bị sái tay. Đi lại trên máy bay liên tục, tiếp viên chưa quen sẽ mắc chứng đau bàn chân”.
Một trở ngại không nhỏ nữa đó là sức khỏe TVHK bị ảnh hưởng rất nhiều khi bay các chuyến quốc tế. Bởi thời gian bay trên không thường kéo dài 6-8 tiếng, có khi lên đến 16 tiếng và rất hay bay đêm. Rồi múi giờ chênh lệch 6-8 tiếng đồng hồ.
Với nhiều TVHK mới bay quốc tế đường dài, khái niệm thời gian bị đảo lộn. Trên máy bay đêm là ngày. Rời khỏi máy bay ngày lại là đêm vì phải tranh thủ ngủ lấy lại sức. Rồi chênh lệch nhiệt độ. Đang ở Việt Nam nóng hầm hập 30 độ C, sang Nga -20 độ C.
Điều này khiến đồng hồ sinh học của các TVHK gần như bị đảo ngược hoàn toàn khi phải thức đêm - ngủ ngày liên tục.
Thu Hà, người đã tham gia rất nhiều chuyến bay quốc tế, cho biết: “Chỉ những tiếp viên nhiều kinh nghiệm và đủ giờ bay mới được bay tuyến quốc tế đường dài vì rất cực, như những chuyến đi Anh, Pháp, Đức... thời gian bay dài 12 tiếng.
Thời gian bay dài hơn nên thời gian chăm sóc khách cũng nhiều hơn (sáng, trưa, chiều, tối, khuya), dịch vụ cung ứng cho khách nhiều hơn (chẳng hạn có rượu, bia, nhiều loại nước khác...). Khách bấm chuông rất nhiều, phục vụ suốt 12 tiếng đồng hồ trên không. Đêm khách ngủ, còn tiếp viên thức xuyên đêm”.
Còn TVHK Minh Tâm tâm sự thời gian đầu mới đi bay, mới về tới khách sạn không kịp cởi giày, cứ vậy leo lên giường ngủ luôn một mạch. Nhưng nhiều lúc bị mất ngủ thường xuyên, Tâm phải uống thuốc ngủ suốt.
“Nghề này rất cần có sức khỏe nhưng cơ thể không nhận biết được múi giờ” - Minh Tâm bảo.
Cô nói tiếp: “Các chuyến bay đến New Zealand (Hàn Quốc - Việt Nam - Hàn Quốc - New Zealand) là các chuyến bay trái múi giờ nhất. Đi New Zealand rất mệt. Máy bay hạ cánh 6g sáng (theo giờ địa phương), tiếp viên sẽ về khách sạn ngủ sau chuyến bay dài, khi thức dậy đã tối.
Sáng hôm sau vừa chớm quen với đồng hồ sinh học thì lại đi bay, rất buồn ngủ nhưng vẫn phải dậy. TVHK rất sợ cảnh không ngủ được vì lên máy bay sẽ bị choáng váng, nhức đầu.
Biết là uống thuốc an thần sẽ không tốt nhưng không uống thì không ngủ được, lên máy bay sẽ lừ đừ không tập trung làm tốt nổi”.
___________
Kỳ tới: Những tình huống bất ngờ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận