Đồi Dinh nhìn từ Hồ Xuân Hương (ảnh chụp thập niên 1920) - Ảnh tư liệu
1. Năm 2016, cuối buổi gặp gỡ nói chuyện về cuốn sách Đà Lạt, một thời hương xa, một bác râu tóc bạc phơ, là cư dân lâu năm ở trên con đường nay là Lý Tự Trọng, mời tôi về căn nhà nhỏ của mình.
Gia chủ rót trà, hỏi tôi: "Anh viết về Đà Lạt quá khứ, vậy có biết con đường này có tên là gì không?".
Tôi đã trả lời bằng vốn hiểu biết của một kẻ hậu sinh lần tìm ký ức thành phố bằng văn bản và sơ đồ: "Rue de France của thuở ban đầu, là đường Pháp Quốc vào thời Hoàng triều cương thổ và là đường Cộng hòa vào thời Đệ nhất cộng hòa. Sau 1975 thì đổi tên đường như hiện tại, Lý Tự Trọng...".
Trước người khách trẻ tự tin như một học trò phổ thông chăm chỉ gạo bài, chủ nhà vẫn tỏ ra điềm đạm: "Với người Đà Lạt, chỉ có một cái tên: Con đường Tình Yêu. Rue de l'Amour".
Chưa bao giờ một từ tiếng Pháp có sức ngân vang như thế trong tôi. "Rue de l'Amour", gần với lời bộc bạch, một tâm niệm, một chỉ dấu tinh thần hơn cả mọi định vị về mặt địa lý.
2. Tôi trở về ký ức của thời sinh viên, những năm cuối thập niên 1990, khi đó con đường này là cả thế giới đầy huê tình và ẩn mật.
Con đường quanh co, khiêm nhu giấu trong mình vẻ đẹp của cánh rừng giữa trung tâm, như làm chứng tá cho lời chúc lành xanh mướt gửi về từ quá khứ một đô thị mà rừng, đồi là chủ thể của cảnh quan.
Những cây thông già vươn tán sừng sững giữa trời xanh, những lùm cây vông, cây dây leo hoa tím, và rêu, và địa y, và hoa hồng, và, cỏ dại mọc phủ lên đôi bờ xanh uốn khúc dẫn lên ngọn đồi dinh Tỉnh trưởng.
Đường Tình Yêu của thuở đó giữ lại một khoảng hình dung thành phố của thuở ban đầu. Những ngày mưa dầm, con đường ôm lấy ngọn đồi như cánh tay mộng mị dỗ dành trái tim giá buốt của thành phố. Những buổi tối trời, cỏ cây ven đường thở ra một bầu khí hoang vu và tịch mịch mà ta khó bề diễn tả, chỉ có thể gói gọn trong mấy chữ: "rất Đà Lạt!".
Trong tôi vẫn còn mùi cỏ lá, màu ẩm mục và hoang vu của những khúc quanh dẫn lên ngọn đồi nhìn về trung tâm, cho dù biết rằng thành phố đã biến đổi, mọi con đường lớn, nhỏ đều đã lô xô, chen chúc cửa nhà.
Bây giờ, trong những bức ảnh chụp toàn cảnh thành phố bằng flycam, giữa những hỗn độn, tôi vẫn tìm thấy một mảnh xanh hiếm hoi sót lại có hình thù giống trái tim ở khu trung tâm. Tôi hình dung đường Tình Yêu vẫn ở đó, cô lập, run rẩy, chới với len qua đôi bờ cây thuở nào...
3. Mùa xuân 2020, con đường dẫn vào khu đồi dinh ngổn ngang như một công trình dang dở. Nhiều cây cổ thụ bị hạ ven đường. Là thông, là tùng, là vông, và những triền đồi lở lói đất đỏ. Mùi đất, mùi nhựa cây đắng đót cùng mùi khói động cơ máy xúc, máy cưa khiến tôi cảm thấy ngột ngạt.
Các khúc quanh của con đường sẽ được "khai thông", theo mong muốn của nhà chức trách. Xe du lịch cỡ lớn sẽ dễ dàng hơn khi chạy lên đỉnh đồi.
Mà đâu chỉ là xe du lịch. Một ý định chế ngự "cao điểm" khu đồi Dinh đã manh nha trong một đại dự án. Và một thông điệp "xây dựng Đà Lạt thành đô thị di sản" sau đó được đưa ra bởi chính người đặt bút ký quyết định đại dự án nọ, như một nước cờ che mắt dư luận quá kém cỏi.
"Cổ thụ bị đốn có được lên danh mục trước đó không hay tùy tiện?", "Nghe cây đổ mà như xé lòng!", "Đây có phải là sự chuẩn bị cho công trình rạng màu trọc phú trên đỉnh đồi Dinh?". Những người Đà Lạt cựu trào ngơ ngác hỏi nhau, thở than trong tiếng máy cưa lạnh lùng đốn hạ.
Một giáo viên toán, người Đà Lạt đã nói với tôi rằng bà lớn lên ở thành phố này, trong hình dung của bà, đây là con đường đẹp vì lưu giữ hình ảnh một thành phố trong rừng ngày xưa. Nó giữ một khoảng lặng và thư thái cho khung cảnh của khu trung tâm. Nó không nhất thiết phải biến thành một con đường rộng và thẳng để phải hi sinh bất cứ một thân cây nào.
Nhà cửa, dịch vụ trên con đường này rất ít ỏi. Thế nên, con đường ấy phải được dưỡng nuôi để Đà Lạt còn một chút gì...
Bà miên man kể về thời tuổi trẻ của mình, về cái tên con đường Tình Yêu đang bị xóa dấu.
"Cái tên ấy, bất cứ ai từng trải qua tuổi trẻ ở thành phố này cũng biết tới và nâng niu...", bà nói.
4. Đồi Dinh với tòa dinh thự mà dân Đà Lạt gọi là dinh Tỉnh trưởng xây dựng từ thuở mới sáng lập thành phố (trước 1910), một trong những công trình biểu tượng công quyền sớm nhất của Đà Lạt rồi sẽ được đập bỏ hoặc trở thành tiểu cảnh nếu bản quy hoạch khu trung tâm vẫn được thực hiện theo ý chí của chính quyền Đà Lạt.
Theo đó, không gian di sản - con đường dẫn vào trái tim xanh nhỏ nhoi của Đà Lạt - cũng sẽ bị xóa dấu.
Cái lý lẽ mở rộng một con đường, xây dựng một đại dự án phục vụ mục tiêu phát triển bao giờ cũng được người có quyền cố tìm cho một chỗ đứng hợp pháp, nhân danh viễn tượng tương lai. Nhưng đó lại có thể cũng là sự ngụy biện cho những lợi ích được tính toán, giẫm đạp lên hai giá trị để phát triển đô thị bền vững: di sản văn hóa và môi trường.
Rue de l’Amour, âm vang trong tôi bây giờ là tiếng cây đổ, tiếng vỗ cánh hốt hoảng của bầy bồ câu giữa khoảng trời ám khói, tiếng thở dài của những bạn bè và cái chớp mắt tiễn biệt hôm qua như một giấc mộng đẹp.
Một vết đâm bén ngọt đang rúc xuyên qua trái tim xanh teo tóp từng ngày.
Làm sao để không phải đến một ngày, những cư dân Đà Lạt thâm niên và tôi ngậm ngùi vẫy chào Rue de l'Amour như chào một trái tim khô lạnh trên đỉnh đồi không còn màu xanh giữa một thành phố mà màu xanh đã bị giày xéo?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận