Từ sáng sớm, nhiều người dân Ninh Thuận cùng du khách các tỉnh khác đã lên Po Klong Garai vui đón Katê - Ảnh: DUY NGỌC
Theo đó, không gian diễn ra lễ hội Katê diễn ra tại các đền, tháp Chăm và các làng Chăm theo đạo Bàlamôn thuộc bốn huyện và thành phố như: Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc và thôn Thành Ý, xã Thành Hải (TP Phan Rang - Tháp Chàm).
Katê là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn để tưởng nhớ các vị thần, vị vua có nhiều công lao đóng góp, được đồng bào tôn kính. Đây cũng là dịp để tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Thiếu nữ Chăm lộng lẫy trong bộ trang phục truyền thống - Ảnh: DUY NGỌC
Theo phong tục truyền thống hằng năm, cứ vào mùng 1-7 Chăm lịch, tại các khu vực đền, tháp Chăm gồm đền Pô Inư Nưgar, tháp Pô Klong Garai; tháp Pô Rômê sẽ bắt đầu các hoạt động rước y trang, mở cửa tháp và thực hiện các nghi thức tôn giáo, văn hóa - văn nghệ truyền thống.
Năm nay, lễ hội Katê diễn ra từ ngày 23 đến 25-10.
Đoàn người rước y trang về tháp Po Klong Garai (TP Phan Rang - Tháp Chàm) - Ảnh: DUY NGỌC
Trước đó, vào chiều 23-10, nhân dân các thôn Hữu Đức, Tân Đức, Thành Đức, xã Phước Hữu (huyện Ninh Phước) tổ chức lễ đón, rước y trang Pô Inư Nưgar từ đồng bào người Raglai thôn Tà Nô, xã Phước Hà (huyện Thuận Nam) về đền thờ trong thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước.
Ngày 24-10, tất cả các đền, tháp Chăm gồm đền Pô Inư Nưgar, tháp Pô Klong Garai, tháp Pô Rômê chính thức mở cửa và tiến hành các nghi thức lễ hội Katê truyền thống.
Ngày 25-10, lễ hội Katê tiếp tục diễn ra tại các làng, tộc họ và gia đình người Chăm Bàlamôn trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là dịp để người Chăm xa xứ trở về quê sum họp với người thân, gia đình.
Cả sư Hán Dậu (ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) cho biết, lễ hội Katê năm nay diễn ra trong không khí đầm ấm, vui tươi. Các gia đình đã trang trí nhà cửa, sắm sửa lễ vật để cúng dâng lên các vị thần linh, ông bà tổ tiên để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con cháu làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn.
Người dân Chăm trưng bày hoa quả cúng thần Po Klong Garai cầu nguyện mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia đạo bình yên, con cháu học giỏi - Ảnh: DUY NGỌC
Ông Phạm Văn Hậu, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận, cho biết những năm qua đời sống của đồng bào Chăm không ngừng được nâng cao và phát triển, nhiều con em của đồng bào Chăm trong tỉnh đã đạt thành tích cao trong học tập và thành đạt trong công tác.
Tỉnh Ninh Thuận chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Chăm. Nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào được duy trì và phát triển. Những di tích đền tháp là di sản quý báu, vô giá của dân tộc Chăm được Nhà nước vinh danh, được trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy…
"Tôi mong rằng các vị chức sắc, chức việc tiếp tục tuyên truyền, động viên bà con tín đồ sát cánh cùng nhau gìn giữ và tiếp tục phát huy những giá trị độc đáo của lễ hội Katê cũng như các lễ hội truyền thống khác của người Chăm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, tạo cơ hội để văn hóa Chăm, văn hóa Ninh Thuận quảng bá hình ảnh của mình với bạn bè và du khách" - ông Hậu nói.
Từ năm 2017, "Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận" chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thiếu nữ Chăm uyển chuyển trong những điệu múa truyền thống - Ảnh: DUY NGỌC
Người dân Chăm mang lễ vật lên tháp Po Klong Garai để cúng dâng lên các vị thần linh cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt... - Ảnh: DUY NGỌC
Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm tại tháp Po Klong Garai trong dịp Katê - Ảnh: DUY NGỌC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận