07/03/2015 13:33 GMT+7

​Rửa chân báo hiếu cha mẹ

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TTO - Trước khi rửa chân, tay cho cha mẹ, những người con, cháu quỳ xuống trước mặt cha mẹ mình, lạy cha, mẹ một lạy để tỏ lòng biết ơn công lao sinh thành, dưỡng dục.

Những người con chuẩn bị nước ấm, khăn, tất đặt ngay ngắn và đứng sau cha mẹ mình để chuẩn bị làm lễ rửa chân, tay cho cha mẹ -  Ảnh: V.V.Tuân

Sáng 7-3, tại chùa An Đức (thôn Mỹ Đức, xã Quảng Nghiệp, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương), nhà chùa phối hợp cùng sinh viên khoa văn hóa học Trường ĐH Văn hóa tổ chức lễ rửa chân báo hiếu cha mẹ cho các cụ cao tuổi trong làng.

55 cụ từ 60 tuổi trở lên đã được con, cháu thực hiện nghi lễ rửa chân, tay báo hiếu công ơn sinh thành, nuôi dưỡng.

Con, cháu tự mình đun nước ấm, chuẩn bị khăn lau, tất ấm. Trước khi rửa chân, tay cho cha mẹ, những người con, cháu quỳ xuống trước mặt cha, mẹ mình, lạy cha, mẹ một lạy để tỏ lòng biết ơn công lao sinh thành, dưỡng dục. Họ quỳ xuống kính cẩn rửa chân, tay, lau khô, rồi mang tất ấm cho cha, mẹ mình. Sau đó, những người con sẽ tặng cha, mẹ chữ HIẾU cùng những món quà.

Có những người con năm nay đã gần 50 tuổi, một phần tóc đã bạc, lần đầu được làm lễ rửa chân, tay cho cha, mẹ đã xúc động rơi nước mắt. Ở trên ghế, những người cha, mẹ cũng cảm động không kìm được nước mắt. Nếu bậc cha, mẹ nào có con trai, con gái đi làm ở xa thì con dâu, con rể, hoặc cháu nội, cháu ngoại sẽ rửa chân, tay báo hiếu.

Có những người con không cầm được nước mắt khi tham gia lễ rửa chân, tay báo hiếu cha mẹ

Trước khi làm lễ rửa chân, tay, những người con quỳ xuống và lạy cha mẹ mình một lạy tỏ lòng biết ơn

Người con dâu Nguyễn Thị Nhung (49 tuổi) sau khi làm lễ rửa chân, tay cho mẹ chồng mình là cụ bà Nguyễn Thị Cho (91 tuổi) đã xúc động chia sẻ: “Bình thường ở nhà vì mẹ chồng tôi đã tuổi cao, sức khỏe yếu nhiều nên chúng tôi vẫn thường xuyên lo toan, chăm sóc, giặt giũ quần áo cho mẹ. Nhưng  khi tham dự lễ rửa chân, tay cho cha mẹ trong chùa, tôi vui lắm. Chỉ mong sao cụ sẽ sống mãi cùng con cháu để hằng năm tôi vẫn được làm lễ rửa chân, tay cho mẹ”.

Bà Đào Thị Hương (65 tuổi) khi được con gái rửa chân, tay báo hiếu, cả hai mẹ con đều rơi nước mắt: “Trong lòng tôi ấm áp lắm!” - bà Hương xúc động.

Người con tóc đã lốm đốm bạc rửa chân cho người mẹ tóc đã bạc trắng
Rửa tay cho mẹ

Sư thầy Thích Quảng Khiết, người đứng ra tổ chức lễ rửa, chân tay báo hiếu cha mẹ cho những người cao tuổi ở địa phương, chia sẻ một lần tình cờ thấy trên báo chí đăng tải hình ảnh về những người Hàn Quốc làm lễ rửa chân, tay báo hiếu cha mẹ, sư thầy rất cảm động và ấp ủ sẽ tổ chức ở nhà chùa một hoạt động như vậy để người dân được thể hiện tình cảm của mình với mẹ cha.

Đeo tất ấm cho mẹ
Gia đình ba thế hệ tham dự lễ rửa chân, tay báo hiếu

“Lễ rửa chân, tay báo hiếu cha mẹ vừa để những người con cảm nhận sâu sắc hơn công ơn cha mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng, cả đời lo lắng cho con, vừa để những người cha, người mẹ cảm nhận được tình cảm hiếu thuận của con cháu dành cho mình. Khi người con rửa chân, tay cho cha, mẹ sẽ cảm nhận được công ơn cha, mẹ từ đôi bàn tay thô ráp, đôi chân bao năm vất vả mưa nắng, nứt nẻ của cha, mẹ mình” - sư thầy Thích Quảng Khiết giải thích thêm.

Sư thầy cho biết sẽ tổ chức lễ rửa chân, tay báo hiếu cha mẹ cho nhân dân địa phương thường xuyên hằng năm.

Những người mẹ cũng không kìm được nước mắt
Dắt mẹ xuống thềm sau lễ rửa chân, tay báo hiếu
VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp