Những viên thuốc “tăng cân cấp tốc” được bán không có vỉ, nhãn mác mà đóng trong túi nilông như hàng xén - Ảnh: Thân hoàng |
Không chỉ ở Hải Phòng, trên một trang web có nhiều thành viên là các bà mẹ gần đây có phong trào rủ nhau mua thuốc bổ tì kích thích bé ăn ngon miệng, mua thuốc bắc, mua thực phẩm chức năng... cho bé uống.
Trong số này có bà mẹ khoe con lên được 1kg chỉ sau một tháng dùng thuốc, có bà mẹ thấy bổ tì là thuốc bắc sắc đóng sẵn trong chai, không dám cho con uống mà mua cho cháu ở quê uống trước để... thử nghiệm, rồi rủ các mẹ trong hội có con nhẹ cân cùng mua uống thử xem sao.
Quảng cáo như “thần dược”
Khoảng cuối tháng 2, trên trang Facebook “Hội mẹ và bé Hải Phòng”, có nickname Hà Phạm đăng thông tin rao bán thuốc kích thích ăn uống, tăng cân cho trẻ.
Để các bà mẹ trong hội tin tưởng, người bán thuốc quay một clip tự tay cho con mình uống thuốc này và đưa ảnh lúc trước, sau khi uống thuốc của con lên mạng để mọi người so sánh. Giá bán thuốc là 6.000 đồng/viên.
Theo lời quảng cáo trên mạng của Hà Phạm thì thuốc có tác dụng như “thần dược”: “Thuốc dùng cho trẻ còi xương và lười ăn. Khi uống thuốc sẽ kích thích tiêu hóa, trẻ chịu khó ăn và tăng cân trong một, hai tuần. Thuốc dùng được cho cả người lớn, xách tay bên Đức nên không ảnh hưởng sức khỏe”.
Chị Nguyễn Lan P. (Lê Chân, Hải Phòng) cho biết sau khi xem thông tin quảng cáo về “thuốc tăng cân cấp tốc” trên mạng đã gọi điện thoại hỏi mua.
Chị P. được yêu cầu cung cấp thông tin về số tuổi, cân nặng của con mình để người bán gửi sang Đức nhờ người quen “mượn” một em bé có cùng chỉ số đi khám lấy thuốc.
Sau một tuần, chị P. được thông báo đến lấy thuốc. Khi đến chị mới giật mình thấy thuốc không nhãn mác, được đóng trong túi nilông như hàng xén nhưng vẫn mua một túi có 56 viên với giá 336.000 đồng về cho con uống, mỗi ngày bốn viên trong hai tuần.
Những ngày đầu cho uống thuốc, chị P. thấy con mình ngủ li bì, lúc nào cũng có cảm giác đói và thèm ăn. Được một tuần bé tăng khoảng 1kg nhưng mặt cứ béo phị ra. Khi uống hết liều, ngưng thuốc, chị P. lại thấy con trở về tình trạng ban đầu, lười ăn và mặt lại xọp đi.
“Tôi hốt hoảng vào Hội mẹ và bé Hải Phòng trên Facebook để hỏi người bán thuốc thì thấy nhiều bà mẹ ở Hải Phòng, Hải Dương và cả ở Hà Nội cũng mua loại thuốc này. Các bà mẹ yêu cầu người bán thuốc công khai tên thuốc, thành phần thuốc nhưng họ quanh co, không nói tên thuốc” - chị P. kể.
Là thuốc kháng viêm!
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nickname Hà Phạm trong lần đến khám tại phòng khám của bác sĩ Phạm Thị Tạo ở khu tập thể Lâm Tường (Tô Hiệu, Lê Chân, Hải Phòng), chị bảo con mình lười ăn nên được bác sĩ kê cho uống thuốc này.
Thấy hiệu quả thuốc tốt nên chị lấy lại thuốc của bác sĩ Tạo và rao bán trên mạng. Theo bà Tạo, thuốc “tăng cân cấp tốc” này là corticoid dùng điều trị kháng viêm dị ứng cho trẻ. Thuốc cũng có tác dụng kích thích ăn uống nên bà kê cho chị Hà Phạm. “Các cháu tôi cũng uống, nếu uống đúng liều lượng thì không ảnh hưởng đến sức khỏe” - bà Tạo nói.
Tuy nhiên ông Nguyễn Đình Trình, chánh thanh tra Sở Y tế Hải Phòng, khẳng định qua kiểm tra thì bà Tạo là bác sĩ đã về hưu, phòng khám của bà không có giấy phép hoạt động.
Sau khi xem mẫu thuốc mà nhiều bà mẹ mua cho con uống để tăng cân, ông Trình cho biết đây là một loại corticoid có tác dụng kháng viêm dị ứng và chỉ được uống theo kê đơn của bác sĩ, chứ không được tự ý mua bán.
Tác dụng phụ của thuốc này là kích thích tiêu hóa, tích trữ nước trong người nên nhiều người uống thấy mình mập lên.
Ông Trình cho biết thêm Sở Y tế đã có đoàn kiểm tra xác minh, xử lý thông tin việc bán “thuốc tăng cân” trên mạng mà không có chứng chỉ, giấy phép.
Trước mắt Sở Y tế đã yêu cầu bà Tạo đóng cửa phòng khám, ngừng hoạt động khám chữa bệnh, bán thuốc cho người bệnh và tiếp tục thu thập thông tin để xử lý vụ việc.
Mất tiền, rước thêm bệnh
Trả lời về tác hại của corticoid nếu sử dụng với mục đích tăng cân cho trẻ, ông Lâm Quốc Hùng (trưởng phòng giám sát ngộ độc Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) cho biết việc mua thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc là hành vi thiếu hiểu biết.
“Corticoid được sử dụng cho mục đích kháng viêm, ức chế miễn dịch, tăng cường giữ nước. Sử dụng corticoid kéo dài khiến cơ thể hạn chế đào thải nước khỏi tế bào, gây phù nội bào, khiến thoạt nhìn người dùng corticoid có vẻ tăng cân, nhưng thực chất họ bị giữ nước, mặt tròn như mặt trăng. Ở trẻ em, sử dụng corticoid kéo dài có thể gây hiện tượng giòn xương, suy giảm miễn dịch, giảm đề kháng khiến trẻ dễ ốm đau” - ông Hùng cho biết.
Một chuyên gia về thận học lại nói về nguy cơ suy thận ở các trường hợp sử dụng thuốc bắc tùy tiện.
Theo chuyên gia này, gần đây Bệnh viện Bạch Mai vẫn rải rác tiếp nhận trẻ bị ngộ độc chì do uống loại “thuốc cam”, một loại bột chứa nhiều hoạt chất mà dân gian vẫn cho rằng có tác dụng thần kỳ trong chữa chứng kém ăn, kém đề kháng ở trẻ em.
Còn hai năm 2012-2013 đã có hàng trăm trẻ nhập viện do ngộ độc chì có trong loại thuốc cam được mua qua hình thức truyền miệng như thế này.
“Nhiều trường hợp suy thận phát hiện và điều trị bảo tồn ở giai đoạn sớm, nhưng chỉ sau một đợt uống thuốc bắc, thuốc nam theo mách bảo của người thân, người quen là trở nên suy thận nặng, phải chỉ định chạy thận. Người dân tuyệt đối không nên mua thuốc theo mách bảo, truyền miệng” - chuyên gia này cho biết.
Điều trị bệnh biếng ăn ở trẻ, cần gặp bác sĩ Mỗi ngày, Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) tiếp nhận 50-100 trẻ biếng ăn, còi cọc đến khám và tư vấn. Hầu hết trẻ đều được chỉ định bổ sung vitamin và các hoạt chất kích thích tăng cường chuyển hóa, giúp trẻ ăn ngon miệng. Theo bà Nguyễn Thị Lâm - phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, phần lớn trẻ em thiếu vi chất do cha mẹ thiếu kiến thức dinh dưỡng, hoặc do các quan niệm sai lầm như sợ nắng gió, ít cho trẻ vận động ngoài trời vào giờ nắng lên, cho ăn giặm quá sớm và không đủ chất dinh dưỡng... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận