Nhưng trở ngại không nằm ở trong nước, mà tại nước người Việt muốn đến: không được cấp thị thực (visa) nhập cảnh. Rớt visa là chuyện thường gặp, đó là cửa ải khó khăn mà nhiều người không thể vượt qua để đi nước ngoài.
Một nhóm khách Việt hẹn nhau tổ chức tour cao cấp đi châu Âu theo cung đường mới, khách tự phỏng vấn lấy visa cùng sự giới thiệu của công ty tổ chức tour khá uy tín. Nhưng đoàn tour này không thể khởi hành vì gần một nửa khách bị từ chối cấp visa, đoàn không đủ số lượng để doanh nghiệp tổ chức.
Lý do bị từ chối thì không ai lý giải được, chỉ có một thực tế người Việt xin visa đi nước ngoài ngày càng khó. Những người có nhu cầu đi nước ngoài vô tình bị từ chối bởi chính sách siết cấp visa, hạn chế cấp visa của nhiều nước với những người có hộ chiếu Việt Nam.
Chuyện xin visa đi du lịch, kinh doanh của người Việt Nam xưa đã khó, và có xu hướng ngày càng khó. Tháng 8-2019, Đài Loan điều chỉnh hệ thống xét duyệt visa ưu đãi dành cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Tiếp đó, Nhật Bản dù không thông báo chính thức nhưng tỉ lệ người Việt rớt visa vào nước này ngày càng phổ biến, doanh nghiệp lữ hành bị đình chỉ tư cách đại diện xin visa theo đoàn vì có khách bỏ trốn.
Hàn Quốc cũng thay đổi điều kiện tiếp nhận visa 5 năm sau một thời gian ngắn triển khai chính sách visa ưu đãi...
Liên tiếp các vụ việc khiến cho hộ chiếu Việt Nam ngày càng khó đi khắp thế giới. Nhiều công ty du lịch cho biết muốn phát triển thị trường mới phải tháo nút thắt đầu tiên là visa. Nhưng vừa mở được thị trường nào một thời gian lại xảy ra có người bỏ trốn, nước bạn siết visa, rồi lại rớt visa.
Gần đây, các nước, vùng lãnh thổ liên tục tăng cường kiểm soát đối với ưu đãi xét cấp visa cho công dân Việt Nam, dù trước đó không lâu chính những thị trường này sẵn sàng dành ưu đãi cho công dân Việt. Đó là thực tế cần suy nghĩ.
Ông Phạm Trung Lương - nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam - cho rằng chỉ một số ít khách đi không đúng mục đích đã ảnh hưởng rất lớn đến các du khách khác và cả sự phát triển của ngành du lịch, cơ hội của nhiều người có nhu cầu chính đáng như đi học, làm ăn.
Để chấm dứt tình trạng này, cơ quan quản lý cần có các biện pháp mạnh tay hơn. Như điều chỉnh hệ thống tờ khai để kết nối thông tin xuất nhập cảnh, tăng cường nắm bắt các thông tin, kịp thời ngăn chặn, sàng lọc những trường hợp tiềm ẩn "đi không về". Đó là cách quản lý nhiều nước đã áp dụng. Rồi cũng phải siết lại từ công ty lữ hành, tăng quản lý du khách ngay khi đặt chân đến sân bay nước ngoài.
Những điều đó chưa đủ, quan trọng vẫn là ý thức của từng cá nhân. Người Việt đang được trao quyền đi nước ngoài dễ dàng nhưng cánh cửa đó đang hẹp lại, nếu không kéo giảm nạn vi phạm pháp luật nước sở tại, những toan tính cá nhân trên quyền lợi chung. Chỉ có tuân thủ pháp luật, xử sự văn minh nơi nước bạn mới hạn chế tình trạng rớt visa, thậm chí miễn visa và kèm theo đó là hàng loạt lợi ích khác.
Nếu không, mong muốn có trong tay hộ chiếu "quyền lực", đi nhiều nước mà không phải xin visa mãi mãi chỉ là mong muốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận