Đánh giá cao sáng kiến tổ chức, ông Lê Mạnh Hà, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa doanh nghiệp Nhật và VN qua những sự kiện này góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư hai nước.
Phóng to |
Ông Lê Mạnh Hà - Ảnh: T.T.D. |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Mạnh Hà nói:
"Hiện TP.HCM đề nghị phía doanh nghiệp Nhật Bản không cần đợi đến hội nghị bàn tròn mới đưa ra những đề xuất mà có thể đưa những đề xuất thường xuyên hơn, thông qua những cuộc gặp gỡ, đối thoại hằng tháng... với sở, ban ngành của thành phố để được giải quyết một cách kịp thời" Ông Lê Mạnh Hà (phó chủ tịch UBND TP.HCM) |
- Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn gián tiếp đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. TP.HCM sẵn sàng đón tiếp các nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư hoạt động. Trong điều kiện giá nhân công, lao động của thành phố cao so với các địa phương khác, thành phố cần có những dịch vụ, thế mạnh riêng để thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện nay chính sách kêu gọi đầu tư của TP.HCM tập trung vào những lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao, công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, các dự án trong lĩnh vực dịch vụ, giáo dục và phát triển cơ sở hạ tầng... Những dự án này dựa trên thế mạnh của thành phố là nơi tập trung nguồn nhân lực cao, có trình độ tay nghề của cả nước.
* Vấn đề đặt ra trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài của TP.HCM hiện nay và thời gian tới là gì, thưa ông?
Phóng to |
Dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương do Công ty TNHH Becamex Tokyu (liên doanh giữa Tập đoàn Tokyu Nhật Bản và Tập đoàn Becamex IDC) làm chủ đầu tư được triển khai trên diện tích 110ha với tổng vốn đầu tư 1,2 tỉ USD. Trong ảnh: dự án thành phần khu chung cư Sora Gardens I nằm trong khu đô thị Tokyu Bình Dương đang hoàn tất phần móng, dự kiến mở bán vào giữa tháng 4-2013 - Ảnh: Thuận Thắng |
Kết nối đầu tư, thương mại Việt - Nhật Lúc 8g hôm nay 14-3, tại Trung tâm hội nghị Riverside Palace (360 Bến Vân Đồn,Q.4, TP.HCM) khai mạc hội thảo “Thị trường VN dưới góc nhìn doanh nghiệp Nhật Bản”, báo Tuổi Trẻ và báo Mainichi (Nhật Bản) phối hợp tổ chức. Đơn vị thực hiện: Công ty Esuhai. Chương trình diễn ra cả ngày với hai nội dung chính: hội thảo “Sản phẩm Nhật trên thị trường VN” (buổi sáng) và “Thế mạnh trong xây dựng hạ tầng của doanh nghiệp Nhật” (buổi chiều) nhằm giúp doanh nghiệp hai nước có điều kiện giao lưu, tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng như tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại Việt - Nhật. Tham tán thương mại Đại sứ quán VN tại Nhật Bản Nguyễn Trung Dũng sẽ tham dự hội thảo và có bài phát biểu nhằm cung cấp thêm thông tin về quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản. |
- Chúng ta không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, mọi công nghệ, hay dựa trên quy mô dự án lớn, nhỏ. Hiện nay TP.HCM đang khuyến khích các dự án công nghệ mới, hàm lượng chất xám cao như ngành công nghệ thông tin, vốn đăng ký ban đầu không lớn nhưng giá trị gia tăng tạo ra cao, và điều quan trọng là xây dựng được những ngành công nghệ cao mới. Những ngành này sử dụng lao động trình độ công nghệ cao, không sử dụng nhiều lao động.
Về lĩnh vực cơ sở hạ tầng, TP.HCM đẩy mạnh kêu gọi các hình thức đầu tư khác nhau như ODA, PPP (hợp tác công - tư), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao)... và không chỉ chào đón doanh nghiệp lớn mà cũng rất khuyến khích, quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ miễn sở hữu công nghệ cao, hiện đại. Có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật làm tốt điều này.
* Ông có thể nói rõ hơn những chuẩn bị mà TP.HCM thực hiện để kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài?
- TP.HCM nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhằm thu hút các nhà đầu tư, đầu tiên là cơ sở hạ tầng. Một trong những vấn đề cơ sở hạ tầng mà nhà đầu tư quan tâm và cho rằng khá quan trọng là giao thông. Với một thành phố lớn, giao thông thường là vấn đề khó khăn vì nhu cầu di chuyển, lưu thông cao. TP.HCM đang rất cố gắng cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông một cách tích cực. Nhiều công trình lớn được xây dựng nhằm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn, quá tải như như hầm Thủ Thiêm, đại lộ Võ Văn Kiệt, cầu vượt tại các nút giao thông quan trọng...
Tiếp đến, TP.HCM luôn chuẩn bị sẵn mặt bằng chào đón nhà đầu tư đến tại các khu công nghiệp. Với các doanh nghiệp công nghệ cao, thành phố có khu công nghệ cao (Q.9, TP.HCM) dành cho nhà đầu tư trong lĩnh vực, hiện nay đây là một trong những khu công nghiệp hoạt động có hiệu quả. Quỹ đất 300ha đầu tiên giai đoạn 1 trong khu công nghệ cao đã khai thác gần hết, thành phố đã có kế hoạch khai thác tiếp 600ha giai đoạn 2, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp lớn. Các khu công nghiệp khác trong thành phố đều có cơ sở hạ tầng tốt, luôn đáp ứng cho những dự án ngành công nghệ cao. Hiện ở đây cũng tập trung thu hút các ngành kinh tế trọng điểm, mũi nhọn mà thành phố khuyến khích. Khu công viên phần mềm Quang Trung đang được thúc đẩy để mở rộng hơn, hoạt động có hiệu quả, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản.
Một yếu tố khác là TP.HCM có điều kiện, môi trường sống, y tế, học tập rất thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến sinh sống và làm việc lâu dài.
Môi trường đầu tư, môi trường pháp lý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhật phát triển ở thị trường VN rất quan trọng. Nếu các bạn tạo dựng tốt môi trường này thì tôi tin rằng vốn đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản vào VN sẽ ngày càng tăng Ông Tsutomu Takebe |
* Xác định các lĩnh vực tập trung thu hút đầu tư, TP.HCM làm gì để cải thiện môi trường, tăng sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư?
- Hiện nay TP.HCM đang triển khai thực hiện cơ chế, chính sách mới, để làm sao tạo được sự đột phá trong việc phát triển ngành nghề công nghệ cao... Chúng tôi tin cơ chế chính sách đột phá sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho mục tiêu phát triển ngành nghề mới, công nghệ cao. Hiện UBND TP.HCM đang tiếp thu, ghi nhận ý kiến, đề xuất của các hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, dựa vào đó TP.HCM sẽ có những điều chỉnh để có thể thu hút được các nhà đầu tư cũng như thúc đẩy phát triển công nghệ cao ở trong nước.
Chẳng hạn với nhà đầu tư Nhật Bản, hằng năm TP.HCM đều có hội nghị bàn tròn với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM. Qua đó cố gắng giải quyết nhanh nhất và nhiều nhất những kiến nghị, vướng mắc họ gặp phải, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhật hoạt động hiệu quả hơn.
Đặc biệt, thông qua những hội thảo như báo Tuổi Trẻ và báo Mainichi tổ chức hôm nay, ngoài cơ hội hợp tác, nhà đầu tư và chủ nhà cũng có dịp đào sâu hơn những vấn đề quan tâm, những điểm thiếu sót cũng được tìm ra, đưa ra trao đổi, từ đó có hướng khắc phục. Dù có thể chậm hay nhanh nhưng rõ ràng sẽ có nhiều cải thiện.
* Ông Võ Quốc Thắng (chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group): Đã sẵn sàng về hạ tầng
Tôi rất hoan nghênh cách làm của báo Tuổi Trẻ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp cần có những nơi để gặp gỡ đối tác, tìm kiếm thêm các cơ hội đầu tư cho mình đến từ nước ngoài. Với Đồng Tâm Group, chúng tôi không những có sự chuẩn bị sẵn sàng về mặt hạ tầng nhằm mời gọi các nhà đầu tư Nhật đến làm việc, mà còn liên kết với Tập đoàn giáo dục Aso Group (Nhật) xây dựng Trường dạy nghề trung cấp Việt - Nhật nhằm cung cấp công nhân kỹ thuật lành nghề ở nhiều lĩnh vực khác cho các nhà đầu tư Nhật. * Ông Trần Kim Chung (chủ tịch HĐQT Tập đoàn CT Group): Đừng để cơ hội trôi qua lần nữa
Hiện nay đang có một làn sóng rất lớn doanh nghiệp Nhật dịch chuyển về phía Đông Nam Á. Làn sóng này chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó nổi lên xu hướng chuyển vùng từ Trung Quốc qua. Đây là một cơ hội lớn, tuy nhiên Chính phủ và doanh nghiệp VN cần sẵn sàng hơn trong cơ hội ngàn vàng này. Cuộc hội thảo do báo Tuổi Trẻ tổ chức là một hoạt động mà giới doanh nghiệp chúng tôi đánh giá rất cao và hi vọng hoạt động này sẽ được diễn ra thường xuyên. Tôi thấy ở các nước như Indonesia, Malaysia... họ quảng cáo trên các trang truyền hình quốc tế rất mạnh và thực tế hiện nay họ giành ưu thế hơn ta về thu hút đầu tư Nhật Bản. Tôi mong rằng Chính phủ và doanh nghiệp Việt sẽ không để cơ hội này trôi qua lần nữa! * Ông Lê Viết Hải (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình): Mở rộng hợp tác với Nhật trong hạ tầng
Chúng tôi đã và đang có hợp tác với các đối tác Nhật Bản trong nhiều dự án trọng điểm về xây dựng, cơ sở hạ tầng và địa ốc. Hiện nay chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ dự thầu cùng một đối tác Nhật Bản làm nhà ga tàu điện ngầm tại TP.HCM. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang đàm phán thương thảo với Tập đoàn Nikko Securities của Nhật Bản tại Indonesia trong một thương vụ làm ăn lớn... Đối với Hòa Bình, hội thảo lần này là cơ hội tìm kiếm thêm đối tác. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng hạ tầng, cụ thể trong hội thảo này có những doanh nghiệp về tàu điện ngầm, cầu đường. * Ông Tạ Quang Khánh Trình (phó giám đốc kinh doanh - phát triển dự án, Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex IJC): Nhiều KCN đón nhà đầu tư Nhật
Thời gian qua chúng tôi thường xuyên đón tiếp các doanh nghiệp Nhật với số lượng tăng một cách đột biến. Chẳng hạn tại Bình Dương, chúng tôi vừa đón nhận nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê từ 5.000-10.000m2 mặt bằng nhà xưởng để sản xuất. Phần lớn trước đây những doanh nghiệp này sản xuất ở Trung Quốc. Về cơ sở hạ tầng, nhân sự, kỹ thuật chúng ta hơn những nước xung quanh và hội thảo này không chỉ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt tìm đối tác mà còn góp phần quảng bá hình ảnh của VN. Hiện ngoài dự án khu đô thị Tokyu (110 ha, liên doanh Becamex và Tokyu - Nhật), Becamex còn có hàng loạt dự án khu công nghiệp đã và đang đón doanh nghiệp Nhật vào hoạt động sản xuất. Đình DÂN - Trần vũ NGHI ghi Thêm nhiều doanh nghiệp Nhật chọn VN
Khẳng định VN đã có nhiều cải thiện môi trường đầu tư nhưng cũng còn nhiều việc phải làm, ông Tsutomu Takebe, chủ tịch danh dự Diễn đàn kinh tế Nhật Bản - VN, nguyên tổng thư ký Đảng Dân chủ tự do Nhật, đã trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ: - Thời gian qua, giao lưu cấp nhà nước của VN và Nhật Bản rất mật thiết, có tần suất lớn chưa từng có. VN sau khi chuyển đổi mô hình kinh tế sang kinh tế thị trường đã tạo được động lực, sức hút lớn. Hiện tại có thuận lợi là ở VN có nhiều tổ chức, cá nhân rất am hiểu Nhật Bản, đã góp phần xây dựng mối quan hệ tin cậy. Có nhiều cá nhân nhưng tôi có thể nêu tên ở đây, chẳng hạn ông chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc hiện nay. Đó chỉ là một ví dụ. Từ sự gần gũi cá nhân đó, VCCI đã trực tiếp giới thiệu và nhiều doanh nghiệp Nhật vào thị trường Việt. * Ông đánh giá thế nào về quan hệ VN - Nhật Bản thời gian qua và độ hấp dẫn của thị trường VN? - Về chiến lược của Nhật với bán đảo Đông Dương, chúng tôi thể hiện sự quan tâm cao đến an ninh, ổn định khu vực này. Đây cũng là thị trường lớn. Hiện đã có liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - VN. Liên minh này đang là lớn nhất nếu so với các liên minh đảng phái trên chính trường Nhật, bao gồm 150-160 nghị sĩ, nhiều đảng phái. Chúng tôi đều có đồng thuận chung trong hợp tác với VN, nên mặc dù nguồn vốn ODA của Nhật ra nước ngoài đang trong xu hướng giảm, nhưng riêng với VN vốn ODA chúng tôi vẫn cứ tăng lên. * Theo ông, VN cần làm gì để thu hút được nhiều hơn vốn đầu tư từ Nhật Bản? - Bên cạnh dòng vốn ODA nhà nước, đã có dòng vốn FDI từ Nhật sang VN mà tính đến nay lên đến khoảng 25 tỉ USD. Chúng tôi nhận thấy VN đã có nhiều cải thiện về môi trường đầu tư và vốn đầu tư từ khu vực tư nhân của Nhật sang VN vẫn trong xu hướng tăng. Tuy nhiên, VN vẫn cần cải thiện, đặc biệt là cần để các loại hình như doanh nghiệp tư nhân, nhà nước, có vốn đầu tư nước ngoài được thật sự bình đẳng. Điều này rất quan trọng để VN đáp ứng được các điều kiện của toàn cầu hóa, xu thế cải tiến. Chúng tôi biết hằng năm VN có số lượng lớn sinh viên đi học ở Âu, Mỹ. Chúng ta cần có những đại học như Stanford, Harvard ngay tại VN. Và chúng tôi đang dự định xây dựng một trường đại học Nhật - Việt ở VN để đào tạo nguồn nhân lực cho VN. Cầm Văn Kình thực hiện |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận