Phóng to |
Ảnh: Nguyễn Việt Cường |
Thuở đó, nhà tôi nghèo nhất xóm. Nhưng tết nào cũng vui nhất vì ông ngoại tôi biết cách bày trò chơi. Con nít trong xóm thích mê, lân la để “vui ké”. Ngoại tôi là người Việt gốc Hoa, có biệt tài đắp đầu lân, đầu sư tử và biết chút ít võ nghệ.
Năm nào, hội người Hoa cũng thuê ngoại làm một cái đầu lân. Công việc này đem đến một khoản tiền đủ để mua gạo và thịt cho gia đình dùng trong mấy ngày tết. Với những vật liệu thừa, ngoại đắp thêm một cái đầu lân be bé dành cho bọn tôi. Con lân này trông rất ngổ ngáo. Đuôi lân màu sắc sặc sỡ. Chỉ tiếc cái đuôi ngắn ngủn nên thường có “sự cố” xảy ra. Múa đến đoạn lạy tạ chủ nhà thì đứa đứng trước đưa mông ngay đầu đứa múa đuôi. Gặp lúc ăn nhiều, nó thả ra một “quả bom” thì coi như đứa đứng sau lãnh đủ, “thúi đầu cả năm”. Vì vậy đứa nào cũng giành múa đằng đầu. Ngoại tôi đành phân công mỗi đứa phải bị đứng sau một lần.
Riêng tôi không bao giờ “mắc nạn” vì tôi được làm ông Địa. Tôi đã trút ống heo để tự trang bị cho mình một cái đầu ông Địa bự chảng. Chị tôi cho bộ áo dài gấm đỏ có hoa đồng tiền màu vàng đã… cũ mèm để tôi mặc khi múa. Còn bà ngoại cho tôi cái rổ nhỏ để độn bụng. “Cái bầu” này làm tôi nhột gần chết. Mỗi khi tôi cầm quạt mo phe phẩy, ễnh qua ễnh lại, nhảy tới nhảy lui, nó cạ vào da làm tôi cười như bị cù léc.
Ngoại có xin hội người Hoa bộ gõ cũ gồm trống, chặp chả, phèng la cho bọn tôi sử dụng. Ngoại còn tập cho chúng tôi múa roi, đi quyền. Vì thời gian tập luyện ngắn ngủi nên đứa nào đứa nấy múa trông tức cười gần chết. Chỉ có thằng Út em tôi là múa hay nhất nhưng nó ít có dịp biểu diễn vì phải đánh trống. Nó thường ba hoa: “Tao cái gì cũng giỏi nhất nên… thiệt thòi!”.
Ngày mùng một xuất phát thiệt là vui! Ngoại bảo phải đến chùa Long Khánh trước tiên. Ông bà ngoại cũng tháp tùng để luôn tiện cúng chùa. Chúng tôi rùng rùng kéo đến cổng chùa. Đi đến đâu người lớn tràn ra ngõ chỉ trỏ, bàn tán. Con nít chạy theo hét vang: “Ê, lân con…”, hoặc trêu: “Ông Địa có bầu…”.
Dù vậy ai cũng khen múa có duyên, lân biết lạy Phật, biết xá các sư và lượn qua, lượn lại chỗ mấy dĩa bánh trái trên bàn thờ Phật, biết há miệng táp táp rồi lùi lại, lắc đầu như đang thèm rỏ dãi. Ai cũng khen tôi làm ông địa giống hệt. Nhưng đang múa nhịp nhàng, sợi dây vuột ra làm cái rổ rơi xuống chân rồi lăn ra giữa chánh điện, khiến các sư cũng phải bụm miệng để giấu nụ cười.
Tôi lượm cái rổ chạy ra ngoài. Cũng may, lũ bạn tôi thông minh vẫn tiếp tục lạy tạ rồi mới dừng lại để mắng tôi “làm hư bột hư đường”. Các sư đã làm dịu cơn giận của tụi nó bằng cách mời một bữa cơm chay. Tôi được sư trụ trì tặng một cái khăn màu nâu để buộc quanh bụng vừa làm thắt lưng vừa chặn cái rổ. Nhờ vậy tôi không còn gặp sự cố nào nữa. Sau khi rời chùa, ông bà ngoại về luôn, giao đoàn “lân con” cho chị Hai quản lý.
Đến chiều là đoàn “lân con” rã gánh vì đã múa giáp xóm. Cái xóm bé xíu chỉ có mười mấy ngôi nhà. Chúng tôi chia đều tiền lì xì. Dù chẳng được bao nhiêu nhưng cái bụng đứa nào cũng tròn ủm vì được các gia chủ đãi cơm hoặc bánh mứt. Đứa nào cũng thấy vui, tự tin và yêu đời hơn. Chúng tôi cảm nhận được niềm vui không cần mua bằng tiền và chúa xuân rất công bằng, luôn ban phát sức sống và hạnh phúc đến nơi nơi.
Áo Trắng Xuân Qúy Tỵ 2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận