13/04/2014 09:00 GMT+7

Rộn ràng làm parody clip

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TT - Cùng với sự phát triển của YouTube (trang web cho phép chia sẻ, tải và xem video clip trực tuyến), nhiều hoạt động giải trí trên kênh này theo đó cũng hình thành, gây sốt trên cộng đồng mạng.

x4npr2qm.jpgPhóng to
Nhóm bạn trẻ thuộc dự án Roar cùng trao đổi ý tưởng về cách tạo clip để vừa có thể lồng ghép thông điệp đến cộng đồng vừa có tính giải trí cao - Ảnh: Công Nhật

Hiện đang rất được giới trẻ “cuồng” là trào lưu làm clip nhạc chế, theo hướng hài hước hóa (parody clip).

“Tôi bắt đầu coi parody clip từ lúc còn học THPT và tới giờ vẫn thấy thích mê. Bạn bè tôi cũng vậy” - Ngô Thế Hiển (sinh viên năm tư ĐH HUFLIT) cho biết.

Giới trẻ Việt “vào cuộc”

"Chúng tôi làm parody clip để truyền thông điệp lạc quan, tích cực đến giới trẻ!"

Nhóm ROAR

Được cho là xuất hiện lần đầu trên YouTube vào năm 2006, trào lưu này nhanh chóng khiến cộng đồng mạng khắp nơi trên thế giới thích thú vì tính sáng tạo, hài hước. Gắn từ khóa “parody” vào sau tên bài hát, dễ dàng tìm thấy vô số phiên bản parody của những nghệ sĩ nổi tiếng hàng đầu như Rihanna, Britney Spears, Adele... đến các ca sĩ trong khu vực. Nhiều parody clip thậm chí có lượng người xem, bình luận vượt qua cả phiên bản gốc, chạm đến con số hàng triệu.

Không đứng ngoài dòng chảy chung, một số parody clip do chính người Việt làm xuất hiện vài năm gần đây. Tuy nhiên chỉ tới sự xuất hiện của bài hát Anh không đòi quà vào cuối năm 2013 thì trào lưu làm parody clip trong giới trẻ Việt mới thật sự “bùng nổ”. Trong hàng trăm phiên bản parody của bài hát trên, có những clip thu hút lượng người xem nhiều hơn cả bản gốc (2,9 triệu lượt xem). Có thể kể đến Anh không đòi quà phiên bản siêu nhân Gao (6,5 triệu lượt), phiên bản BB&BG (8,7 triệu lượt)...

Gần đây nhất, Happy - bài hát đang đứng đầu nhiều bảng xếp hạng lớn trên thế giới của nam ca sĩ Pharrell Williams - cũng được một nhóm bạn trẻ Việt làm lại theo kiểu parody và thu hút gần 130.000 lượt xem dù chỉ mới đưa lên mạng hơn ba tuần! Trào lưu này thậm chí đã len lỏi vào tận trường học, các cuộc thi học đường... “Chúng tôi đã quyết định tổ chức một cuộc thi làm parody clip trong trường vào tháng 4 và rất bất ngờ khi nhận được sự tham gia nhiệt tình từ mọi người” - Ngô Thế Hiển nói.

Những “điểm cộng”

Parody clip là gì?

Có thể nói parody clip là một dạng “nhại” lại các MV (music video) của những ca sĩ, ca khúc nổi tiếng với mục đích đơn thuần giải trí, vui là chính (không bao gồm những nội dung, hình ảnh... mang tính chất hạ nhục người khác hoặc có yếu tố chính trị, tôn giáo). Ngoài việc “nhại” lại MV, parody clip còn có thể tìm thấy dưới dạng “nhại” phim. Trào lưu parody clip được cho là có nguồn gốc từ Mỹ và hiện đang gây sốt trên toàn thế giới.

“Sở dĩ trào lưu này ngày một “hút” người trẻ bởi nó vừa sáng tạo vừa rất vui nhộn, coi xong bao mệt mỏi đều biến mất”, bạn Nguyễn Trần Song Ngân (22 tuổi, Q.10, TP.HCM) giải thích. Còn với bạn Phạm Nguyễn Quốc Trung (21 tuổi, thành viên nhóm làm clip Anh không đòi quà phiên bản siêu nhân Gao): “Ngoài việc mang lại tiếng cười sảng khoái cho mọi người thì thể loại clip này còn là cơ hội để người trẻ chúng tôi phản ánh quan điểm về những bức xúc, vấn nạn đang tồn tại trong xã hội. Trước đó, nhóm chúng tôi từng làm clip Thói quen Facebook để nói về việc nghiện mạng xã hội ở giới trẻ”.

Đồng quan điểm, theo Nguyễn Tiến Dũng (thành viên nhóm H3 Media) thì không khó để tìm ra những parody clip mang nội dung châm biếm, phê phán nạn hôi của, phân biệt giàu nghèo... trên mạng. Theo Dũng, những vấn đề trên khi được lột tả một cách hài hước sẽ dễ đi vào lòng người hơn.

Đó cũng là suy nghĩ của bạn Đạt cùng nhóm bạn trẻ thuộc dự án Roar (nhóm thực hiện phiên bản parody Việt của Happy). “Thông qua những clip dạng này, chúng tôi mong muốn truyền tải thông điệp lạc quan, tích cực đến giới trẻ” - Đạt nói. Nếu như thông điệp của nhóm trong clip Happy khuyến khích người trẻ hãy luôn tự tin bởi ngoại hình dù xấu hay đẹp nhưng ai cũng có những giá trị riêng đáng trân quý, thì clip kế tiếp của nhóm sẽ dành để cổ động cho cộng đồng những người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT).

Ngoài ra, một “điểm cộng” khác của parody clip là không tốn nhiều kinh phí. Bạn Quốc Trung cho biết dẫu phiên bản Anh không đòi quà siêu nhân Gao đạt số lượng người xem “vượt xa tưởng tượng” nhưng cả nhóm chỉ mất... một buổi sáng để hoàn thành. “Phục trang khá đơn giản nên tự ai nấy lo, khoản duy nhất tốn tiền là... nước uống” - Quốc Trung cười nói.

“Rất công phu”, đó là cảm nhận chung của hầu hết mọi người khi xem clip Happy phiên bản Việt. Tuy vậy, các thành viên trong nhóm Roar cho biết thời gian quay cũng chỉ tốn vài buổi và không tốn khoản kinh phí nào.

Tuy vậy, thử thách chung của các nhóm thường là khâu lên ý tưởng, dựng clip. Như nhóm Roar đã tốn hết ba tuần để hoàn thành các khâu trên.

“Người Việt chưa quen với việc thể hiện cảm xúc nơi công cộng nên nhóm mình cũng gặp vài khó khăn khi thuyết phục họ cười vang và nhún nhảy theo nhạc...” - Đạt nhớ lại. “Ngoài ra, tất cả thành viên nhóm mình đều là sinh viên mà lại học khác trường nên việc thống nhất thời gian để làm clip cũng không dễ” - Tiến Dũng chia sẻ.

Parody clip: phải có những giới hạn cần thiết!

ThS xã hội ứng dụng Nguyễn Diệp Quý Vy (giảng viên ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho biết chị từng xem qua dạng clip trên và thấy rằng đây là một hình thức giải trí thú vị. “Ngoài những “điểm cộng” trên thì đây cũng chính là phương thức quảng bá hiệu quả hình ảnh của các cá nhân/nhóm. Thực tế có những nhóm được rất nhiều người biết đến dù họ chưa có dịp xuất hiện trên các phương tiện truyền thông như báo chí, truyền hình...” - ThS Quý Vy phân tích.

Tuy nhiên, bà cũng cho rằng điều gì cũng có hai mặt. “Sẽ là đáng lo nếu các bạn trẻ quá sa đà vào việc làm clip dẫn đến mất tập trung trong công việc, học hành... hoặc tạo clip với những nội dung phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục để rồi bị cơ quan chức năng xử phạt như trường hợp clip Anh không đòi quà phiên bản Cần Thơ” - bà lưu ý.

Còn với ThS tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung thì bạn trẻ cần lưu ý tình trạng vì nôn nóng thu hút người xem dẫn đến việc clip chỉ tập trung vào những hình ảnh giật gân, bôi nhọ danh dự người khác. “Ranh giới giữa sáng tạo với mục đích giải trí và gây ảnh hưởng tới người khác rất mong manh. Nếu không tỉnh táo để đề ra những giới hạn cần thiết sẽ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc” - ThS Trang Nhung nói.

“Tôi vẫn thường xuyên theo dõi các parody clip để qua đó cập nhật phần nào suy nghĩ của giới trẻ, điều gì đang “hot” với họ. Tuy nhiên tôi cũng băn khoăn về việc liệu người trẻ có biết đâu là điểm dừng để tránh thực hiện clip một cách chủ quan, có thể gây xúc phạm người khác? Với ảnh hưởng khủng khiếp của thế giới mạng, mọi thứ sẽ lan tỏa nhanh và có thể bị người khác vô tư bắt chước. Với cả người xem lẫn người làm parody clip, sự cân nhắc và chọn lọc luôn là điều cần thiết” - ThS tâm lý Trần Thị Thanh Trà (giảng viên ĐH Mở TP.HCM) đúc kết.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp