22/01/2024 23:53 GMT+7

Romania muốn kết nối, hợp tác cảng với Việt Nam

Thông điệp được Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu đưa ra khi cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Romania ngày 22-1.

Thủ tướng Romania Marcel Ciolacu (bìa trái) lắng nghe phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Romania - Ảnh: QUỲNH TRUNG

Thủ tướng Romania Marcel Ciolacu (bìa trái) lắng nghe phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Romania - Ảnh: QUỲNH TRUNG

Tại diễn đàn, các đại biểu được giới thiệu về tiềm năng, môi trường, cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và Romania.

Các doanh nghiệp cũng tìm hiểu chiến lược phát triển kinh tế của mỗi nước, các lĩnh vực ưu tiên cùng cơ chế chính sách; thủ tục, hạ tầng, nguồn nhân lực.

Hợp tác cảng - cảng, mở rộng thị trường sang cả nước thứ ba

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu cho biết tại hội đàm cùng ngày, ông và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là tăng cường trao đổi thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư vào các dự án.

Do đó, hai bên đặt mục tiêu tăng trưởng thương mại song phương không ngừng để tăng gấp đôi kim ngạch so với hiện nay vào năm 2030. Đồng thời khuyến khích càng nhiều công ty Romania và Việt Nam có mặt tại thị trường hai nước càng tốt, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, xuất khẩu sang nước thứ ba.

Ông Ion-Marcel Ciolacu nhấn mạnh những lĩnh vực hợp tác trọng tâm như công nghệ thông tin, dược phẩm, nông sản và thực phẩm. Nhà lãnh đạo Romania cũng mong muốn các sản phẩm chất lượng cao của Romania có mặt nhiều hơn tại thị trường Việt Nam.

"Tôi khuyến khích các nhà đầu tư Việt Nam tận dụng những cơ hội đặc biệt mà Romania mang lại và sẽ tiếp tục phát triển.

Quan hệ thương mại vững chắc giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu dựa trên Hiệp định thương mại tự do EVFTA không thể bỏ qua cửa ngõ Biển Đen để vào thị trường châu Âu, cụ thể là cảng Constanta.

Cảng Constanta và cảng Danube sẽ có ý nghĩa quan trọng trên các tuyến đường xuyên lục địa đang phát triển giữa châu Á và châu Âu", Thủ tướng Romania kêu gọi.

Do đó, nhà lãnh đạo Romania nhấn mạnh sự cần thiết phải nhanh chóng ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa các cảng của Romania với các cảng ở Việt Nam như Hải Phòng. Ông cũng bày tỏ mong muốn các sự kiện trong tương lai về đầu tư và thương mại sẽ diễn ra tại các thành phố cảng của hai nước và trước hết là tại cảng Constanta.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam luôn lắng nghe, đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp - Ảnh: QUỲNH TRUNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam luôn lắng nghe, đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp - Ảnh: QUỲNH TRUNG

Tận dụng EVFTA, EVIPA

Sau khi Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu có ý kiến phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trải qua gần 75 năm, lòng tin chính trị của hai nước đang rất cao.

Người đứng đầu Chính phủ kế đó thông tin những nét cơ bản về tình hình, các yếu tố nền tảng, chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng.

"Đây là những yếu tố nền tảng, thuận lợi để các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ, giảm giá thành sản phẩm và tăng tính cạnh tranh. Qua đó phát triển hiệu quả, bền vững, lâu dài tại Việt Nam", Thủ tướng khẳng định.

Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam vẫn phải giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ để nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài, ổn định lâu dài.

Việc bảo đảm môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực, theo ông, cũng rất quan trọng, vì không ai đến đầu tư ở khu vực có xung đột, có chiến tranh.

Thủ tướng cho biết Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Việt Nam và Romania có một nền tảng quan hệ chính trị tốt để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.

"Chúng ta lạc quan về quan hệ hai nước, vấn đề bây giờ ta hành động thôi.

Chính phủ chủ trương đường lối, xây dựng thể chế, xây dựng hạ tầng, quản lý thông minh, còn doanh nghiệp và các địa phương bộ ngành thì kết nối hai nền kinh tế trên tinh thần tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển, tôn trọng công việc nội bộ của nhau".

Hai Thủ tướng bắt tay tại diễn đàn doanh nghiệp - Ảnh: NHẬT BẮC

Hai Thủ tướng bắt tay tại diễn đàn doanh nghiệp - Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp hai bên tận dụng các hiệp định EVFTA và EVIPA để hợp tác phát triển. Cùng với đó, cần tăng cường trao đổi, kết nối, đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và Romania có thế mạnh như cơ khí, máy móc chuyên dụng, thiết bị y tế, dược phẩm, viễn thông, công nghiệp sản xuất ô tô, năng lượng tái tạo, khai khoáng, lọc hóa dầu…

Diện tích của Romania bằng 2/3 Việt Nam, nhưng dân số chỉ bằng 1/5 Việt Nam nên hai bên có thể bổ sung cho nhau để cùng phát triển, nhất là về lao động, tài nguyên.

Cản trở lớn nhất giữa hai nước là khoảng cách địa lý. Tuy nhiên, trở ngại này có thể được khắc phục với việc tổ chức tốt chuyển đổi số, thương mại điện tử và bằng các phương tiện giao thông hiện đại như hàng không, hàng hải… để kết nối hai nền kinh tế.

Thủ tướng cho biết đã giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan rà soát, cái gì tốt phải phát huy, cái gì chưa tốt phải khắc phục ngay để thúc đẩy hợp tác lao động giữa hai bên.

Với quan điểm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", ông khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Romania đầu tư kinh doanh hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam.

Thủ tướng tin tưởng doanh nghiệp hai nước sẽ hợp tác, đầu tư, góp phần hiện thực hóa các thỏa thuận cấp cao, vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Romania ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả, mang lại phồn vinh và hạnh phúc cho nhân dân hai nước.

Việt Nam, Romania ký 19 văn kiện hợp tácViệt Nam, Romania ký 19 văn kiện hợp tác

Sau cuộc hội đàm thành công, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu cùng chứng kiến ký kết 19 văn kiện hợp tác giữa hai nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp