Phóng to |
Dãy nhà nửa vầng trăng, kiến trúc đặc trưng của Bath - Ảnh: Na Hồ |
Hồi đầu mới sang học ở Anh, tôi rất mê đi tham quan các thành phố khác theo tour du lịch của trường được lên lịch sẵn từ khóa học hè. Vì trường tôi nằm ở tuốt phía Nam nên các tour tổ chức cũng được đi tới các thành phố cách 2-3 giờ đi xe ôtô như Southampton, Bristol, London hay Oxford.
Những tòa nhà nửa vầng trăng
Trong danh sách những điểm đến, tôi bị ấn tượng bởi cái tên xa lạ nhưng có chút ngộ nghĩnh của Bath, thành phố của những tòa nhà kiến trúc nửa vầng trăng, của lịch sử thời trang xuyên suốt quá trình phát triển nước Anh, và đặc biệt là khu Romans Baths (nhà tắm của người Roman cổ) đã tồn tại hàng ngàn năm ở đây.
Nước Anh được biết đến với kiểu kiến trúc đặc trưng là neo-gothic và Victorian gothic với mái chóp nhọn cao vút của những nhà thờ hoặc tháp chuông uy nghi và kiêu hãnh. Ngoài London có tháp đồng hồ Big Ben lừng danh mà du khách nào đến tham quan cũng phải cố gắng ghi lại ít nhất một kiểu ảnh kỷ niệm thì ở hầu hết các thành phố khác đều có những tháp chuông ở vị trí trung tâm, thường là quảng trường lớn.
Nhưng ở Bath, thành phố nằm phía Tây Nam của Anh, dường như lại có một phong cách hoàn toàn khác. Từ cửa ngõ thành phố vào tới trung tâm, những dãy nhà được xây theo hình vòng cung của kiến trúc crescent (nửa vầng trăng) độc đáo, mái nhà và ống khói ở cùng độ cao đều tăm tắp.
Nổi bật nhất ở Bath với kiến trúc độc đáo này là The Royal Crescent với 30 căn nhà xây dựng san sát giống hệt nhau thành hình lưỡi liềm nằm trước một thảm cỏ rộng lớn, bốn mùa xanh mướt. Du khách nào đến đây cũng chụp toàn cảnh dãy nhà, như biểu tượng của thành phố Bath, cũng giống như tới London thì phải đến tháp đồng hồ Big Ben vậy.
Do vòng cung của Royal Crescent tương đối lớn nên những du khách dùng máy ảnh thường hoặc ống kính tele đành chịu thua, nhường chỗ cho tiếng bấm máy của các máy ảnh chuyên dụng chụp panorama.
Phóng to |
Khách du lịch ở Bath - Ảnh: Na Hồ |
Đi vào trung tâm thành phố là khu công viên Hedgemead nằm gần bảo tàng thời trang nước Anh, một trong những địa điểm thu hút du khách nhiều nhất ở Bath. Chúng tôi đến Bath đúng ngày chủ nhật, ở công viên có tổ chức lễ cưới tập thể với phong cách nửa hiện đại nửa cổ xưa.
Phía ngoài công viên là hàng dài những chiếc xe đưa dâu với phong cách cổ điển. Ngoài một chiếc Porches thường thấy trong những bộ phim của thập niên 1970 - 1980 màu trắng có kết hoa nhiều màu là những cỗ xe ngựa có người phu xe mặc áo sơmi cổ có bèo nhún và đội mũ nỉ cao theo phong cách hoàng gia đang mỉm cười với du khách đi ngang qua.
Cô dâu có hoặc không dùng voan đội đầu, mặc áo cưới trắng muốt, chủ yếu là những chiếc váy cúp ngực quyến rũ đứng cạnh chú rể mặc vest tối màu, áo trắng và đeo nơ ở cổ, rạng rỡ hạnh phúc trong ánh nắng hiếm hoi của nước Anh.
Toàn thể khu công viên được dùng tổ chức đám cưới nên ngoài các vị khách có thiệp mời, lịch sự trong những bộ vest trịnh trọng, những chiếc robe nổi bật hoặc váy lụa dài tới gót chân, khách du lịch không vào được bên trong. Vì vậy chúng tôi đi thẳng tới khu bảo tàng xuyên suốt lịch sử phát triển của ngành công nghiệp thời trang của nước Anh ở gần đó.
Bảo tàng trang phục cổ
Bảo tàng thời trang không có tên riêng, chữ “Museum of Costume” và “Assembly Rooms” được khắc chìm lên tường ngay cửa vào, phải nhìn thật kỹ mới có thể thấy vì hai hàng chữ này có màu vàng gần giống với màu của bức tường bêtông sơn màu.
Không giống những bảo tàng khác, ở đây cho phép du khách được thoải mái chụp hình các bộ trang phục đặt ngay ngắn trong tủ kính. Thế nhưng sự hấp dẫn của những bộ quần áo đủ loại, từ giản dị nhưng không kém phần sang trọng đến những bộ váy áo diêm dúa có chiếc lồng sắt để bên trong cho váy xòe lớn ra của phụ nữ quý tộc khiến du khách quên cả việc ghi lại hình ảnh, chỉ say sưa ngắm nhìn.
Thỉnh thoảng lại gặp vài sinh viên ngành thời trang đang trong buổi đi thực tế chăm chú đọc những tấm bảng lớn ghi lịch sử đặt kế bên các tủ kính và cắm cúi ghi chép, vài người phác họa lại những kiểu mẫu đặc biệt bằng bút chì trên nền giấy A4 đẹp như thật.
Trên tường hành lang dẫn đến cửa ra có treo tranh vẽ lễ phục của những thế kỷ trước, để lại trong du khách những ấn tượng đặc biệt về mẫu váy xếp tầng cầu kỳ mang đậm phong cách châu Âu.
Rời khỏi khu bảo tàng, chúng tôi vẫn có cảm giác lạc giữa một buổi tiệc của giới quý tộc ngày trước với những manơcanh ăn vận chỉnh tề, mái tóc vàng được cuốn gọn gàng dưới chiếc mũ quý phái.
Phóng to |
Hình vẽ những trang phục Anh cổ - Ảnh: Na Hồ |
Ngắm nhà tắm của người Roman cổ đại
Từ bảo tàng thời trang Anh, đi bộ chừng 10 phút là tới Roman Baths. Đó có lẽ là điểm đến nổi bật, thu hút nhiều du khách nhất của Bath khi giữa trưa mà vẫn có cả trăm người xếp hàng chờ đến lượt vào trong.
Khu đền thờ của người Roman nằm gần nhà thờ lớn Bath Abbey, được xây từ khoảng những năm 60-70 sau Công nguyên. Ba trăm năm sau người Roman đã xây dựng hệ thống bể nước nóng, ấm và lạnh nhằm phục vụ cho đội quân La Mã của hoàng đế Claudius.
Sau khi đội quân Roman rút khỏi nước Anh vào thế kỷ thứ năm, hệ thống nhà tắm Roman đã bị phá hủy gần như hoàn toàn. Về sau, chính quyền thành phố Bath đã cho tu sửa lại khu kiến trúc cổ đại thành một địa điểm độc đáo và hấp dẫn đối với khách du lịch.
Ngày nay, bảo tàng và nhà tắm Roman nằm cùng trong quần thể Roman Baths, là một tòa nhà hai tầng, chính giữa là bể nước ấm (great bath) nổi bật với màu xanh lá cây mướt mắt. Tiếng phát ra từ thiết bị hướng dẫn du lịch tự động cho biết bể nước ở đây nóng ấm tự nhiên, không cần phải có lò sưởi hay hệ thống đốt nóng nào.
Phóng to |
Sảnh bên trong Bath Roman - Ảnh: Na Hồ |
Trong dãy hành lang xung quanh bể nước ấm là các bàn nhỏ bán đồ lưu niệm được bày một cách khéo léo, do mấy người bán hàng hóa trang và ăn mặc theo phong cách Roman đứng giới thiệu.
Ở góc vào khu bảo tàng là hai người đàn ông đã lớn tuổi mặc quần áo La Mã, sẵn sàng hướng dẫn du khách những thế đứng của quân đội hay các vị thần và chụp ảnh cùng. Dù khách du lịch rất đông, nhưng nụ cười tươi rói và ánh mắt lấp lánh của họ thể hiện niềm vui không biết mệt mỏi.
Họ say sưa nói về lịch sử của Roman Baths, truyền thuyết về các vị thần và về thành phố Bath với niềm kiêu hãnh và tự hào không giấu giếm toát ra từ giọng nói.
Đằng sau những bức tường từ bốn phía của bể nước nóng Great Bath là khu bảo tàng được khôi phục gần như nguyên vẹn so với thời kỳ người Roman còn đang ở Anh.
Ở một số khu vực có ý nghĩa lịch sử và nghệ thuật kiến trúc, những máy chiếu 3D và màn hình cỡ lớn tạo ra cả một không gian cổ xưa, với những hình ảnh người La Mã cổ đại dựng từ máy tính, cung cấp cho du khách những thông tin rõ ràng và chi tiết.
Ngoài ra, du khách được tận mắt chứng kiến những hiện vật còn lại trong khi nghe giới thiệu từ thiết bị tự động, cảm thấy mình như được trở lại những năm đầu của hàng chục thế kỷ trước, trong không gian của nền văn minh quyền lực nhất của khu vực Địa Trung Hải.
Phóng to |
“Người Roman cổ” - Ảnh: Na Hồ |
Bath không phải là một thành phố lớn, cũng không phải là chốn phồn hoa thị thành đông đúc nhộn nhịp, nhưng vẻ đẹp và không khí yên bình đầy hoài cổ của thành phố này cũng thu hút cả triệu lượt du khách mỗi năm.
Tôi rời Bath khi trời đã xế chiều nhưng chưa tối hẳn, ở khúc quanh của tòa nhà nửa vầng trăng cuối cùng vẫn còn ánh nắng nhẹ trên những bức tường bằng đá ong màu vàng nhạt...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận