30/03/2018 18:59 GMT+7

Rôm, sảy mùa nắng nóng

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh

Rôm, sảy là một từ dân gian để chỉ một tình trạng viêm da hay gặp vào mùa hè khi thời tiết nắng nóng.

Rôm, sảy mùa nắng nóng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: br.fokuzz.com

Nước ta thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa: Nóng, ẩm và mưa nhiều, mùa hè thường kéo dài, chịu nhiều đợt nắng nóng oi ả, nhiệt độ tăng cao, là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh do nắng nóng, trong đó viêm da cũng là căn bệnh hay gặp do nắng nóng mùa hè.

Rôm, sảy là một từ dân gian để chỉ một tình trạng viêm da hay gặp vào mùa hè khi thời tiết nắng nóng. Tổn thương da là các mụn nước, các sẩn màu đỏ, nhỏ như đầu đinh ghim hoặc lớn hơn một chút, các mụn nước, sẩn thường tập trung thành từng đám trên nền da đỏ, đôi khi có các mụn nước rải rác toàn thân. Thường thì bệnh nhân cảm thấy ngứa trên da nên hay gãi vì thế tổn thương da xuất hiện.

Vị trí hay xuất hiện rôm sảy: Trẻ em hay có rôm sảy ở trán, đầu, đôi khi cả ở thân người, người lớn hay bị rôm sảy ở sau lưng, hai bên thắt lưng, mặt ngoài cánh tay, cẳng tay, mặt trước đùi, cẳng chân. Bệnh nhân bị ngứa nhiều và ngứa tăng lên khi đi ra ngoài trời nắng mà có ra mồ hôi hoặc uống rượu, bia, ăn các thức ăn như tôm, cua, nhộng, đồ rán, mít, vải… càng gãi thì càng ngứa tăng lên. Thường thì tổn thương da chỉ chứa dịch trong, nhưng nếu bệnh nhân gãi nhiều có thể bị nhiễm trùng và các mụn mủ xuất hiện.

Nguyên nhân bị rôm sảy có nhiều yếu tố:

Vào mùa nóng bức mà cho trẻ em mặc các loại quần áo bí hơi, quấn quá nhiều tã lót, một số các bà mẹ lại còn kiêng gió, không cho con ra ngoài mà đặt con nằm cả ngày trong phòng kín, làm cho trẻ nổi đầy rôm sảy.

Các em nhỏ hơn 2 tuổi, đặc biệt là các em bé được sinh ra trong các gia đình có ông, bà, bố, mẹ, có cơ địa dị ứng thì hay bị hơn.

Những trẻ em ở vùng nông thôn do cha mẹ bận, việc tắm rửa nhiều khi ít được quan tâm, rất dễ bị rôm sảy. Ngược lại nếu tắm quá nhiều lần trong ngày làm mất đi chất ceramide bảo vệ da cũng dễ dẫn đến da bị ngứa, khi gãi nhiều thì các mụn nước và các sẩn xuất hiện.

Những người làm trong môi trường nóng ẩm như hầm lò, xưởng bánh, nấu bếp… mồ hôi tiết ra rất nhiều, ứ đọng trên da hoặc không thoát ra được, kích ứng da, gây ra ngứa ngáy, buộc phải gãi. Nếu tay bẩn, trên da có nhiều cáu bẩn, đất cát, rất dễ dẫn đến nhiễm trùng da.

Khi trời càng nóng thì mồ hôi ra càng nhiêu, nhu cầu nước càng lớn, nếu không uống đủ lượng nước cần thiết để giúp gan thải độc thì cũng có thể sinh bệnh ngứa.

Ở vùng nông thôn vào mùa thu hoạch lúa, ngô, bụi bặm từ rơm, dạ, cây ngô, bẹ ngô, bám vào da gây kích thích làm bệnh nhân ngứa, gãi, gây tổn thương da, viêm da.

Điều kiện làm phát sinh một đợt viêm da mới hoặc làm nặng thêm tình trạng viêm da đã đỡ là khí hậu nắng, nóng nhiều ngày liên tục, mồ hôi ra nhiều, lau không kịp, làm da luôn ẩm ướt và kích ứng hoặc tiếp xúc với một số hoá chất như xà phòng, sữa tắm cũng có thể làm hiện tượng viêm da tái phát hoặc viêm da nặng thêm.

Chăm sóc da:

Khi da bị rôm sảy: Nên dùng phấn rôm xoa ngày 2-3 lần, trong phấn rôm có bột talc, bột kẽm ôxit, có tác dụng thoáng da, hút ẩm. Nếu chọn phấn rôm thành phần có chất sát khuẩn, se da thì càng tốt vì có thể ngăn ngừa được nhiễm khuẩn da. Không nên mua các loại mỡ kháng sinh về bôi vì mỡ có vaseline, bít chân lông, làm cho da bí hơi, mồ hôi không thoát ra được dễ dẫn đến viêm da.

Không nên dùng xà phòng, sữa tắm để tắm. Nên tắm rửa nhẹ nhàng bằng nước chanh pha loãng, nước lá tía tô, lá đào, vò nát, nước mướp đắng xay nhừ. Kỳ nhẹ nhàng bằng gạc hoặc khăn bông mềm, với trẻ nhỏ thì kỳ cho trẻ bằng lòng bàn tay, tuyệt đối không lấy bã kinh giới, bã lá đào hoặc bã mướp đắng chà sát lên da. Không dùng bàn chải, đá kỳ, xơ mướp, khăn bông ráp chà mạnh cho đỡ ngứa, sẽ làm cho da tổn thương nặng hơn, gây nhiễm trùng và viêm da nặng hơn.

Điều trị viêm da

Khi da bị viêm bôi các chế phẩm làm dịu mát như: Jarish, hồ nước, ngày 2 lần trong vòng 1- 2 tuần. Nếu không đỡ hoặc tổn thương có viêm đỏ nhiều thì phải bôi một trong các chế phẩm sau:

- Trẻ dưới 1 tuổi bôi Tramsone

- Trẻ trên 1 tuổi bôi Fobancort

- Người lớn bôi Flucinar

Chỉ bôi ngày 1 lần trong vòng một tuần.

Nếu có ngứa nhiều thì trẻ em có thể uống sirô phenergan, người lớn uống kháng histamine vào buổi tối.

Nếu tổn thương da có mủ, bị viêm da nặng thì nên đi khám, điều trị tại các chuyên khoa da liễu.

Phòng bệnh:

- Hàng ngày tắm cho trẻ bằng nước mát (ngày 1-2 lần).

- Mặc quần áo cho trẻ bằng loại vải mềm, thoáng mát, dễ thấm mồ hôi.

- Nhà ở cần thoáng gió, mát mẻ, không nên vì sợ gió máy mà quấn cho trẻ quá nhiều quần áo, tã lót và ở trong phòng kín cả ngày, làm trở ngại cho sự hô hấp của da trẻ.

- Ăn nhiều thức ăn mát như: Bột sắn dây, chè đậu đen, canh mồng tơi, nước rau má, nước cam, nước chanh… uống nước đầy đủ.

Khi bị rôm sảy chỉ cần xử trí đúng phương pháp, bôi đúng các loại thuốc thì cũng không gây tác hại gì, sau vài trận mưa, trời mát, thì rôm sảy sẽ dịu đi hoặc lặn hết, cùng lắm là để lại những điểm tróc da nhỏ. Giết rôm là một thói quen không hợp vệ sinh, làm cho da dễ bị nhiễm trùng, là điều các bà mẹ nên tránh.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp