TT - Cứng, thô nhưng dưới bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ, những vật dụng làm bằng mây tre như được thổi hồn để trở thành những con rối đầy sáng tạo.
Phóng to |
Rối tre Hầu đồng giá Cô - giá Cậu - Ảnh: Đ.Triết |
<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Ðó là những con rối trong chương trình nghệ thuật rối cạn Nhịp điệu quê hương của Nhà hát Múa rối VN. Phòng tập của nhà hát cả tháng qua mang màu sắc mới. Những con rối được tạo hình không phải bằng mút hay vải. Thay vào đó là tre, nơm, rổ, rá, rơm, áo tơi lá, sọt, thúng, vó tôm, cót ép, vải thô, bao bố, gáo dừa... Tất cả đều là những vật dụng có sẵn mà ta có thể bắt gặp ở bất cứ phiên chợ quê nào.
Những con rối từ tre, rơm, nơm, thúng...
Những cái rá tròn trịa nho nhỏ, những cái giỏ đựng tép bỗng đâu hóa thành gương mặt xinh tươi của những cô thôn nữ hay nàng tiên cá. Thân hình mảnh mai giàu sức sống của mỗi cô nàng là cái nơm tre. Cái đuôi của nàng tiên cá thì được tạo thành từ những hom giỏ, cái quạt giấy dán thêm giấy trang kim lấp loáng... Còn đôi tay mảnh mai là những đoạn tre ghép lại. Chúng được kết nối bằng dây thừng xoắn.
Bên cạnh đó, những nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, sáo, trống cơm, đàn nguyệt, nhị hay những vật dụng hằng ngày phục vụ lao động nhà nông như áo tơi cọ, gàu tát nước, giậm, vó, sào xiên cá...cũng trở thành "con rối" sinh động trên sân khấu. Ngoài ra, những chú lợn, chú trâu ngộ nghĩnh, đàn chim én, cây đào, thuyền thúng, hồ sen... cũng được tạo hình từ những chiếc rọ dài, cót ép, vải thô, một nắm rơm nhỏ hay cái thúng đã khoét thủng...
Từ không gian biểu diễn được mở tung, những con rối cạn bằng tre, nan ấy đã "biết" kể chuyện về văn hóa làng quê Bắc bộ VN qua đôi tay khéo léo của người nghệ sĩ. Ðó là Ngày mùa thôn nữ nhộn nhịp trên đồng gặt, cấy lúa; là cảnh lam lũ Mò cua bắt ốc của người nông dân; hay câu chuyện tình tứ trên sông nước của Vợ chồng thuyền chài. Rồi thì thiếu nữ bơi chiếc thuyền thúng hái sen giữa trời thu xanh ngát để cuối ngày đàn trâu thung thăng trở về theo tiếng sáo mục đồng. Cuộc sống đa sắc màu của làng quê VN với những trò hát đúm, đi hội cũng được tái hiện.
Ðặc sắc nhất trong chương trình phải kể đến trò rối Hầu đồng trên nền điệu hát văn Xá Thượng. Khéo léo và tinh tế, hai nghệ sĩ đã biến chiếc rá tre lớn thành Cô - Cậu. Trò diễn cũng huyền ảo, quyến rũ và đầy mê hoặc chẳng khác gì nghệ sĩ sân khấu chèo hóa thân.
Tung tẩy cùng rối trên làn điệu dân gian
Khác với thông lệ, ở chương trình này nghệ sĩ được thỏa sức sáng tạo khi khung tranh biểu diễn truyền thống gỡ bỏ. Tất cả òa ra sân khấu để tung tẩy cùng con rối. Nghệ thuật múa rối được thăng hoa dìu dặt, uyển chuyển trên nền những làn điệu dân ca Bắc bộ như Muỗi đốt tứ tung, Lý cây đa (quan họ), Nón thúng quai thao, Xẩm huê tình (chèo, xẩm) và cả ngâm thơ, hát đúm, hát ru... Cộng hưởng vào đó là những khoảnh khắc của những âm thanh làng quê như tiếng ếch - nhái, tiếng gậy, tiếng mõ, tiếng sáo... được những nghệ sĩ hát chèo, nghệ sĩ đàn bầu, đàn tranh, đàn tam thập lục, sáo trúc, đàn nguyệt, đàn nhị, dàn trống, mõ tre... trình tấu trực tiếp.
"Chúng tôi muốn khán giả không chỉ xem mà còn cảm nhận được hồn văn hóa dân tộc từ nghệ thuật múa rối. Vì vậy, có phần nào cầu kỳ cho việc lựa chọn chất liệu làm con rối, lựa chọn cách dàn dựng sân khấu, cách biểu diễn âm nhạc. Sau mỗi chương trình biểu diễn, chúng tôi sẽ trò chuyện với khán giả. Tôi tin rằng khi xem, khán giả VN thì thấy tự hào, còn khán giả quốc tế thì thấy thú vị" - đạo diễn, NSƯT Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
Tuy nhiên, sẽ thật hoàn hảo nếu như chương trình Nhịp điệu quê hương được biểu diễn gọn gàng hơn và chặt chẽ hơn về bố cục.
Nhọc nhằn nhưng hưng phấn Sau đêm công diễn vào 20g ngày 25-4 tại nhà hát Kim Mã, Hà Nội, chương trình rối cạn Nhịp điệu quê hương (đạo diễn: NSƯT Nguyễn Tiến Dũng, họa sĩ tạo hình: NSƯT Vương Tất Lợi) đang được Nhà hát Múa rối VN lên kế hoạch đi Mỹ, Canada trong năm 2013 để giới thiệu về văn hóa VN với bạn bè quốc tế. Chương trình dài gần 90 phút, sử dụng các kỹ thuật rối cạn như rối que, rối dây, rối tay... Nói về những con rối làm bằng mây tre đan, nghệ sĩ múa rối Nguyễn Thế Long bày tỏ: “Các con rối cứng, thô, nặng hơn so với các con rối làm bằng mút nên khó biểu diễn, nghệ sĩ vì vậy cũng phải tập luyện nhiều hơn”. Còn nghệ sĩ Lan Hương đang gắn bộ râu vào một chiếc rá lớn để chuẩn bị tập cho màn hầu đồng nói: “Họa sĩ tạo những chi tiết cơ bản, còn nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp trang điểm cho con rối. Rối bằng tre khó trang điểm, khó kết nối. Vả lại, nhiều khi tay chạm mạnh dễ bị dằm đâm vào đau điếng. Nhưng tất cả đều mới mẻ nên tạo hưng phấn và cảm giác thú vị cho nghệ sĩ”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận