11/03/2015 09:31 GMT+7

​“Rồi tay trống ấy có nổi tiếng không?”

TRẦN NHÃ THỤY
TRẦN NHÃ THỤY

TT - Với họ, những nghệ sĩ vĩ đại đó, tôi nghĩ việc họ làm là cố hết sức để đạt tới một đẳng cấp nghệ thuật, còn cái gọi là thành công hay nổi tiếng họ chẳng bao giờ màng tới.

Thầy trò Fletcher và Andrew trong phim Whiplash - Ảnh: imdb

Xem phim Whiplash (tựa tiếng Việt là Tay trống cự phách, phim vừa giành ba tượng vàng tại giải Oscar 2015) rồi lướt qua phần comment (bình luận) bên dưới, tôi thấy có một câu hỏi được day đi day lại: “Rồi tay trống ấy có nổi tiếng không?”. 

Thử dạo qua vài trang phim khác thì thấy câu hỏi tương tự cũng được lặp lại: “Rồi cái anh chàng trẻ măng ấy có nổi tiếng không?”.

Vả là, chuyện phim kể về anh chàng Andrew (Miles Teller thủ vai) vào Trường Shaffer với khát khao trở thành một tay trống huyền thoại, đã gặp một ông thầy hắc ám Terence Fletcher (J. K. Simmons thủ vai) cho “lên bờ xuống ruộng”.

Cuối cùng, sau một thời gian dài khổ luyện với đầy máu và nước mắt, Andrew đã có một đêm diễn xuất thần cùng với các nhạc công hàng đầu New York.

Phim kết khi trái tim khán giả như vẫn còn hực lên với nhịp trống. Nhưng với nhiều người thì đây là một cái kết tệ (bad ending) bởi thậm chí tràng vỗ tay của khán thính giả cũng không thấy. Cho nên câu hỏi: “Rồi tay trống ấy có nổi tiếng không?” được xem là hiển nhiên.

Thế rồi tay trống ấy có nổi tiếng không? Nếu cứ theo logic trong phim thì chắc rồi cậu ta sẽ nổi tiếng. Nhưng theo thuyết hỗn mang của cuộc đời thì không có gì là chắc chắn 100% cả.

Ở đây tôi chỉ thử nghĩ tại sao nhiều người lại đặt câu hỏi ấy? Phải chăng với nhiều người, trong đó có các bạn trẻ, sự nổi tiếng là rất quan trọng? Và có thể là các bạn đang nghĩ rằng sau những khổ luyện và thành công như thế mà không nổi tiếng thì thật là... uổng phí quá (!).

Cùng chủ đề về sự thành công và nổi tiếng, thì Birdman - bộ phim đoạt giải Oscar phim hay nhất năm nay - là một cắt cứa trần trụi sâu thẳm. Sau khi nổi danh với vai diễn siêu anh hùng Birdman (người chim), Riggan Thomson (Michael Keaton thủ vai) đã ngấy những bộ phim bom tấn quá thể.

Nhưng nghiệp diễn không cho phép dừng lại hay bỏ cuộc, Riggan Thomson muốn xuất hiện trở lại, nhưng không phải ở điện ảnh mà trên sân khấu kịch Broadway với một kịch bản được chuyển thể từ truyện ngắn của Raymond Carver. Hành trình trở lại đầy nhọc nhằn và ám ảnh.

Tại sao là Raymond Carver mà không phải là một tác giả thời thượng nào khác? Và tại sao là sân khấu Broadway?

Riggan Thomson từng là một người rất nổi tiếng, nhưng người nổi tiếng có phải bao giờ cũng thật sự là người nghệ sĩ tài năng? Riggan Thomson đã đứng trước và vượt qua những câu hỏi này. Riggan Thomson có tiếp tục nổi tiếng không? Hẳn nhiều người xem phim đã đặt câu hỏi đó...

Thành công và nổi tiếng là hai vế quan trọng của một cuộc đời, đặc biệt là đời nghệ sĩ. Nhưng éo le, sự thành công không phải lúc nào cũng đi liền với sự nổi tiếng, hay sự nổi tiếng không phải lúc nào cũng phản ảnh đúng về sự thành công, nhất là về chuyên môn.

Nhưng rõ ràng thành công hay nổi tiếng là nỗi ám ảnh không nhỏ đối với nghệ sĩ. Cho nên, có người biết chắc mình thất bại về mặt chuyên môn nhưng vẫn dùng đủ chiêu trò để nổi tiếng. Có người chấp nhận tai tiếng để nổi tiếng. Có người luồn cúi hay mua chuộc để được “bơm vá” cho nổi tiếng.

Trong Whiplash, ông thầy hắc ám Terence Fletcher nói một câu rất hay: “Không có từ nào trong tiếng Anh có hại hơn từ good job - làm tốt lắm”. Nếu như ai cũng dễ dàng xuê xoa như vậy thì sẽ không có sự khổ luyện để thành thiên tài.

Nhưng thực tế đâu phải ai cũng dám “đóng vai ác” như vậy. Ðâu phải ai cũng dám chê một nhà văn, khi mà nhà văn vốn “nhớ dai thù lâu”. Ðâu phải ai cũng dám chê một nghệ sĩ nổi tiếng khi mà họ đã quen nhận được những lời xưng tụng. Cho nên, thực tế cũng đã nảy sinh ra một kiểu hiểm ác là “khen cho chúng nó chết”.

Trong phim, Terence Fletcher cũng cay đắng nói rằng: “Nhưng giờ đó là thứ thế giới muốn”. Tránh đụng chạm, không dám chê, không dám nói thẳng ra sự thật. Fletcher không chọn cách đó, dù biết mình khá hắc ám, nhưng: “Tôi không bao giờ xin lỗi vì đã cố gắng hết sức”. Và cái mà Fletcher cố gắng hết sức là tạo ra những nghệ sĩ vĩ đại.

Và với họ, những nghệ sĩ vĩ đại đó, tôi nghĩ việc họ làm là cố hết sức để đạt tới một đẳng cấp nghệ thuật, còn cái gọi là thành công hay nổi tiếng họ chẳng bao giờ màng tới.

TRẦN NHÃ THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp