30/05/2018 12:36 GMT+7

Rơi nước mắt thư viết cho ba của nữ sinh lớp 12

THÁI HOÀNG
THÁI HOÀNG

TTO - 'Con đã nhận được tình yêu lớn từ ba, con đã nhận được toàn bộ những gì ba cho đi mà chưa một lần ba mong hồi đáp. Cánh cổng cuộc đời con từ hôm nay bắt đầu mở ra. Cánh cổng ấy được mở ra là nhờ ba và vì ba'.

Rơi nước mắt thư viết cho ba của nữ sinh lớp 12 - Ảnh 1.

Nguyễn Thúy Linh đọc thư gửi ba trong lễ trưởng thành và tri ân - Ảnh: THÁI HOÀNG

Bức thư gửi ba của nữ sinh Nguyễn Thúy Linh trong lễ tri ân tại Trường THCS - THPT Bác Ái (Q.Tân Bình, TP.HCM) khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Trong thư, Linh viết:

"Gửi ba!

Đây là lần đầu tiên con viết một lá thư hoàn chỉnh gửi cho ba. Khi con viết lá thư này, dòng chảy ký ức trong con cứ thế mà ùa về. Con nhớ lại lúc nhỏ, những lúc hạnh phúc trong vòng tay của cả ba và mẹ. 

Con nhớ cả quá trình mình lớn lên trong căn nhà to lớn của ngoại, kể cả những lúc sợ hãi mà trốn trong phòng một mình. Con nhớ những lần lên bục giảng nhận thưởng mà nghẹn ngào, bạn nào cũng có ba mẹ đến chung vui, còn con chỉ biết lẳng lặng về nhà.

Dù ba và mẹ đã không ở cùng nhau mười năm. Trong suốt mười năm đó, con từ một đứa bé tám tuổi nay đã trở thành cô gái mười tám tuổi. Ba cũng không còn khỏe như trước. Nhưng tình yêu, tình thương, sự bao dung ba dành cho con vẫn như ngày nào. 

Không ồn ào, phô trương mà bình dị, thân quen. Con đã quen với việc được ba yêu thương đến độ quên câu nói "Con xin lỗi" cho những lỗi lầm của mình với ba, hay câu "Con yêu ba" để đáp lại tình thương yêu ba dành cho con, và cả câu "Con cảm ơn" để cảm ơn ba vì đã hi sinh cho con quá nhiều!

Từ bé đến giờ, mỗi một món đồ con thích, ba đều cố gắng cho con. Ba luôn sợ con mặc cảm, sợ con tự ti với bạn bè nên luôn cho con những điều tốt đẹp nhất trong khả năng của mình, có khi còn nhiều hơn thế! 

Ba chưa bao giờ nói từ "không" đối với con mà luôn trả lời rằng: "Được, ba biết rồi". Nhưng điều đó không có nghĩa là ba nuông chiều con. Ba luôn dạy cho con từ những điều nhỏ nhặt nhất. Ba luôn muốn con hiểu rằng thế giới này rộng lớn, đẹp đẽ nhưng cũng rất nguy hiểm ra sao.

Con nhớ hoài hình ảnh ba chạy xe từ chỗ ba (cách nhà ngoại gần hai tiếng đồng hồ đi xe máy) để chở con đi ăn sáng, chở con đi học, chở con đi bơi... 

Ba sẽ chờ con học xong đưa con về nhà ngoại rồi ba mới về. Ba sẽ chờ con bơi rất lâu chỉ vì bơi rất tốt cho sức khỏe. Ba đã làm cho con đủ điều nhưng chưa khi nào ba đòi hỏi con trả ơn hay bắt con phải phụng dưỡng ba khi ba về già. 

Con đã quá vô tâm, và đã vô tư với việc nhận nhiều mà quên mất cái ba cần chỉ là sự cố gắng của con để sống tốt hơn mỗi ngày, để hoàn thiện bản thân của con hơn, để con vững vàng bước vào đời.

Hồi đầu năm nay con có vết thương ở chân phải mổ. Lúc mới mổ xong, vết thương còn rướm máu và rất đau. Bác sĩ bảo mỗi ngày đều phải thay băng, rửa vết thương cẩn thận để tránh nhiễm trùng. 

Lúc ấy ai hỏi gì con cũng bảo rằng mình không sao. Một mình con vất vả xuống từng bậc thang để lấy nước uống. Không ai biết tình hình của con. Duy chỉ có ba khi nghe tin đã đón xe lúc 11 giờ đêm để lên đây đón con về nhà, mặc dù nơi ba đưa con về không phải là nơi ba ở. 

Khi nhìn thấy con đau đớn rửa vết thương, ba nắm chặt tay con, ba vỗ nhẹ vào vai và nói với con rằng: "Ba ở đây! Ba ở đây!". Ba cũng đã khóc khi thấy con quá đau đớn.

Suốt một tháng con dưỡng bệnh, không ngày nào ba quên gọi điện hỏi thăm con, có hôm ba còn sang nhà ngoại để thăm con. Cả năm nay, cuối tuần nào vào mỗi bữa sáng, trưa, chiều, tối con đều nhận được tin nhắn bắt đầu bằng câu "Con gái ơi". 

Các lời nhắn của ba đều xoay quanh việc hỏi thăm xem con đã ăn uống, sức khỏe, tập thể dục... Những điều ấy đã khiến cho con, một người con học xa nhà, xúc động mỗi khi nghĩ đến.

Ba đã từng đối xử chưa tốt với mẹ nhưng với chị em con, ba luôn ân cần, quan tâm hơn những gì chúng con xứng đáng nhận được. Con nhớ có lần con nói với ba con rất ghét mùi thuốc lá, và từ đó ba đã bỏ thuốc (suốt mười năm qua).

Mỗi lần con về quê, ba luôn là người tranh thủ chở con đi mua đồ, lo cho con từng việc nhỏ, hỏi han con thi vào trường nào, học ngành gì... Ba rất quan tâm tới việc thi cử của con nên thường xem tin tức liên quan đến tuyển sinh.

Hôm nay, khi ba đọc lá thư này, con mong ba đừng khóc mà hãy vui lên vì con gái ba đã trưởng thành, đã có thể góp chút sức lực cho cuộc đời. Hôm nay, con gái ba hoàn toàn có năng lực để nói, để làm và để chịu mọi hành động của bản thân. 

Con không chắc rằng mình sẽ tốt hơn nữa mà con chỉ hứa với ba rằng con sẽ cố hết sức để tốt hơn mỗi ngày, để không phụ kỳ vọng của ba và để con xứng đáng hơn nữa với tình yêu của ba. Con rất muốn nói Con yêu ba!".

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, tác giả Thái Hoàng cho biết cách đây mấy ngày anh dự lễ tri ân tại Trường THCS - THPT Bác Ái (Q.Tân Bình, TP.HCM). Khi em Thúy Linh đọc thư tri ân người cha của mình, từ học sinh, thầy cô đến các bậc phụ huynh đều xúc động. Nhiều người không thể ngăn được dòng nước mắt của mình.

"Sau khi nghe em đọc xong, giáo viên dẫn chương trình cũng ứa nước mắt và nói trong nghẹn ngào. Có lẽ, bức thư của em đã "chạm" vào trái tim của nhiều người, nhất là người lớn chúng tôi.

Thúy Linh bắt đầu nhập học nội trú từ năm em học lớp 9. Những ngày đầu nhập học, em tâm sự với tôi về hoàn cảnh gia đình, cha mẹ đã không còn sống chung với nhau.

Ngày tổ chức lễ tri ân, cha và em gái của em đến rất sớm (vị phụ huynh đến sớm nhất), chúng tôi đã cùng tâm sự với nhau. Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời chúc tốt đẹp nhất dành cho ba cha con", tác giả Thái Hoàng chia sẻ.

Lễ trưởng thành và tri ân xúc động ở trường Tân Phú

TTO - Trường THCS - THPT Tân Phú (thành viên trực thuộc Hệ thống Giáo dục TTC) vừa tổ chức Lễ trưởng thành và tri ân dành cho học sinh khối lớp 12, niên học 2017-2018.

THÁI HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp