13/06/2018 09:11 GMT+7

Rơi nước mắt cô giáo lấy bệnh viện làm nhà vẫn lo cho trò

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Được khuyến cáo không tiếp xúc ánh nắng mặt trời, cô Hồ Thị Lý vẫn lặn lội vượt hơn 50km đi dạy vì 'để hiểu được từng học sinh, từng hoàn cảnh các em như thế nào không phải chuyện đơn giản, mình phải chịu khó'.

Rơi nước mắt cô giáo lấy bệnh viện làm nhà vẫn lo cho trò - Ảnh 1.

Cô Hồ Thị Lý trong một buổi dạy bồi dưỡng môn văn cho học sinh khối 12 vào năm 2015 - Ảnh: THÁI LỘC

Thật bất ngờ, trong số hồ sơ được gửi về chương trình "Đồng hành cùng người thầy" giai đoạn 2018-2020 có hồ sơ của cô Hồ Thị Lý. 

Cô Hồ Thị Lý là một trong những nhân vật từng xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ vào năm 2015. Khi đó, dù đã vào kỳ nghỉ hè nhưng cô vẫn miệt mài cùng đồng nghiệp vượt hàng chục cây số mỗi tuần để đến trường bồi dưỡng môn văn cho các em học sinh lớp 12.

Đồng hành cùng học trò

Người giáo viên có hồ sơ "Đồng hành cùng người thầy" là một giáo viên luôn đồng hành cùng học trò. Nhà của cô Lý ở thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), cách chỗ dạy - Trường THPT Hương Giang (huyện Nam Đông) hơn 50km. 

Hằng ngày cô Lý thường phải thức dậy từ 4h sáng để kịp bắt 2 chặng xe buýt, vượt đèo La Hi cách trở đến trường truyền con chữ cho các em học sinh miền rẻo cao Nam Đông.

Thời điểm chúng tôi gặp cô Hồ Thị Lý vào 3 năm trước đúng vào dịp cô trò Trường THPT Hương Giang đang gấp rút ôn luyện để chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp cô Lý đó là hình ảnh một giáo viên nhanh nhẹn, hoạt bát, luôn tươi cười với tất cả mọi người, nhất là với học sinh.

Phần lớn học sinh ở đây đều là người dân tộc Cơ Tu nên lực học rất yếu. Hơn nữa, do suy nghĩ "cái nương, cái rẫy mới cho miếng ăn chứ cái chữ không ăn được" nên nhiều bạn thích cầm rựa lên nương hơn là cắp sách đến trường. 

Vì vậy, ngày nào cô Lý cũng phải tìm mọi cách để "kéo" học sinh đến lớp. Cũng không ít lần cô cùng các đồng nghiệp phải băng rừng lội suối vào tận nhà học sinh để "bắt" các em đến trường.

Để khích lệ học sinh, cô Lý cùng một số giáo viên khác đều đặn trích ra một khoản tiền nhỏ từ đồng lương hằng tháng làm phần thưởng cho các học trò nghèo vươn lên trong học tập. 

Mỗi lần có chương trình thiện nguyện như tặng xe đạp, áo ấm... về trường, cô Lý đều dành cho những học sinh nào có nguy cơ bỏ học vì gia đình khó khăn.

Tạm xa học trò

Đúng 3 năm sau, hình ảnh cô giáo dạy văn hoạt bát, nhanh nhẹn không còn nữa, chỉ duy nụ cười là vẫn nở trên môi khi gặp lại, dù cô đang ở trong hoàn cảnh hết sức đau lòng. 

Cuối năm 2017, cô Lý được chẩn đoán mắc phải chứng bệnh Lupus ban đỏ. Trong quá trình điều trị, biến chứng của bệnh đã ảnh hưởng đến xương khớp, tim và thận. Kể từ đó, cô Lý thường phải lấy bệnh viện làm nhà. 

Chồng của cô, thầy Võ Hải - cũng là một giáo viên tiểu học, phải chạy vạy khắp nơi để lo tiền chữa bệnh cho vợ.

Tổng số tiền điều trị, thuốc thang đến nay đã hơn 100 triệu đồng là con số quá lớn so với đồng lương giáo viên ít ỏi của 2 vợ chồng cô Lý. 

"Vợ chồng tôi tính xây cái trại, nuôi thêm bầy heo để cải thiện thu nhập nhưng lại không có vốn. Chỗ nào vay mượn được thì cũng đã vay để lo tiền thuốc hết rồi..." - cô Lý tâm sự. 

Cũng kể từ khi đổ bệnh, thời gian cô Lý đứng trên bục giảng không còn nhiều. Những buổi băng rừng, vượt suối để vận động học sinh đi học cũng không còn nữa bởi đầu gối, gót chân của cô đã mỏi do bệnh tật.

Bệnh tật tuy làm sức khỏe đi xuống nhưng không thể khiến niềm đam mê với nghề của cô Lý nguôi giảm. Cô Nguyễn Thị Huyền Trang, giáo viên Trường THPT Hương Giang, nói sau mỗi lần xuất viện, cô Lý lại quay về trường đi dạy trở lại mặc cho người vẫn còn thấm mệt sau mỗi đợt thuốc. 

"Có hôm quá mệt, chị Lý chỉ nhờ chị em trong tổ văn dạy thay tiết đầu tiên chứ tuyệt đối không bỏ buổi. Trong trường thấy chị phờ phạc đi mà ai cũng thương" - cô Trang nói.

Nói về cô giáo đã từng đồng hành cùng học trò nay phải tạm xa, thầy Nguyễn Toàn Thắng, hiệu trưởng Trường THPT Hương Giang, nói: "Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại mang bệnh tật nhưng cô Lý luôn hết lòng với học sinh. Kể từ ngày cô nằm viện, rất nhiều học sinh ở trường thường xuyên hỏi tôi về tình hình sức khỏe của cô".

"Tết vừa rồi nhiều học sinh lặn lội từ trường về tận Phú Lộc chỉ để thăm tôi khiến tôi cảm động lắm. Đó là động lực khiến tôi không thể bỏ trường, bỏ học sinh của mình được" - cô Lý rưng rưng nói.

co ly

Cô Lý đang điều trị bệnh tại bệnh viện - Ảnh: V.H.

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì sao?

Để điều trị bệnh Lupus ban đỏ, các bác sĩ khuyến cáo cô Lý không được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Chính vì vậy nên nhiều người đã khuyên cô Lý xin chuyển về dạy ở một trường học nào đó gần nhà ở huyện Phú Lộc, thay vì mỗi ngày phải đi hơn 50km như hiện nay.

Nhưng "để hiểu được từng học sinh, từng hoàn cảnh các em như thế nào không phải chuyện đơn giản. Biết vậy nên mình phải chịu khó thôi. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì sao?" - cô Lý chia sẻ.

"Đồng hành cùng người thầy" giai đoạn 2018-2020

Từ những câu chuyện xúc động giới thiệu về những tấm gương thầy cô giáo có hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng vẫn kiên trì bám trụ, hết lòng chăm lo cho học trò, đặc biệt là ở các khu vực miền núi, vùng xa, năm 2017 chương trình "Đồng hành cùng người thầy" do báo Tuổi Trẻ và Thành đoàn TP.HCM đã tổ chức trao hỗ trợ 315 triệu đồng vốn không lãi suất cho 16 giáo viên làm thêm kinh tế gia đình trong hai năm.

Giai đoạn 2018-2020, chương trình tiếp tục triển khai nhằm tiếp sức cho các thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn thuộc khu vực sáu tỉnh, thành Trung Trung Bộ và 13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chương trình sẽ dành khoảng 1,5 tỉ đồng từ nguồn ủng hộ của bạn đọc để hỗ trợ vay vốn không lãi suất cho các thầy cô làm thêm kinh tế gia đình (không quá 20 triệu đồng/trường hợp) và các hỗ trợ khác dành cho những giáo viên vượt khó. Dự kiến lễ trao vốn khu vực Trung Trung Bộ được tổ chức vào tháng 6 và ĐBSCL là tháng 10-2018.

Bạn đọc có thể giới thiệu họ tên, số điện thoại và tóm tắt hoàn cảnh của những thầy cô đang giảng dạy có hoàn cảnh khó khăn cần sự hỗ trợ đến với Tuổi Trẻ hoặc tham gia viết bài về những con người cao quý này. Bài viết phải là người thật việc thật, độ dài không quá 1.500 từ, chưa đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Chương trình sẽ trao giải thưởng cho 10 bài viết hay (trị giá 3 triệu đồng/giải).

Thư giới thiệu hoặc bài viết gửi về ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc email: [email protected].

Cây đàn organ mơ ước của thầy giáo nghèo

TTO - Vợ mất để lại hai con thơ, một bé bị viêm cầu thận tháng nào cũng đi bệnh viện, thầy Thái Văn Hiển ước mong có cây đàn organ để đánh đàn đám cưới kiếm tiền lo cho con...

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp