Lực lượng nhân viên cứu hộ tìm kiếm nạn nhân trong các đống đổ nát - Ảnh: Reuters |
Theo AFP, chiếc máy bay chở 122 người, theo giấy tờ phần lớn là binh sĩ quân đội Indonesia và người thân gia đình họ, rơi xuống một khu dân cư ở thành phố Medan thuộc tỉnh Bắc Sumatra ngay sau khi cất cánh từ một căn cứ quân sự địa phương.
Ban đầu, không quân Indonesia cho biết chỉ có 12 nhân viên phi hành đoàn trên máy bay, nhưng sau đó liên tục cập nhật con số hành khách trên chuyến bay định mệnh.
Do đó, truyền thông Indonesia đã đặt những câu hỏi về quy trình quản lý yếu kém của quân đội. Một vấn đề đang gây tranh cãi là liệu không quân có bán vé để thường dân di chuyển bằng chiếc máy bay quân sự Hercules C-130 hay không?
Đó là hành vi vi phạm các quy định của quân đội. Reuters dẫn lời người thân một nạn nhân tiết lộ anh trai của bà đã trả 800.000 rupiah (60 USD) để lên máy bay.
Hiện trường thảm khốc
Một số người khác khẳng định thân nhân của họ đã chi tới 1 triệu rupiah để được bay trên máy bay quân sự. Tư lệnh không quân Indonesia Agus Supriatna tuyên bố không quân không hề có chủ trương bán vé máy bay cho thường dân.
“Chúng tôi lo ngại có một số kẻ đã nhận đưa thường dân lên máy bay mà không được phép. Chúng tôi đang điều tra vụ việc” - ông Supriatna nhấn mạnh.
Hiện trường vụ rơi máy bay là một quang cảnh vô cùng thảm khốc với hàng loạt tòa nhà bị phá hủy, những chiếc xe cháy rụi và bản thân chiếc máy bay Hercules C-130 có 51 năm tuổi cũng vỡ tan nát, chỉ duy nhất phần đuôi còn tương đối nguyên vẹn. Hiện tại, các đội cứu hộ đang đưa nhiều thi thể ra khỏi các đống đổ nát. Cảnh sát tạm thời xác định số người thiệt mạng là 142.
Tuy nhiên con số này có thể sẽ gia tăng nhanh chóng do có nhiều người dưới đất bị chôn vùi. Đến nay, quân đội đã xác định được nhân dạng của ít nhất 62 thi thể, phần lớn là quân nhân. Một sĩ quan quân đội Indonesia mô tả rất nhiều thi thể nạn nhân không còn nguyên vẹn.
AFP dẫn lời nhân chứng Tumpak Naibaho, 27 tuổi, kể khi máy bay rơi xuống có hàng trăm người tụ tập ở khu dân cư này.
“Máy bay bay tà tà rồi đâm vào một tòa nhà, một cột lửa phụt lên cao vút. Tất cả mọi người đều sợ hãi và la hét. Tôi tưởng đó là một vụ tấn công khủng bố. Tôi thấy một người mặt đầy máu và bụi, quần áo bốc cháy dữ dội. Tôi chưa bao giờ sợ hãi đến thế, tôi tưởng mình sẽ chết” - anh Naibaho bàng hoàng kể. Các quan chức quân đội cho biết máy bay đâm vào một khách sạn và một tòa trung tâm matxa.
Hôm qua, các đội cứu hộ vẫn nỗ lực dùng máy xúc dọn dẹp các đống đổ nát. Vẫn chưa rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Theo thông tin ban đầu, đài kiểm soát không lưu yêu cầu máy bay quay trở lại sân bay và có thể chiếc Hercules C-130 đã bị trục trặc động cơ. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh mở cuộc điều tra toàn diện nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc.
Nhu cầu hiện đại hóa
Hôm qua, Tổng thống Widodo cũng cam kết xem xét lại lực lượng máy bay quân sự đã quá cũ kỹ của Indonesia và “tái cơ cấu” quy trình mua bán và quản lý vũ khí của quân đội. Trao đổi với Tuổi Trẻ qua thư điện tử, nhà báo Rahmad Nasution từng làm cho Hãng Antara News thừa nhận an toàn hàng không vẫn còn là một vấn đề rất khó giải quyết đối với Indonesia.
“Rất nhiều vụ tai nạn máy bay đã xảy ra và người dân hoàn toàn không an tâm với an toàn hàng không của đất nước”- nhà báo Nasution cho biết.
Các tai nạn điển hình là vụ chuyến bay 8501 của Indonesia AirAsia đâm xuống biển Java khiến 162 hành khách và nhân viên phi hành đoàn thiệt mạng hồi tháng 12-2014. Năm 2005, một chiếc Boeing 737 của Mandala Airlines trượt đường băng khiến 100 hành khách, nhân viên phi hành đoàn và 49 người trên mặt đất chết oan.
Theo Mạng lưới An toàn hàng không (ASN), trong 10 năm qua đã xảy ra 10 vụ rơi máy bay của quân đội và cảnh sát Indonesia. Đến nay không quân Indonesia đã đánh mất bốn chiếc C-130.
Không quân cho biết sẽ ngừng bay tám chiếc C-130 khác cho đến khi tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn mới đây. Hồi tháng 4, một chiếc máy bay chiến đấu F-16 bùng cháy trên đường băng tại một căn cứ không quân ở thủ đô Jakarta.
Giới quan sát nhận định thảm họa này là sức ép nặng nề buộc Tổng thống Widodo phải thực hiện chiến dịch hiện đại hóa lực lượng máy bay quân sự một cách nghiêm túc.
Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính chi tiêu quốc phòng của Indonesia chỉ chiếm 0,8% GDP, mức thấp nhất trong khu vực. Mới đây ông Widodo tuyên bố ông có kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu quân sự lên 15 tỉ USD vào năm 2020.
Lý do đã không hợp thời Trả lời phỏng vấn báo New York Times, nhà phân tích hàng không Indonesia Gerry Soejatman cho biết trước đây quân đội Indonesia nhiều lần than phiền rằng việc Mỹ cấm vận vũ khí nước này vì vấn đề Đông Timor đã làm cản trở quá trình hiện đại hóa quân sự của Indonesia nói chung và khả năng nâng cấp máy bay nói riêng. Tuy nhiên lệnh cấm vận đó đã được dỡ bỏ từ năm 2005. “Đó không còn là lý do phù hợp nữa. Chúng ta cần phải điều tra rõ ràng nguyên nhân” - ông Soejatman nhấn mạnh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận