Phóng to |
Trả lời của phòng mạch online:
Tiền đình là vùng nằm ở phía sau ốc tai, là một hệ thống có vai trò quan trọng trong duy trì thăng bằng, phối hợp cử động mắt, đầu và thân mình
Thăng bằng cơ thể:
Ðứng trên trái đất, con người luôn luôn chịu nhiều sức ép hút lôi cuốn nên dễ ngả nghiêng. May mắn là tạo hóa đã cho ta một cơ chế để giữ cơ thể được thăng bằng. Khả năng này tùy thuộc vào các cảm giác đến từ ba vùng chính là mắt, tai trong và các thớ thịt, khớp xương.
-Mắt thu nhận các dữ kiện về vị trí và sự di động của cơ thể trong không gian rồi chuyển lên não.
-Thụ cảm thần kinh da tại các khớp xương và cột sống cho biết phần nào của cơ thể chạm xuống mặt đất; thụ cảm trong bắp thịt và xương cho biết phần nào của cơ thể đang chuyển động;
-Bộ phận mê đạo và tiền đình ở tai trong có trách nhiệm cung cấp cho não bộ các cảm giác về tư thế, vị trí và sự xoay của cơ thể cũng như sự hiện diện các vật chung quanh. Các chuyển động như quay mình, nghiêng qua phải qua trái, tới phía trước phía sau, lên trên hay xuống dưới đều được các bộ phận này ghi nhận.
Mê đạo (labyrinth) là một hệ thống cuộn gồm các xoang và ống, tạo thành một cơ quan để giữ thăng bằng cơ thể và nghe âm thanh. Bộ phận này gồm có ba xương hình bán khuyên nho nhỏ, một dung dịch chất lỏng, các dây thần kinh và một số sợi cảm xúc mềm nhỏ li ti.
Tiền đình (vestibule) tai là xoang của mê đạo xương có chứa tiều nang và thông nang là cơ quan chịu trách nhiệm sự cân bằng cơ thể.
Não bộ tiếp nhận, phân tích, phối hợp các tín hiệu này để giữ vững cơ thể. Khi não bộ không sử dụng được các tín hiệu này, hoặc các tín hiệu không rõ rệt, trái ngược nhau thì ta sẽ bị mất thăng bằng. Say sóng khi đi tàu biển, chóng mặt khi ngồi xe là do cùng nguyên tắc. Ngồi trong máy bay gặp gió bão, máy bay chòng chành, ta không nhìn thấy thay đổi bên ngoài nhưng tai tiếp thu sự giao động, ta thấy choáng váng, xây xẩm.
Rối loạn tiền đình dễ xảy ra ở những người làm việc văn phòng, ngồi nhiều trong phòng lạnh và tiếp xúc thường xuyên với máy tính. Vì ngồi nhiều trong phòng lạnh, vùng cột sống cổ dễ bị nhiễm lạnh, lâu ngày làm co thắt động mạch cột sống , dẫn đến rối loạn tiền đình ngoại biên. Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh dễ tái phát nếu không lưu ý kỹ.
Biểu hiện : Người cứ thường xuyên bị chóng mặt, quay cuồng, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, đi đứng nhiều khi bị mất thăng bằng..Nếu bạn nhắm mắt lại cũng thấy nhà cửa đang quay cuồng.. Bệnh hay tái phát, gây khó chịu, làm ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống. Đó là bạn đang gặp phải chứng rối loạn tiền đình.
Bệnh có thể diễn biến trong vài ba ngày, rồi hồi phục dần nhưng cũng có thể kéo dài và để lại những di chứng mất thăng bằng, lao đao, mắt mờ nhòe, chân tay tê bì, run rẩy, suy yếu mệt mỏi một thời gian, ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe.
Có khá nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiền đình: môi trường, thời tiết (chuyển mùa), nhiễm độc (hóa chất, thuốc, ăn uống...), tuần hoàn kém và các vấn đề thần kinh, tâm lý, tạo máu.
Biến chứng:
Chóng mặt có thể tăng nguy cơ té ngã; tăng nguy cơ tai nạn khi lái xe hoặc điều khiển máy tự động. Người bị rối loạn tiền đình thường thấy mệt mỏi, đi lại khó khăn, không muốn tham gia vào các sinh hoạt thường lệ, bỏ các thú vui tiêu khiển.
Các vị cao niên là rất hay bị mất thăng bằng cơ thể và là lý do thông thường để các cụ đi bác sĩ khám bệnh. Ngoài ra vì chóng mặt, các cụ hay bị té ngã, với gẫy xương hông, có thể đưa tới tàn tật.và các hậu quả khác nếu không điều trị.
Khi mắc phải những triệu chứng rối loạn tiền đình, người bệnh cần đến khám ở chuyên khoa nội thần kinh, hoặc chuyên khoa tai - mũi - họng, để được chẩn đoán, xác định nguyên nhân mà có hướng chữa trị thích hợp. Việc chữa trị rối loạn tiền đình phần lớn là điều trị nội khoa và cần đề phòng, tránh để bệnh tái phát, nhất là với rối loạn tiền đình ngoại biên.
Bạn viết ngắn quá nên không thể biết là bạn bị rối loạn tiền đình thể gì? Có một số người hay bị viêm xoang, khi thời tiết thay đổi cũng bị rối loạn tiền đình. Bạn nên đi khám chuyên khoa thần kinh để loại trừ những tổn thương thực thể. Có khi nguyên nhân bệnh bé tý nhưng bạn quá lo lắng chăng?
Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: [email protected] Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn! B.CHÂU thực hiện |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận