Giấc mơ trường sinh bất lão, sức khỏe siêu việt luôn nằm trong kỳ vọng của loài người. Có thể thấy nó qua những nhân vật siêu nhân trong các bộ phim khoa học giả tưởng của Mỹ.
Đó là những con người với trí thông minh, sức mạnh, siêu năng lực và một cơ thể dẻo dai bền bỉ luôn có mặt kịp lúc để bảo vệ con người, bảo vệ Trái đất khỏi sự thống trị, sự diệt vong bởi các thế lực ngầm hung bạo.
Và đặc biệt là, sau khi hoàn thành những sứ mệnh giải cứu, những siêu nhân đó trở lại đời thường chỉ là những em học sinh, sinh viên, cũng ăn uống, học hành, yêu đương, buồn, giận như những con người bình thường.
Biến thành siêu nhân không chỉ là những giấc mơ viển vông của các trẻ em, mà nó còn có cơ sở khoa học thực sự.
Có thể biến con người thành siêu nhân
Rất nhiều nhà khoa học đã dồn tâm huyết và tiền bạc vào những dự án như vậy và người đang đi tiên phong hiện nay chính là tỉ phú công nghệ giàu nhất hành tinh Elon Musk.
Ngoài những dự án tham vọng về không gian, ông cũng đang đi đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Mới đây, ngày 25-5, công ty khởi nghiệp Neuralink của ông đã được Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) của Mỹ cấp phép thử nghiệm cấy một loại thiết bị do công ty này phát triển vào não người.
Theo những thông tin mà Elon Musk đưa ra, thiết bị này có khả năng giải mã hoạt động của não người và liên kết não với máy tính.
Ông Musk cũng từng tuyên bố việc cấy ghép này sẽ có thể chữa được một số loại bệnh tật như béo phì, tự kỷ, trầm cảm và tâm thần phân liệt, ngoài ra nó còn cho phép duyệt web bằng ý nghĩ và tương tác mà không cần tiếp xúc.
Trong một buổi thuyết trình, Neuralink đã cho khán giả xem cảnh một số con khỉ chơi các trò chơi điện tử cơ bản, hay di chuyển con trỏ trên màn hình thông qua thiết bị của Neuralink.
Như vậy, nếu việc cấy ghép thành công trên não người, sự kiện này sẽ chính thức mở ra một kỷ nguyên của những cyborg thực thụ.
Thật ra, từ cyborg bắt đầu xuất hiện từ những năm 1960 bằng cách viết tắt các từ "điều khiển học" (cybernetic) và "sinh vật" (organism). Ngày nay nó là cụm từ để chỉ những sinh vật tồn tại dưới dạng cả hai phần sinh học (người) và nhân tạo (máy).
Nếu làm được như vậy thì ranh giới giữa con người và máy tính sẽ dần dần bị xóa, con người có thể suy nghĩ nhanh, làm việc với một dữ liệu khổng lồ của máy tính và ngược lại, máy tính sẽ giúp cho những điểm yếu, những khiếm khuyết của cơ chế sinh học trong con người hoàn thiện hơn, khỏe mạnh hơn.
Thậm chí các nhà khoa học còn nhắm đến khát vọng thâm sâu nhất của con người là được sống bất tử bằng cách truyền sự sống của mình qua cỗ máy tính vô tri vô giác.
Nghĩa là trong tương lai, khi sự kết nối giữa não bộ và hệ thống máy tính đã hoàn thiện, chúng ta có thể sao chép toàn bộ trí nhớ, nhân cách của mình rồi lưu trữ trên các đám mây điện toán.
Khi cơ thể sinh học chết đi, việc còn lại là chuyển toàn bộ các dữ liệu đã sao chép vào một phiên bản "siêu robot" tạo hình người y hệt, bên trong là một hệ điều hành "android" nâng cấp nào đó, và chúng ta tiếp tục "sống" bất tử với trí tuệ và nhân cách đã được số hóa, trở nên một cyborg thực thụ.
James Lovelock - nhà khoa học và tiểu thuyết gia nổi tiếng người Anh, cha đẻ của thuyết Gaia (Trái đất là một siêu sinh vật đang sống và liên tục tự điều chỉnh) - đã dự đoán cyborg đầu tiên sẽ xuất hiện muộn nhất vào năm 2050.
Việc trở thành người giàu nhất thế giới đã chứng minh rằng Elon Musk chẳng phải là một gã "điên" để đi bỏ tiền đầu tư vào những thứ viển vông vô bổ.
Dự án Neuralink phải là kết quả của sự đúc kết rất nhiều các thí nghiệm công nghệ sinh học đã thành công của các nhà khoa học nổi tiếng, kết hợp với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin tạo ra những loại chip siêu nhỏ có khả năng gắn kết và hoạt động bên trong não người.
Thật vậy, nhìn một cách tổng thể, các nhà khoa học đã tiến rất nhanh, rất ngoạn mục trong lĩnh vực công nghệ sinh học tạo tiền đề cho Musk tự tin tiến hành dự án.
Có thể hack tế bào, ADN để chữa bệnh
Trong một bài nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature Biotechnology năm 2017, các nhà khoa học đã tiến hành hack một tế bào, tái lập trình nó như một chiếc máy tính thông thường.
Nói một cách dễ hiểu, các tế bào như một máy tính siêu nhỏ, có khả năng nhận và xuất thông tin.
Ví dụ, nếu chúng ta ăn nhiều kẹo thì lượng đường trong máu sẽ tăng lên, thế là các tế bào tuyến tụy sẽ nhận được thông tin, rồi nó xuất thông tin ấy ra dưới dạng insulin để giảm lượng đường trong máu.
Cũng vậy, các nhà khoa học đã tìm cách can thiệp, chỉnh sửa các thuật toán của ADN, và có thể ra lệnh cho một đoạn ADN nhất định phát sáng lên chẳng hạn.
Nhà sinh vật học Wilson Wong tới từ Đại học Boston (Mỹ) - người dẫn đầu nghiên cứu này - nói rằng họ có thể sử dụng những phần tế bào phát sáng ấy để chẩn đoán bệnh tật, bằng cách kích hoạt chúng với một loại protein đặc biệt liên quan tới những loại bệnh cụ thể.
Nếu như tế bào có thể sáng lên sau khi họ hòa chúng với máu bệnh nhân, điều đó có nghĩa là người thử máu đã mắc căn bệnh đó. Đây sẽ là phương pháp chẩn đoán bệnh rẻ hơn rất nhiều so với cách thức thử máu hiện nay.
Hoặc mới đây, ngày 20-6, tạp chí Nature đã đưa tin Peter Schultz và các cộng sự của ông tại Đại học California, Berkeley (Mỹ), đã thành công trong việc hack mã di truyền của tế bào để cung cấp cho protein một sức mạnh mới. Phương pháp này nếu áp dụng sẽ có thể chữa được nhiều căn bệnh.
Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học Thụy Sĩ khiến cả thế giới phải ngạc nhiên khi thử nghiệm thành công một loại mô điện linh hoạt được chế tạo từ tấm silicon và tế bào điện bằng bạch kim để nối liền những dây thần kinh đã bị tổn thương trong quá trình cấy ghép tủy.
Kênh Da Vinci còn đưa tin, các nhà khoa học Anh đã phát triển một thiết bị nghe được cấy vào bên trong tai nối với các dây thần kinh não để những người điếc có thể nghe được. Tương tự, họ cũng phát triển một camera nối với một máy tính, máy tính sẽ phân tích màu sắc rồi truyền đến một thiết bị đã được cấy trong vỏ não, thiết bị này kích thích các tế bào thần kinh ở vỏ não thị giác, giúp người mù thấy được.
Một thành công về công nghệ sinh học cũng phải nhắc tới đó là chú cừu Dolly được tạo ra bởi Ian Wilmut, Keith Campbell và các cộng sự tại Viện Roslin ở Edinburgh, Scotland bằng cách nhân bản vô tính. Sau đó đã dậy sóng trong cuộc tranh luận có nên áp dụng nhân bản vô tính cho người.
Những vấn nạn về đạo đức sinh học, và tương lai của nhân loại
Con người thường hay hưng phấn về những tiến bộ khoa học vượt bậc nhằm mục đích phục vụ cho nhân loại được sống khỏe hơn, lâu hơn, sung sướng và hạnh phúc hơn.
Thế nhưng mặt trái của nó nếu tưởng tượng ra thì tương lai của nhân loại sẽ vô cùng khủng khiếp và đặt ra nhiều vấn nạn cho tương lai của con người ngày nay.
Vấn nạn đầu tiên là định nghĩa thế nào là NGƯỜI. Căn tính của con người sẽ thay đổi hoàn toàn nếu con người được kết nối với máy tính.
Con người điều khiển máy tính hay con người không thể thoát ra một đám mây dữ liệu khổng lồ đàn áp tâm trí của mình, để phải quyết định và hành động theo như bộ dữ liệu định hướng. Sẽ không còn tự do, sáng tạo, và một trái tim yêu thương thì không thể có một máy tính nào đo lường và thay thế được.
Và nếu như con người biến thành những cyborg "bất tử" thì người ta hoàn toàn có nhân bản thành hàng vạn con "cyborg" như vậy để làm công cụ cho chiến tranh thì sao?
Hay việc nhân bản vô tính cũng thế, về mặt lý thuyết họ có thể nhân bản ra bao nhiêu con người giống nhau tùy ý.
Lúc này con người không thể được hiểu như một cá thể duy nhất với những quyền căn bản mà Hiến chương Liên Hiệp Quốc đã định nghĩa nữa, mà sẽ trở thành những file dữ liệu vô tri vô giác đơn thuần mà thôi.
Vấn nạn thứ hai là mang tính quản trị xã hội. Ai sẽ điều hành trật tự xã hội khi toàn nhân loại kết nối với nhau trên mạng máy tính? Ai điều hành mạng máy tính? Nếu mạng máy tính bị kẻ xấu hack, sập nguồn, thậm chí cúp điện thì nhân loại sẽ ra sao? Kẻ xấu chỉ cần một cú click là toàn nhân loại sẽ "toang" ngay và luôn.
Cần nhớ vào năm 2017, các chuyên gia của Đại học Washington (Mỹ) đã công bố một nghiên cứu hết sức đặc biệt. Lần đầu tiên trên thế giới họ đã sử dụng phân tử mã hóa gene để tấn công và đoạt quyền kiểm soát một máy tính.
Bởi thế, các nhà lập pháp và chính phủ các quốc gia cần phải hết sức thận trọng với những nghiên cứu có can thiệp trực tiếp lên con người, vì kịch bản thảm họa, thậm chí diệt vong đối với loài người hoàn toàn có thể xảy ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận