Robot Baxter của công ty Rethink Robotics đang biểu diễn khả năng của nó tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Theo đài BBC (Anh), nghiên cứu của McKinsey Global Institute tiến hành với khoảng 800 loại hình nghề nghiệp tại 46 quốc gia trên thế giới, từ đó nhận thấy hơn 1/5 số lao động toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng trước xu thế phát triển công nghệ tự động hóa.
Cũng theo báo cáo này, 1/3 lực lượng lao động tại các nước phát triển như Đức và Mỹ sẽ cần phải được đào tạo lại để đảm nhiệm những loại hình công việc khác.
Các nhân viên điều khiển máy móc và các công nhân ngành thực phẩm sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong xu hướng phát triển công nghệ này.
Tuy nhiên, ở một phương diện khác, cũng theo báo cáo của McKinsey, tại những quốc gia nghèo hơn, do chưa có điều kiện đầu tư nhiều cho công nghệ tự động hóa sản xuất, mức độ ảnh hưởng với người lao động cũng ít hơn so với tình hình tại các nước giàu.
Cụ thể, tại Ấn Độ, báo cáo cho thấy chỉ có khoảng 9% số việc làm bị công nghệ robot thay thế.
Cũng theo báo cáo này, những ngành nghề công việc đặc biệt dễ tổn thương trước xu hướng phát triển công nghệ tự động gồm môi giới cầm cố tài sản, trợ lý luật sư, kế toán và các vị trí công việc thuộc bộ phận không trực tiếp tạo ra doanh thu tại các doanh nghiệp.
Trong khi đó những công việc đòi hỏi phải có sự tương tác nhiều của con người như bác sĩ, luật sư, giáo viên và nhân viên pha chế lại là những việc ít bị "cạnh tranh" với robot hơn.
Những kiểu công việc thu nhập thấp mang tính chuyên biệt như làm vườn, sửa đường ống và chăm sóc sức khỏe cũng sẽ ít bị ảnh hưởng hơn trước công nghệ tự động, báo cáo của McKinsey ước đoán.
Tại các quốc gia phát triển, nhu cầu giáo dục đại học sẽ tăng trong khi các công việc đòi hỏi lao động ít chất xám sẽ ngày càng giảm bớt.
Chỉ tính riêng tại Mỹ, tới năm 2030 sẽ có từ 39-73 triệu việc làm sẽ biến mất, nhưng sẽ có khoảng 20 triệu trong số những lao động bị thay thế đó có thể dễ dàng được chuyển đổi sang các ngành công nghiệp khác.
Tại Anh, báo cáo dự đoán tính tới năm 2030, sẽ có khoảng 20% số việc làm hiện nay bị thay thế bằng công nghệ tự động.
Các chuyên gia nghiên cứu của McKinsey cho rằng, cùng với xu hướng robot chiếm lĩnh công việc của con người thì công nghệ mới cũng sẽ tạo ra những kiểu việc làm mới, cũng tương tự như thời điểm ra đời của máy tính cá nhân vào những năm 1980 đã dần đưa công nghệ tham gia quá trình hỗ trợ công việc và hoạt động thương mại điện tử trực tuyến sau này.
Từ đó báo cáo McKinsey thúc giục chính phủ các nước cần đón đầu xu hướng để có những kế hoạch đào tạo lại nghề nghiệp cho người lao động nhằm tránh nguy cơ thất nghiệp diện rộng khi mỗi quốc gia bước vào giai đoạn tự động hóa tất yếu của nhân loại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận