Robot vẫn có thể đi tiếp dù bị thương - Video: MailOnline
Các nhà khoa học từ Đại học Pierre và Marie Curie (Pháp) và Đại học Wyoming (Mỹ) cho biết họ đã chế tạo robot này dựa trên cơ chế tự phục hồi của các loài vật.
Khi một con thú bị thương ở chân, chúng có thể thích nghi bằng cách đi khập khiễng, chuyển trọng tâm sang chân kia hoặc một số chiến lược khác.
Ví dụ một con chó dù chỉ ba chân vẫn có thể bắt bọ cánh cứng, hoặc nếu ai đó bị bong gân mắt cá chân, họ vẫn có thể tìm ra cách để đi tiếp.
"Khi bị thương, động vật có trực giác về những cách khác nhau để xử lý tình huống", Jean-Baptiste Mouret - đồng tác giả nghiên cứu, nói.
"Những trực giác này cho phép chúng chọn vài cách khác nhau để thử, và sau những lần thử này, chúng sẽ chọn một cách có lợi nhất. Chúng tôi đã chế tạo ra các robot có thể làm tương tự", ông giải thích.
Trước khi vận hành, robot này sử dụng thuật toán mới để tạo ra một bản đồ chi tiết về không gian. Điều này cho phép nó phát triển trực giác nhất định về những hành vi mà nó có thể thực hiện và ưu thế của các hành vi đó.
Các nhà khoa học hi vọng sẽ giúp robot 'sống sót' lâu hơn khi làm các nhiệm vụ nguy hiểm như cứu người trong cháy rừng hoặc động đất - Ảnh: Đại học Pierre và Marie Curie
Về cơ bản, robot có thể xây dựng một thư viện các chuyển động khác nhau và thiết lập các bộ phận cơ thể mà nó có thể dựa vào nếu bị thương, ngay cả khi nó bị gãy hoặc cụt chân.
Tuy nhiên quá trình này sẽ mất quá nhiều thời gian và có khả năng làm hỏng thiết bị, do đó các nhà khoa học đã lập sẵn bản đồ bằng mô phỏng máy tính.
Khi làm như vậy, họ có thể kiểm tra và lập bản đồ hơn 13.000 cách đi khác nhau cho robot, bao gồm cả khi "chân robot bị hỏng, gãy và rơi ra, và cánh tay robot bị gãy", theo các nhà nghiên cứu.
Các nhà khoa học gọi quá trình này là "một thuật toán và thử nghiệm thông minh", cuối cùng cho phép robot thích ứng với các tình huống trong tối đa 2 phút.
Với nghiên cứu này, họ hi vọng sẽ giúp robot 'sống sót' lâu hơn khi làm các nhiệm vụ nguy hiểm như cứu người trong cháy rừng hoặc động đất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận