18/08/2024 13:00 GMT+7

Rổ bánh giò 'tri túc' của bà Phương

Phố Hàng Vải (Hà Nội) có một hiệu bánh giò đặc biệt. Nó không treo biển hiệu, ai biết thì mua, biết mà đến muộn cũng hết, vì quán chỉ bán 25 chiếc mỗi ngày, đủ cho hạnh phúc giản dị của hai mẹ con, người gần 90 tuổi, người gần 70 tuổi.

Rổ bánh giò 'tri túc' của bà Phương - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Phương qua nét ký họa của kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy

Quán bánh giò đặc biệt này còn bao nhiêu điều lạ lùng khác, như quán ấy bán thứ quà người ta hay ăn sáng mà tới gần trưa mới bán chỉ vì chủ quán bảo muốn bánh ngon thì nguyên liệu làm bánh phải thật tươi ngon.

Đó là hiệu bánh giò đặc biệt của bà Trần Thị Phương (67 tuổi) ở phố Hàng Vải, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Rổ bánh giò 'tri túc' của bà Phương - Ảnh 2.

Bà Trần Thị Phương ngồi gói bánh giò trước cửa nhà - Ảnh: T.ĐIỂU

Người bán bánh giò đặc biệt

Mấy chục năm qua, bà con phố Hàng Vải lẫn những người buôn bán trên con phố này đã rất quen thuộc với hình ảnh mỗi sáng sớm bà Trần Thị Phương lưng còng đạp chiếc xe đạp mini ra chợ chọn mua miếng thịt thật tươi ngon và những nguyên liệu khác để làm bánh giò. Đi chợ về, bà ngồi trước hiên nhà thảnh thơi gói bánh.

Nhà chật, chỉ 16m2 cho hai mẹ con, gần đây thêm cậu em trai bà Phương và người cháu về ở cùng, nên bà thường ngồi vỉa hè gói bánh, cũng là để tiện trông coi mấy chiếc xe máy bà nhận làm để thêm chút thu nhập.

Hình ảnh bà áo quần cũ chân phương, mái tóc muối đã nhiều hơn tiêu ngồi thư thả gói bánh trước hiên nhà khiến bao du khách qua đây đều ngạc nhiên lẫn cảm động.

Bên trong căn phòng tuềnh toàng, bà mẹ già gần 90 tuổi của bà Phương, tên Trần Thị Thảo, ngồi nhìn nhịp sống chảy trôi ngoài đường phố nhộn nhịp mà khuôn miệng lúc nào cũng như đang mỉm cười. Làm thế nào mà giữa con phố cổ đắt đỏ nhường ấy lại có thể bắt gặp hình ảnh giản dị tưởng chỉ có thể bắt gặp ở một làng quê nào đó.

Vậy mà hình ảnh ấy đã không thay đổi suốt mấy chục năm qua, mặc cho bao đổi khác của xã hội, mặc cho giá nhà trong con phố này đã tăng đến con số kinh hoàng. Đằng sau cuộc sống giản dị, thanh bạch giữa phố thị phù hoa của hai mẹ con họ là một thứ quan niệm sống khiến không ít người đang mải mê kiếm tìm vật chất phải dừng lại nghĩ suy.

Bà Phương khi còn trẻ từng là công nhân Nhà máy dệt 8-3 ở Hà Nội. Giống bao người con gái khác, bà cũng mơ về một mái ấm gia đình. Nhưng cái lưng bà mỗi ngày thêm gù, sức khỏe yếu, bà nghỉ việc nhà máy.

Các anh chị em lớn lên đi lấy chồng lấy vợ, ra ở riêng, bà Phương sống cùng mẹ già trong ngồi nhà chật chội ngay mặt phố Hàng Vải của gia đình.

Bà học nghề bánh giò từ nhà người em gái lấy chồng về làng giò chả Ước Lễ (Thanh Oai, Hà Nội), hàng ngày làm bánh bán mưu sinh.

Tính cẩn thận, tỉ mỉ, thật thà, những chiếc bánh của bà làm ra rất ngon. Khách đông, bà mỗi ngày làm hơn 200 chiếc. 

Nhưng qua vài năm bà ốm vì công việc vất vả. Vậy là bao nhiêu tiền kiếm được trong những năm tần tảo, chắt bóp bán bánh đổ hết vào bệnh viện, thuốc thang.

Khi khỏe lại, bà quyết định dứt khoát chỉ làm nhẹ nhàng vừa sức, kiếm đủ bữa cơm nhạt. Mỗi ngày bà chỉ gói 25 cái bánh giò, bán hết là nghỉ.

Không treo biển vì khách hỏi nhiều bà không có sức phục vụ, nên rổ bánh giò của bà Phương chủ yếu bán cho người hàng phố, khách quen.

Rổ bánh giò 'tri túc' của bà Phương - Ảnh 3.

Hai mẹ con bà Trần Thị Thảo (trái) và Trần Thị Phương trong ngồi nhà nhỏ nhưng luôn sẵn nụ cười - Ảnh: T.ĐIỂU

Và bà mẹ "minh triết"

Tất nhiên 25 chiếc bánh giò bé nhỏ không đủ nuôi sống hai người già với những chén cơm giản dị. Bà Phương có chút tiền trợ cấp người khuyết tật hàng tháng.

Mẹ của bà thì được người con gái khá giả nhất biếu mỗi tháng một số tiền nhỏ ăn quà, cộng thêm tiền trông mấy chiếc xe máy trên vỉa hè trước nhà là đủ cho hai người già vốn cả đời đã quen nếp sống giản dị. Nhìn mẹ con bà áo quần cũ, nếp nhà tuềnh toàng, những bữa ăn đạm bạc, ai ngờ họ thực ra đã chọn sống thanh bần trên một đống của lớn.

Căn nhà của bà Thảo chỉ 16m2, nhưng nhà tầng 1 ngay mặt phố, người ta đã đến trả bà hơn chục tỉ đồng nhưng bà không bán.

Bà Thảo có 8 người con nhưng đa số đều nghèo. Bà cũng từng nghĩ đến chuyện bán nhà rồi chia cho các con một ít, mình và người con gái khuyết tật cũng sẽ được ở trong ngôi nhà tinh tươm hơn.

Nhưng kế hoạch chưa xuôi mà bà đã rùng mình hình dung cảnh các con bà có thể vì chuyện chia chác gia sản mà thành bất hòa. Những chuyện như thế bà đã thấy nhiều lắm.

Bà nhất quyết không để chuyện như thế xảy đến với các con bà. Vậy là bà quyết không bán nhà và dự định khi bà qua đời cũng di chúc lại phải giữ căn nhà làm chỗ hương hỏa.

Nhà sẽ cho thuê cho người ta buôn bán, tiền thuê nhà tám tháng trong năm chia cho tám người con, còn bốn tháng để dành chi cho những người trong họ không may đau ốm, tai nạn, chuyện hiếu hỉ... Bà tính vậy và các con bà cũng ưng theo.

Bà Thảo bảo bà sống cả đời ở ngôi nhà này, nghèo mà vui. Nhà của bà chẳng khang trang bằng nhà ai trong phố, nhưng mà đất ở đây là đất ấm. Đất ấm thì người ở sẽ vui, cái vui mênh mang của những người biết tri túc như mẹ con bà.

Rổ bánh giò 'tri túc' của bà Phương - Ảnh 2.Có quán cháo trắng cút bằm đông khách qua ba thập kỷ

Tiệm cháo trắng cút bằm quen thuộc tại Bình Dương đông khách qua ba thập kỷ gây chú ý vì ngon dở tùy thuộc người ăn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp