Công nhân tại một nhà máy sản xuất linh kiện tại Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Cụ thể, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong gần 1 thập kỷ qua, trong lúc nhu cầu nội địa của nước này cũng được cải thiện.
Chỉ số quản lý thu mua Caixin/Markit (PMI) của Trung Quốc được công bố ngày 3-8 đã tăng từ 51,2 trong tháng 6 lên 52,8 trong tháng 7. Số liệu này đánh dấu 3 tháng tăng trưởng liên tiếp của PMI Trung Quốc và cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1-2011.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lo lắng làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 sẽ một lần nữa gây áp lực tới nhu cầu và tinh thần của doanh nghiệp toàn cầu, đẩy ngành sản xuất châu Á vào bất ổn.
Điển hình, ông Stefan Angrick, nhà kinh tế cao cấp của Oxford Economics, cho rằng Nhật Bản sẽ chỉ "hồi phục rất lâu và chậm rãi" giữa nguy cơ số ca COVID-19 tăng trở lại. Đại dịch cũng đe dọa chi tiêu trong nước và tại nước ngoài của Nhật.
"Với tốc độ hồi phục chậm của một số đối tác thương mại trọng yếu của Nhật Bản, ngành xuất khẩu và chi tiêu doanh nghiệp sẽ tiếp tục chật vật", ông Angrick dự đoán.
Tốc độ suy giảm trong hoạt động sản xuất của Nhật Bản và Hàn Quốc đã giảm xuống. Điều này cho thấy áp lực đối với các nhà sản xuất cũng đang bớt đi phần nào, đem lại hi vọng rằng tác động tồi tệ nhất của đại dịch đã đi qua.
Cùng lúc đó, PMI của Đài Loan đã tăng vượt mốc 50 điểm, tức thoát khỏi tình trạng suy thoái, theo Reuters. Thông tin từ Đài Loan cũng cho thấy nhu cầu đối với trang thiết bị làm việc tại nhà tăng đang điều khiển hoạt động kinh doanh chip điện tử.
Dù vậy, Reuters ghi nhận việc sản xuất của Philippines và Việt Nam vẫn suy giảm trong tháng 7, cho thấy sự khó khăn chung trong quá trình trở mình sau COVID-19.
Các tác động từ phong tỏa và giãn cách xã hội để ngăn ngừa dịch bệnh đã đẩy nhiều nền kinh tế châu Á vào suy thoái, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận