02/10/2023 09:55 GMT+7

Rệp 'xâm lăng' Paris

Gần đây một làn sóng hoảng loạn đã lan khắp nước Pháp khi du khách đến thủ đô Paris đăng tải hình ảnh cho thấy loài rệp xuất hiện trên tàu cao tốc, rạp chiếu phim, sân bay Charles de Gaulle.

Rệp chi chít trong một chiếc sofa giường ở xã L'Hay-les-Roses gần thủ đô Paris, trong ảnh chụp ngày 29-9 - Ảnh: REUTERS

Rệp chi chít trong một chiếc sofa giường ở xã L'Hay-les-Roses gần thủ đô Paris, trong ảnh chụp ngày 29-9 - Ảnh: REUTERS

Năm 2020, Pháp cũng từng ra mắt đường dây nóng về xử lý rệp khi nhận ra sự ảnh hưởng của rệp với đời sống của người dân. Một lần nữa loài côn trùng nhỏ bé nhưng đầy phiền toái này lại trở thành đề tài xôn xao ở kinh đô ánh sáng.

Rệp là một vấn đề sức khỏe (thể chất) và cũng là một vấn đề sức khỏe tinh thần với những người bị mất ngủ, bị chấn thương tâm lý hoặc phải dùng thuốc trầm cảm.

Dân biểu Quốc hội Pháp Mathilde Panot

Chính quyền ra tay

Trang nhất của tờ Le Parisien hôm 29-9 đăng tiêu đề bài viết nổi bật "Khủng bố trong gia đình", mô tả về sự tái xuất trên diện rộng của rệp ở nước Pháp.

Loài rệp có kích thước rất nhỏ chỉ khoảng 5mm nên dễ dàng len lỏi vào mọi ngóc ngách và rất khó bị phát hiện. Rệp thường xuất hiện trên nệm cũng như trong quần áo, hành lý. Các vết cắn của chúng gây ngứa và khó chịu cho con người.

Rệp xuất hiện khắp nơi trên tàu cao tốc, rạp chiếu phim, sân bay ở Pháp

Theo báo Guardian, các đại diện tại Tòa thị chính Paris đã kêu gọi Thủ tướng Élisabeth Borne thành lập lực lượng đặc nhiệm quốc gia để đối phó với "tai họa" đến từ loài côn trùng này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông vận tải Clement Beaune hôm 29-9 cũng khẳng định sẽ tập hợp tất cả các nhà điều hành phương tiện giao thông công cộng để thông báo các biện pháp đối phó với rệp và bảo vệ du khách.

Phát biểu với Đài truyền hình Pháp, Phó thị trưởng Paris Emmanuel Grégoire cảnh báo "không có an toàn" trước làn sóng rệp đang càn quét thành phố.

"Bạn có thể bắt gặp chúng (rệp) ở bất cứ đâu rồi mang về nhà, và cũng chẳng kịp phát hiện cho đến khi chúng sinh sôi và lan rộng", ông khẳng định.

Chính quyền Paris đã nhận được rất nhiều lời kêu cứu từ người dân, đồng thời các công ty tư nhân chuyên về khử trùng cho biết họ vô cùng "đắt khách" trong những tuần vừa qua.

Tuy nhiên, ông Grégoire nhấn mạnh "cuộc xâm lăng" của loài rệp là một điều tồi tệ với các gia đình có thu nhập thấp vì họ không thể trả phí khử trùng đắt đỏ.

Tuần rồi, người lái tàu trên tuyến Paris metro số 8 báo cáo sự xuất hiện của rệp trong toa tàu. Sau đó, cơ quan giao thông vận tải đã cho đoàn tàu tạm dừng hoạt động để xử lý, đề phòng rệp sinh sôi. Các rạp chiếu phim cũng thông báo đã "xử lý" ghế ngồi khi có báo cáo về rệp.

Ông Emmanuel Grégoire lên tiếng trấn an và cảnh báo người dân không nên quá hoảng loạn về vấn đề này, lưu ý rằng đang có nhiều người dân Paris tìm đến dịch vụ thông tin của tòa thị chính để biết thêm về rệp.

Ông cũng cho biết đây không phải là mối đe dọa với việc tổ chức Thế vận hội Olympic tại Paris vào năm 2024.

Rệp 'xâm lăng' Paris - Ảnh 3.

Rệp kháng thuốc trừ sâu

Chuyên gia Johanna Fite từ Cơ quan y tế và vệ sinh quốc gia Pháp (ANSES) cho rằng tình trạng rệp xuất hiện trên diện rộng gần đây là "một hiện tượng kỳ lạ mới xảy ra ở Pháp và hầu hết mọi nơi trên thế giới", đồng thời cảnh báo số lượng rệp đang tăng cao vì nhiều quần thể rệp ngày càng kháng thuốc trừ sâu.

Theo Công ty Bedbug Specialist chuyên xử lý rệp tại Anh, thuốc trừ sâu từng dễ dàng tiêu diệt rệp, nhưng một số quần thể sống sót đã phát triển sức đề kháng rồi di truyền cho các thế hệ sau. Kết quả là chúng dần trở nên "bất khả chiến bại" với thuốc trừ sâu.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 14 dấu hiệu ADN ở rệp khiến lớp vỏ của chúng trở nên dày hơn, ngăn các hóa chất độc hại xâm nhập vào cơ thể.

Rệp cũng đã thay đổi hai trong số 200 axit amin ở các phần của lỗ chân lông, làm cho chúng có thể chịu được lượng thuốc gấp 250 lần lượng thuốc trừ sâu thường sử dụng. Ngoài ra, chúng còn tạo ra một hỗn hợp enzyme giải độc để phân hủy chất độc từ hóa chất.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng xử lý nhiệt vẫn là một cách hữu hiệu để loại bỏ rệp khỏi môi trường sống.

Theo tiến sĩ Dini M. Miller từ khoa côn trùng học Đại học Bách khoa Virginia (Mỹ), nghiên cứu cho thấy rệp sẽ chết khi tiếp xúc liên tục trong hoặc hơn 90 phút với nhiệt độ 113oF (45oC) hoặc 20 phút với nhiệt độ 118oF (khoảng 47,7oC).

Riêng trứng rệp sẽ chết 100% khi tiếp xúc 90 phút với nhiệt độ 118oF. Xử lý nhiệt có hiệu quả lên đến 100% và chỉ mất một ngày nhưng sẽ cần đến các thiết bị chuyên dụng để tăng nhiệt độ trong không gian cần xử lý.

Phải làm gì khi bị rệp cắn?

Theo Hiệp hội Học viện da liễu Mỹ, các vết cắn của rệp thường xuất hiện theo chùm 3-5 vết và gây ngứa.

Bạn cần đến gặp bác sĩ da liễu để điều trị khi xuất hiện nhiều vết cắn, da đỏ, rộp, nổi mề đay hay có dấu hiệu nhiễm trùng da (vết cắn mềm hoặc chảy dịch).

Nếu không có dấu hiệu hay phản ứng nghiêm trọng, bạn cần rửa vết cắn bằng xà phòng và nước để ngăn nhiễm trùng và giúp giảm ngứa, sau đó bôi kem corticosteroid liều thấp. Lưu ý với corticosteroid liều cao thì cần được kê đơn. Vết cắn của rệp sẽ lành và biến mất trong 1-2 tuần.

Rệp nước tí hon: kẻ 'to mồm' nhất thế giớiRệp nước tí hon: kẻ "to mồm" nhất thế giới

TTO - Theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học Pháp và Scotland thì loài rệp tí hon với tên khoa học Micronecta Scholtzi là loài vật phát ra âm thanh lớn nhất thế giới, nếu xét về tỉ lệ với kích thước cơ thể.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp