Nhiều du khách nước ngoài đến với triển lãm - Ảnh Đức Triết |
Qua ống kính của nhiếp ảnh gia người Pháp, các bức chân dung nổi tiếng được Réhahn thực hiện luôn ánh lên vẻ đẹp hồn hậu, tự nhiên, ngời sáng trong những bộ trang phục truyền thống mang đậm sắc màu của từng dân tộc, khiến người xem thích thú. |
PGS.TS Võ Quang Trọng, giám đốc bảo tàng dân tộc học VN |
Chiều 1-8, tại Hà Nội, bảo tàng dân tộc học VN khai mạc trưng bày bộ sưu tập ảnh nghệ thuật Di sản vô giá của nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 1-10.
Trong cuộc giao lưu với báo chí trước giờ khai mạc triển lãm, Réhahn bày tỏ mong ước triển lãm sẽ góp phần thúc đẩy văn hóa các dân tộc VN vươn ra xa, bởi đó là cách hiệu quả nhất để bảo tồn văn hóa các dân tộc.
Anh cũng chia sẻ đến giờ, anh đã “làm thân” với 48 dân tộc sinh sống trên khắp đất nước Việt Nam và thực hiện được cả kho ảnh khổng lồ (theo anh có lẽ giờ đã lên đến cả trăm ngàn tác phẩm).
Với anh, mỗi chuyến đi trước tiên là để khám phá và được hòa mình vào không gian văn hóa của các dân tộc, sau đó mới đến việc chụp hình.
Vì vậy, Réhahn không ngần ngại ngồi đất nói chuyện với bà con hay châm tẩu thuốc cùng người Stiêng, Bana, Brâu, Tà ôi, Vân Kiều...
Hay như, để gặp gỡ được người dân tộc Rơmăm ở Sa Thầy, Kontum, Tây Nguyên, anh kiên trì đợi suốt 3 năm.
Đặc biệt, Réhahn từng dành 3 ngày để trò chuyện, kết thân với gia đình An Phước, khám phá cô bé A Phước ấy mang hai dòng máu Pháp - Việt có đôi mắt xanh to tròn rồi mới nâng ống kính...
6 năm với bao cuộc hành trình, giờ đây những tác phẩm của Réhahn không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn được tạp chí quốc tế sử dụng.
Gần đây nhất là tác phẩm An Phước, cô bé với đôi mắt xanh đã được được tờ Globe - Trotters của Pháp chọn làm trang bìa.
Réhahn chia sẻ với công chúng những câu chuyện đằng sau mỗi bức ảnh - Ảnh: V.V.TUÂN |
Réhahn chia sẻ: “Hoàn thành mỗi tác phẩm, niềm vui lớn nhất của tôi là thỏa mãn được sự tò mò trước kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam đầy quyến rũ và bí ẩn nhưng cũng đang dần bị mai một. Vì vậy, tôi không muốn mình chỉ là nhiếp ảnh gia mà còn muốn góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa đó.
Đến bản làng, tôi khuyến khích bà con mặc trang phục truyền thống, tạo cho họ niềm tự hào về những di sản, phong tục tập quán của cộng đồng. Khi thực hiện tác phẩm, tôi kể lại những dấu ấn văn hóa tôi được trải nghiệm".
Tôi mong muốn các tổ chức văn hóa cũng như các bảo tàng ở Việt Nam quan tâm những câu chuyện này, có thể tổ chức lễ hội carnival hội đủ 54 dân tộc Việt Nam ở Hội An thì thật thú vị và chắc chắn sẽ thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam đông đảo hơn. |
Réhahn bày tỏ |
Đến với triển lãm của Réhahn, ông Bliếc, người dân tộc Kơtu kể ông từng chứng kiến Réhahn mất 2 ngày mới chụp được 1 tấm hình. Thậm chí có lần Réhahn suýt bỏ mạng khi gặp tai nạn khi phóng xe máy tìm đến người Kơtu bên Lào.
“Với những người Kơtu chúng tôi, Réhahn gieo nguồn cảm hứng cho người Kơtu phục hồi những di sản văn hóa để phát triển du lịch. Và mỗi tác phẩm của anh luôn là những lao động cực nhọc thấm bao ký ức người dân Kơtu”, ông Bliếc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận