Rau phát triển tốt từ những giọt nước chắt chiu trên đảo - Ảnh: Q.THẾ |
Chiến sĩ Nguyễn Văn Tâm (22 tuổi, quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa, công tác tại đảo Đá Lớn B) chia sẻ: “Ngày còn ở bên gia đình tôi đã phụ giúp bố mẹ trồng rau. Ra đảo mới thấy rau sinh trưởng chậm, thời gian chăm lâu hơn. Do nguồn nước sạch hiếm nên buổi sáng chỉ dám tưới một ít để rửa trôi muối biển bám vào rau”.
Những giọt nước quý trong chiếc xô được các chiến sĩ trẻ nhanh chóng tưới trên luống rau diện tích khoảng 30m2, rồi dùng bao nilông che lại để bảo vệ rau.
Trung úy Nguyễn Đình Sơn - chính trị viên đảo Đá Lớn B - nói cứ trời có mưa là chiến sĩ, cán bộ lại hứng tích trữ cho tăng gia; nhiều khi chỉ cần cơn mưa 5-7 phút cũng đã rất quý giá. “Mặc dù chăm sóc cẩn thận nhưng có những thời gian phải cải tạo đất để trồng lại do biển động, hơi muối tạt vào làm cháy hết lá” - trung úy Sơn cho hay.
Ngoài vườn rau muống, mùng tơi tốt tươi thì vườn rau ở đảo Đá Lớn B còn có cả rau thơm, tỏi, hành và một số loại rau củ quả khác. “Trước các đợt gió Đông Bắc và Tây Nam, anh em lại chuyển cho rau nằm khuất dưới nhà tránh gió” - chiến sĩ Tâm nói.
Ở đảo Đá Lớn A, hướng mắt nhìn về khu chuồng trại chăn nuôi gia cầm, chiến sĩ Nguyễn Đình Lộc (20 tuổi, quê Khánh Hòa) cười tươi nói: “Trước ngày ra đảo xa công tác, tôi chưa biết chăm sóc rau hay nuôi vịt, gà, nhưng ra đây ngoài nhiệm vụ chính giữ đảo thì tăng gia là niềm vui, giúp chúng tôi bớt nhớ nhà”.
Đảo Nam Yết có đến 17 vườn rau, mỗi vườn trên 20m2. Là một trong những cán bộ nhiều năm công tác trên các đảo ở huyện đảo Trường Sa, trung tá Đào Văn Kha - phó chỉ huy trưởng đảo Nam Yết - chia sẻ kinh nghiệm: “Ngoài che chắn, sau mỗi lứa rau chúng tôi chôn lá cây xuống dưới tạo mùn, kết hợp với phân vi sinh để đất luôn được tơi xốp. Mùa trồng được nhiều củ quả như bí đỏ thì anh em tích trữ để phục vụ những thời điểm thời tiết khắc nghiệt”.
Nhiều đảo nổi ở huyện đảo Trường Sa như: Phan Vinh A, Sơn Ca... đã đầu tư thêm nhà kính với diện tích cả trăm mét vuông để trồng rau xanh.
ThS Phan Đức Huy Nhã (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Bộ NN&PTNT) chia sẻ: “Mặc dù làm nhà kính ở đảo mất nhiều thời gian, công sức nhưng nhìn thấy các chiến sĩ nâng niu từng nắm đất, giọt nước ngọt tưới rau đã làm anh em trong đoàn cố gắng nhiều hơn. Sau khi về đất liền chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, cải tiến những thiết bị, hoàn thiện quy trình, kỹ thuật mới áp dụng cho các đảo ở Trường Sa để đảm bảo vấn đề rau sạch”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận