Nhân viên siêu thị tại Phú Nhuận (TP.HCM) “đi chợ” cho khách mua online - Ảnh: Q.ĐỊNH
Mức tăng trưởng mạnh nhất rơi vào nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm tươi sống, giá trị trung bình từng giỏ hàng cũng cao hơn ngày thường.
Trải qua ba làn sóng COVID-19, người dân đã quen với việc mua sắm các nhu yếu phẩm cần thiết qua các kênh online, thay vì lo lắng tích trữ hàng hóa quá mức như trước đây.
Shipper chạy rát mặt, nhà bán hàng bận "tối mặt"
Sáng 4-6, tại một cửa hàng chuyên về thực phẩm trên đường Trần Não (TP Thủ Đức) khá vắng khách, nhưng nhân viên tại cửa hàng này lại vô cùng bận rộn. Các tài xế công nghệ đứng đợi, nhận giỏ hàng rồi nhanh chóng rời đi.
Từ khi TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội, đơn hàng qua điện thoại và đặt online ở cửa hàng này tăng gấp 3 lần so với trước. Người mua cũng chi mạnh tay hơn cho các thực phẩm tươi sống, dù giá nhỉnh hơn so với chợ, siêu thị.
So với đợt giãn cách xã hội lần đầu tiên vào đầu tháng 4-2020, nhiều bà nội trợ đã thích nghi với việc mua sắm online.
Từ đầu tháng 5 đến nay, các nhà kinh doanh cho biết đơn hàng online đổ về nhiều khiến các ứng dụng có thời điểm ghi nhận tình trạng quá tải, cửa hàng phải tạm ngưng nhận đơn hàng mới. Nhu cầu tiêu dùng tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm hằng ngày...
Anh Tùng, một shipper công nghệ, cho biết các đơn hàng thường dồn vào buổi sáng nên có ngày chỉ cần một buổi là anh đủ chỉ tiêu. "Khách mua mắm muối, dầu ăn, gạo và cả bánh mì, rau, thịt, cá... trong khi không thấy mua nhiều mì gói như năm ngoái", anh Tùng chia sẻ.
Theo đại diện Saigon Co.op, do đơn hàng tăng 3-5 lần so với ngày thường, toàn bộ nhân viên của hệ thống này đã được huy động sang xử lý đơn hàng online, tránh ùn ứ cho tài xế giao hàng.
"Ngay cả số tổng đài chăm sóc khách hàng cũng trở thành kênh nhận đơn hàng, sau đó chuyển đơn về siêu thị gần địa chỉ khách hàng nhất. Chúng tôi cũng thay đổi cơ cấu nhóm hàng trên các ứng dụng, tập trung vào nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thiết yếu", vị này nói.
Theo đại diện VinMart, việc đưa ra nhiều kênh mua sắm trên điện thoại như qua ứng dụng, gọi điện đến siêu thị gần nhất và trên website, sàn thương mại điện tử giúp khách có thể mua sắm qua nhiều kênh khác nhau và nhận hàng giao tận cửa sau 4 tiếng, hạn chế sự lây lan dịch bệnh và giảm thanh toán bằng tiền mặt.
Hệ thống này cũng ghi nhận lượng đơn đặt hàng online tăng gấp 2 lần sau khi có chỉ thị giãn cách toàn thành phố.
Trong tuần cuối cùng của tháng 5, số lượng đơn hàng qua các kênh mua sắm đi chợ hộ, mua hàng qua điện thoại, trang thương mại điện tử AeonEshop, mua hàng qua ứng dụng Aeon App/ Grabmart/ Now... cũng tăng mạnh.
Đại diện Aeon Việt Nam cho biết trong tháng 5, tổng số đơn hàng online tăng gấp 4-6 lần so với tháng 4. Riêng với đơn hàng qua Grabmart ghi nhận số lượng đơn hàng tăng gấp đôi, doanh thu tăng gấp 3 lần.
Giao dịch online tăng vọt, tạo việc làm cho đội ngũ giao hàng - Ảnh: Q.ĐỊNH
Nhiều chính sách hỗ trợ mua hàng
Không chỉ các mặt hàng thực phẩm tươi sống, nhu cầu mua sắm online đối với nhiều mặt hàng điện máy, điện tử, sản phẩm công nghệ thông tin... cũng tăng mạnh trong mấy ngày qua.
Chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh cho biết lượng đơn hàng tăng gấp 3 so với ngày thường. Hệ thống Di Động Việt có lượng khách mua online trên website tăng 45%, qua các kênh Facebook và YouTube tăng 40%. Chuỗi Shopdunk có số lượng đơn hàng giao tăng 50% so với trước dịch...
Để đảm bảo an toàn với dịch, các shipper tự nhận hàng tại khu vực riêng của mỗi người, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên với nhân viên.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ áp dụng chính sách giao hàng miễn phí ở các vùng dịch như TP.HCM để phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tối đa cho nhân viên giao hàng lẫn khách hàng, nhiều doanh nghiệp cho biết đã áp dụng những quy định và trang bị rất kỹ lưỡng.
"Chúng tôi lên phương án tổ chức điều phối nhân lực giao hàng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách trong quá trình giao nhận. Các nhân viên được kiểm tra thân nhiệt trước khi bắt đầu mỗi ca làm, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và xịt khuẩn" - ông Nguyễn Ngọc Đạt, CEO Di Động Việt, cho biết.
Trong khi đó, nhân viên tại Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh được yêu cầu chia đội hình tách biệt và đi khác ca, không cho tiếp xúc qua lại giữa các ca để tránh tình trạng lây nhiễm chéo.
"Các nhân viên cũng được khuyến nghị hạn chế tối đa tiếp xúc gần với khách hàng khi giao hàng, lắp đặt...", đại diện Thế Giới Di Động chia sẻ về quy trình làm việc mới của hệ thống này trong mùa dịch.
Các sàn thương mại điện tử cũng khuyến khích khách thanh toán qua thẻ thay cho việc thanh toán tiền mặt khi nhận hàng. Việc ký tên giao nhận hàng vẫn sẽ diễn ra nhưng khách có thể yêu cầu nhân viên giao hàng hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Thậm chí, dịch vụ giao nhận J&T còn khử trùng mọi kiện hàng bên cạnh việc đo thân nhiệt nhân viên trước khi đi giao.
"Ngoài ra, để khách hàng có thể an tâm hơn trong việc nhận hàng, trên mỗi gói hàng đều được gắn "Thẻ bưu kiện an tâm" thông báo về tình hình sức khỏe của shipper trên từng bưu phẩm khi giao hàng" - ông Phan Bình, giám đốc thương hiệu J&T Express, cho biết.
Dù vậy, tình hình lây lan và diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 lần này khiến không ít doanh nghiệp buộc phải từ chối đơn hàng của khách ở tâm dịch để đảm bảo an toàn cho nhân viên.
"Nếu khách ở những tâm dịch trong vùng giãn cách như quận Gò Vấp, TP.HCM, chúng tôi buộc phải xin phép khách là không giao tới được. Điều này là thiệt hại cho chúng tôi nhưng vì quyết tâm chống dịch chung của cả nước, chúng tôi buộc phải xin lỗi khách hàng" - ông Đoàn Việt Dũng, CEO hệ thống bán lẻ ShopDunk, chia sẻ.
Giao, nhận hàng: đừng quên giãn cách
Tại các siêu thị, nhân viên giao/nhận hàng được yêu cầu giãn cách để phòng chống dịch - Ảnh: K.L.
Gần đây, một số khách mua hàng điện lạnh trên sàn thương mại điện tử được thông báo đơn hàng bị hủy vì không xuất hàng được. Chị Mai, khách hàng, cho biết theo phía người bán, nhân viên giao hàng bị nghi nhiễm COVID-19 nên hoạt động giao hàng kèm lắp đặt bị tạm ngưng.
Thực tế, rủi ro của việc giao hàng trong mùa dịch bệnh hoành hành khiến người giao hàng rất dễ bị lây nhiễm, hoặc tiếp xúc gần với người đã nhiễm bệnh. Do đó, các nhà kinh doanh đều khuyến khích giao hàng không tiếp xúc.
Hạn chế các dịch vụ giao hàng mà nhân viên phải lắp đặt như nội thất, đồ dùng điện tử... Riêng khách hàng tại khu vực áp dụng chỉ thị 16, nhà bán lẻ khuyến khích khách đặt hàng từ các nhà bán hàng cùng khu vực để việc vận chuyển nhanh hơn.
Sàn thương mại điện tử cũng đắt hàng
Các nhà bán lẻ cho biết vẫn đang làm việc với nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung hàng hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng, đồng thời duy trì ổn định giá cả.
Những khách hàng mua online vẫn đang được hưởng các chương trình ưu đãi tại siêu thị, chưa kể được hỗ trợ chi phí vận chuyển bằng các mã giảm giá.
So với các đơn hàng đặt trực tiếp từ siêu thị hay cửa hàng thực phẩm tươi sống, đơn hàng thực phẩm thiết yếu trên các nền tảng thương mại điện tử có thời gian giao chậm hơn, thường sau một ngày nhưng vẫn tăng trưởng khá mạnh.
Sàn Lazada cho biết đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao trong những ngày qua, riêng ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng hơn gấp 3 lần. Các mặt hàng tươi sống và đông lạnh cũng ghi nhận mức tăng trưởng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Sàn Tiki cho biết đã phối hợp với các đối tác bán hàng đẩy mạnh nguồn cung hàng hóa ở hầu hết các ngành hàng, dự kiến tăng lên đến 50%, đặc biệt ở những ngành hàng nhu yếu phẩm, ngành hàng thực phẩm tươi sống...
Cùng với nhu cầu mua sắm tăng mạnh, các sàn thương mại điện tử và các nền tảng ứng dụng điện thoại cũng ghi nhận số lượng nhà bán hàng đăng ký mở gian hàng online tăng mạnh mỗi ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận