Ví dụ:
- Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước là 1 trong 5 di sản tinh thần của chủ tịch Hồ Chí minh, từ ngày 1-10-2012, được Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận là bảo vật quốc gia.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc lời kêu gọi đồng bào chiến sĩ cả nước và nhân dân thế giới trên Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam ngày 17-7-2014.
- Cách đây đúng 48 năm, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang đứng trước những đe dọa nguy hiểm nhất...
PHAN VĂN LỜI (Đà Lạt)
- Tú tôi đã truy cập vào trang web nói trên và có mấy nhận xét như sau:
● Ngay câu mở đầu, tác giả đã lưu ý bạn đọc rằng “Lời kêu gọi đồng bào chiến sĩ cả nước” là 1 trong 5 di sản tinh thần của chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài lời kêu gọi này, còn thêm 4 bảo vật khác nữa được tác giả phụ chú ở cuối bài là: Cuốn Đường Kách mệnh; Bản thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến; Bản di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh. Như thế tổng cộng, tác giả chỉ mới kể tên được 4 bảo vật. Còn bảo vật thứ 5 là quyển Ngục trung nhật ký không hiểu vì sao không được tác giả nhắc đến.
● Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi đồng bào chiến sĩ vào ngày 17.7 năm 1966 chứ không phải năm 2014.
● Cách đây 48 năm, tức năm 1966 giặc Mỹ leo thang đánh phá cả hai miền Nam Bắc. Cả nước ta đã phải đối mặt với những hành động chiến tranh khốc liệt của Mỹ chứ không phải là đang đứng trước những sự đe dọa (nói đe dọa nghĩa là nguy cơ chưa xảy ra).
Lộn rồi!
● Báo LĐ cuối tuần (12-9-2014), trang 12 có lời giới thiệu truyện ngắn Lão già và ngọn lửa. Lời giới thiệu có đoạn viết:
“Đọc truyện này tôi lại nhớ đến một lão Harpagon trong kịch của Moliere hà tiện đến quái đản nhưng còn chưa bằng lão Grandet trong tiểu thuyết của V.Hugo”…
Lộn rồi phải không?
TRẦN THỊ TÍCH (Bắc Ninh)
- Đúng là lộn rồi. Lão Grandet là nhân vật hà tiện trong tiểu thuyết Eugénie Grandet của Balzac chứ không phải của Victor Hugo.
Mau quên thế?
● Báo NHN ngày 22.8.2014 trang 7, truyện ngắn Ngôi đền cổ làng Phủ có đoạn:
“Cuối năm 1971, máy bay giặc Mỹ đánh phá điên cuồng dữ dội xuống cầu Đoan Vĩ, cách làng Phủ chừng hai cây số”.
Có đúng sự thật không?
TRẦN THỊ HÒA (Bắc Ninh)
- Chỉ đúng một nửa. Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ chia làm hai thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất bắt đầu từ ngày 5-8-1964 đến ngày 1-11-1968. Thời kỳ thứ hai bắt đầu từ ngày 6-4-1972 đến 29-12-1972. Như thế vào khoảng cuối năm 1971, không thể có chuyện máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc. Sự thật có lẽ máy bay Mỹ đã đánh phá làng Phủ vào khoảng cuối năm 1972 chứ không phải 1971. Những sự kiện quan trọng như thế thì phải gắng ghi lại cho chính xác.
Đâu phải vậy (!)
● Báo ANTG (2-8-2014), bài Phi công ném bom nguyên tử xuống Hiroshima đã chết, tác giả viết:
“Vì lãnh hai quả bom nguyên tử khủng khiếp này mà phe trục gồm Nhật, Ý, Đức quốc xã đã phải đầu hàng phe Đồng minh do Mỹ cầm đầu, kết thúc thế chiến thứ hai”.
Tác giả nói quá rồi, phải không cô Tú?
VŨ QUỐC TUẤN (Bà Rịa - Vũng Tàu)
- Hai quả bom nguyên tử do không quân Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) vào ngày 6 và 9-8-1945 đã dẫn đến việc Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện vào một tuần lễ sau đó (ngày 15-8-1945). Còn ở Ý, từ tháng 7-1943, “trùm phát xít” Mussolini đã bị lật đổ (và bị xử tử vào ngày 28-4-1945). Riêng Hitler (trùm Đức quốc xã) tự tử chết vào ngày 30-4-1945, quân Đức đầu hàng ngày 9-5-1945 (3 tháng trước khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật). Như vậy, nói “cả phe trục” đầu hàng vì hai quả bom nguyên tử là không chính xác.
Lộn... đôi!
● Báo CCB. TP.HCM (Đặc san tháng 8-2014), bài Nhớ thơ, đâu dễ nhớ tên người làm thơ, tác giả viết:
“Nữ sĩ Mộng Tuyết là em gái của nhà thơ Đông Hồ (phu quân của nữ sĩ Tương Phố)…”.
Cô Tú làm ơn “chỉnh cho chuẩn” giùm!
LÊ DŨNG VĂN HOÀNG (TP.HCM)
- Nhà thơ Đông Hồ (Lâm Tấn Phác; 1906 -1969) chính là phu quân của nữ sĩ Mộng Tuyết (Thái Thị Úc; biệt danh “Thất tiểu muội”; 1914-2007). Cả hai vị cùng quê Hà Tiên (Kiên Giang). Còn nữ sĩ Tương Phố (Đỗ Thị Đàm; quê Hưng Yên; 1896-1973) chỉ là “người dưng” với Đông Hồ. Gán ghép kiểu này coi bộ hơi vô duyên à!
Tuổi Trẻ Cười số 510 ra ngày 1/11/2014 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận